Phía sau đầu tư dè chừng của Trung Quốc vào “mỏ vàng” Vành đai Con đường
(Dân trí) - Trung Quốc tỏ ra cẩn trọng hơn trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào các dự án mới tại Pakistan dù quốc gia Nam Á này từng được xem là một trong những ưu tiên của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Khi Pakistan và Trung Quốc gần đây ngồi lại với nhau để trao đổi về Hành Lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), một chương trình trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, phía Trung Quốc tỏ ra không còn mặn mà với việc rót thêm tiền vào các dự án mới tại Pakistan.
Hai nước đã tổ chức cuộc họp lần thứ 6 của Ủy ban Hợp tác Chung, cơ quan quản lý cao nhất của CPEC, từ ngày 4-6/11. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không đạt được bước đột phá đáng kể nào đối với các dự án mới do Trung Quốc rót vốn tại Pakistan.
Bước tiến triển chính mà Ủy ban Hợp tác Chung đạt được là khởi công đường cao tốc Multan - Sukkur ở phía tây của Hành Lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
Các đại biểu dự họp cũng thảo luận về dự án đường sắt Main Line 1 (ML-1) kinh phí 9,2 tỷ USD, dự án lớn nhất của CPEC nối thành phố Peshawar ở tây bắc Pakistan với thành phố Karachi ở phía nam. Họ cũng đã trao đổi về cơ cấu nhằm rót vốn cho dự án ML-1, song vẫn không thể đi đến kết luận cuối cùng. Một ủy ban khác đã được thành lập để tìm nguồn tiền cho dự án ML-1.
Pakistan đã mời Trung Quốc mở rộng phạm vi của CPEC bằng cách đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, đồng thời đề xuất bán nhà máy thép Pakistan, vốn đang làm ăn thua lỗ, cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đưa ra bất kỳ cam kết tài chính nào để hồi đáp các đề xuất của Pakistan.
Chính quyền Pakistan từng kỳ vọng Trung Quốc sẽ đưa thêm nhiều dự án mới trong khuôn khổ CPEC vào cuộc họp lần này của Ủy ban Hợp tác Chung, song Bắc Kinh vẫn dè chừng. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang theo đuổi cách tiếp cận thận trọng đối với các dự án thuộc hành lang kinh tế với Pakistan.
Sự thận trọng của Trung Quốc
Thủ tướng Pakistan Imran Khan (trái) trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại một lễ ký kết ở Bắc Kinh hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)
Theo các chuyên gia, Trung Quốc rõ ràng đang thực thi chính sách hoàn tất các dự án CPEC đang được triển khai, trước khi đưa ra những cam kết tài chính tiếp theo.
Malik Siraj Akbar, nhà phân tích tại Washington, cho rằng Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào Pakistan, song Bắc Kinh cảm thấy rằng Islamabad chưa có đủ năng lực cũng như bộ máy chính quyền hiệu quả để hoàn tất nhiều dự án một cách hiệu quả.
“Trung Quốc đã quyết định đi chậm lại để đảm bảo rằng tất cả các dự án CPEC đang được triển khai sẽ được hoàn tất đúng thời hạn, thay vì tiếp tục rót thêm tiền vào Pakistan”, ông Akbar nói với Nikke Asian Review.
Một lý do nữa cho cách tiếp cận thận trọng của Trung Quốc đối với các dự án CPEC là cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại Pakistan.
“Trung Quốc hiểu những rủi ro từ việc rót quá nhiều khoản vay cho một đất nước đang chìm trong nợ nần và sa lầy trong cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, đến mức chính phủ của họ dường như không đủ khả năng để chấm dứt”, Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, nhận định.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố hồi tháng 7, tổng nợ công nước ngoài của Pakistan ở mức 85,7 tỷ USD hồi tháng 3 và 1/4 trong số này là nợ Trung Quốc. Trong khi đó, dựa trên mức tính toán lớn hơn, Ngân hàng nhà nước Pakistan xác định tổng số nợ công của nước này khoảng 106 tỷ USD.
Theo ông Kugelman, Bắc Kinh cũng cẩn trọng về các khoản vay mới liên quan tới Hành Lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
Trung Quốc thể hiện rõ sự lạnh nhạt trong cuộc họp lần này, mặc dù Pakistan đã có nhiều động thái để tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh.
Pakistan đã vội vã thành lập một ban điều hành của CPEC, bỏ qua tiếng nói của Quốc hội, để xúc tiến các dự án trong hành lang với Trung Quốc. Pakistan cũng thông báo chính sách miễn thuế kéo dài 23 năm cho các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại cảng Gwadar ở tây nam Pakistan.
Tuy vậy, những ưu đãi trên cũng không thể thuyết phục Trung Quốc mở thêm các dự án mới tại Pakistan.
Theo các chuyên gia, những nỗ lực của Pakistan nhằm trấn an Trung Quốc rằng họ vẫn duy trì cam kết với các dự án CPEC.
“Thông qua các bước đi này, Pakistan muốn nói với Trung Quốc rằng chúng tôi (Pakistan) có thể chậm trong việc khắc phục những hạn chế của mình, nhưng chúng tôi vẫn liên tục cố gắng để nâng cao năng lực nhằm hoàn tất các dự án CPEC đúng hạn”, nhà phân tích Akbar nói.
Chuyên gia Kugelman đồng ý với quan điểm trên. Ông tin rằng, những ưu đãi mới của Pakistan dành cho các công ty Trung Quốc sẽ không thể ngay lập tức xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh về rủi ro tài chính liên quan tới CPEC.
“Trung Quốc cần được trấn an rằng, Pakistan vẫn đang nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, hoặc thực tế hơn, là Islamabad vẫn cần các khoản vay ngay cả khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở nước này”, ông Kugelman cho biết.
Hy vọng cho Pakistan
Mặc dù Trung Quốc không đưa ra bất kỳ cam kết tài chính mới nào, song nước này vẫn thể hiện mong muốn ủng hộ chặt chẽ các dự án CPEC hiện thời. Thực tế cho thấy Bắc Kinh đã đưa đoàn đại biểu đông nhất từ trước đến nay dự cuộc họp gần đây nhất với Pakistan.
Katharine Adeney, giám đốc Viện nghiên cứu châu Á tại Đại học Nottingham ở Anh, cho rằng mặc dù nhiều dự án cơ sở hạ tầng được triển khai từ sớm vẫn chưa thể hoàn thiện, song không thể kết luận rằng toàn bộ dự án sẽ đóng cửa.
“Cả Trung Quốc và Pakistan đều muốn thúc đẩy hơn nữa dự án này. Thất bại của CPEC sẽ gửi một tín hiệu đáng lo ngại tới toàn thế giới về Sáng kiến Vành đai và Con đường lớn hơn của Trung Quốc”, bà Adeney nói.
Theo chuyên gia Kugelman, để CPEC hoạt động tốt, cả Trung Quốc và Pakistan đều phải tìm cách để xúc tiến dự án này, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn.
Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) được khởi động từ năm 2014 nhằm xây dựng mối liên kết giữa Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc với thành phố cảng Gwadar ở phía nam Pakistan. Tổng giá trị của dự án ước tính khoảng 60 tỷ USD.
Thành Đạt
Theo Nikkei