1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Phía sau đợt bùng dịch Covid-19 ở Triều Tiên

Thanh Thành

(Dân trí) - Khi thế giới dần trở lại cuộc sống bình thường mới, Triều Tiên lại chứng kiến làn sóng Covid-19 trong bối cảnh nước này chưa tiến hành chiến dịch tiêm chủng, hệ thống y tế còn yếu.

Phía sau đợt bùng dịch Covid-19 ở Triều Tiên - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên nhìn thấy đeo khẩu trang khi tuyên bố về ca nhiễm Covid-19 ở nước này (Ảnh: Reuters).

21 người tử vong do "sốt"

Triều Tiên đã xác nhận các ca nhiễm Covid-19 chính thức đầu tiên từ ngày 12/5 và ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã ngay lập tức ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Hai ngày sau khi công bố ca Covid-19 đầu tiên và áp lệnh phong tỏa toàn quốc, Triều Tiên báo cáo thêm 21 ca tử vong do "sốt".

"Ngày 13/5, toàn quốc ghi nhận 174.440 ca sốt mới, 81.430 ca hồi phục và 21 ca tử vong", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin. Tuy nhiên, KCNA không nói rõ những người tử vong này có dương tính với Covid-19 hay không.

Triều Tiên chưa từng báo cáo về bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào trước đây, vì vậy đợt bùng dịch lần này ở nước này đang thực sự gây sự chú ý và đặt ra nhiều câu hỏi.

Dịch có bùng phát mạnh không?

Truyền thông nhà nước cho biết, "những người bị sốt" tại một tổ chức ở thủ đô Bình Nhưỡng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với biến chủng Omicron, mà không nói rõ có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh.

Các nhà phân tích cho biết, virus có thể đã lây lan khi Triều Tiên tổ chức các ngày lễ lớn vào tháng 4 với các sự kiện lớn ở Bình Nhưỡng, bao gồm cả một cuộc diễu hành quân sự lớn ở Bình Nhưỡng khi hàng nghìn người tham gia và khán giả không đeo khẩu trang.

Việc Triều Tiên tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị do nhà lãnh đạo Kim Jong-Un giám sát và đưa ra một báo cáo ngay lập tức trên các phương tiện truyền thông nhà nước, vốn thường đưa tin về các sự kiện một ngày sau đó, đã cho thấy tình hình dường như đang nghiêm trọng.

Yang Moon-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, cho biết điều đó cho thấy rằng, "mọi việc đang rất cấp bách".

Vì sao bùng phát lúc này?

Triều Tiên là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới vào tháng 1/2020 sau khi loại virus này xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc.

Các biện pháp nghiêm ngặt đã được áp đặt, bao gồm phong tỏa biên giới, thắt chặt hạn chế đối với việc di chuyển trong nước, trục xuất các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài, và "đóng cửa then cài" nghiêm ngặt trong hơn 2 năm.

Nhưng các chuyên gia cho biết không thể tránh khỏi việc Covid-19 xâm nhập, khi tất cả các nước láng giềng đều bùng dịch nghiêm trọng.

Các chuyên gia cho biết, virus có thể đến từ một người nước ngoài vượt biên trái phép hoặc qua động vật bị nhiễm bệnh, như chim hoặc lợn rừng, qua biên giới một cách tự do.

Triều Tiên và Trung Quốc đã đình chỉ thương mại đường sắt vào tháng 4 năm nay do lo ngại của Bình Nhưỡng về việc lây nhiễm dịch bệnh, nhưng các chuyến hàng vận chuyển đường biển vẫn tiếp tục.

Triều Tiên cần phải làm gì?

Với cơ sở hạ tầng y tế còn yếu, không có vaccine và không có phương pháp điều trị chống virus, Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn trong công tác chống dịch.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc, mặc dù thông tin chi tiết về các hạn chế không được cung cấp ngay lập tức.

Go Myong-hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, Hàn Quốc cho biết: "Triều Tiên có thể sẽ làm điều tương tự Trung Quốc". Theo ông, Bình Nhưỡng cần "các biện pháp chống dịch mạnh hơn, giãn cách xã hội mạnh hơn và phong tỏa chặt hơn".

Nhưng không giống Trung Quốc, Triều Tiên chưa tiêm vaccine cho người dân và cũng không đủ năng lực để tiến hành xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn hàng loạt. Bình Nhưỡng cũng không có đủ kinh nghiệm điều trị người mắc bệnh Covid-19.

Các chuyên gia cảnh báo với tình hình này, Triều Tiên có thể chứng kiến tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng.

Họ có cần trợ giúp?

Thông báo của Triều Tiên được đưa ra vài ngày sau khi Hàn Quốc chính thức có tổng thống mới và một tuần trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Seoul.

Bình Nhưỡng trước đây đã nhiều lần từ chối các đề nghị hỗ trợ đại dịch và vaccine từ các nhóm cứu trợ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thậm chí cả từ Trung Quốc. Vì vậy, không rõ liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-Un có yêu cầu giúp đỡ lúc này hay không.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng những tuyên bố ban đầu của Triều Tiên cho thấy nước này đang sẵn sàng nhận viện trợ từ bên ngoài.

"Rõ ràng là Triều Tiên đang bùng dịch. Bằng cách công khai những con số đó, Triều Tiên phát đi tín hiệu họ đã sẵn sàng chấp nhận viện trợ liên quan đến Covid-19", New York Times dẫn lời Ahn Kyung Su, người điều hành một tổ chức chuyên theo dõi về tình hình y tế Triều Tiên nhận định.

Trong khi đó, chính phủ mới của Hàn Quốc cũng đã phân bổ ngân sách để gửi vaccine Covid-19 tới Triều Tiên, Kwon Young-se, người được đề cử cho vị trí Bộ trưởng thống nhất, cho biết tại một buổi điều trần.

Đợt bùng phát có thể làm gia tăng căng thẳng đối với nền kinh tế vốn đã khó khăn do hứng chịu lệnh trừng phạt và quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn duy nhất của Triều Tiên.

Vì vậy, những chuyên gia theo dõi Triều Tiên cho rằng nước này có thể phải chấp nhận viện trợ nhân đạo từ Trung Quốc và các nước khác để đối phó với đợt dịch này.

Theo Yahoo News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm