1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phi công Ukraine hé lộ sứ mệnh tuyệt mật ở pháo đài cuối cùng của Mariupol

Minh Phương

(Dân trí) - Những chuyến bay của phi công Ukraine tiếp tế cho lực lượng ở nhà máy Azovstal, thành phố Mariupol ví như chuyến bay vào "bẫy tử thần", song họ chấp nhận đối mặt rủi ro.

Phi công Ukraine hé lộ sứ mệnh tuyệt mật ở pháo đài cuối cùng của Mariupol - 1

Bên trong buồng lái một trực thăng tham gia chiến dịch tiếp tế tuyệt mật cho Mariupol (Ảnh: Telegraph).

Theo thói quen trước mỗi chuyến bay, Oleksandr, phi công quân đội 51 tuổi của Ukraine, vuốt lên thân chiếc trực thăng Mi-8 để cầu may cho mình và đồng đội. May mắn là thứ mà họ cần bởi đích đến của chuyến bay là nhà máy luyện kim Azovstal, pháo đài cuối cùng ở thành phố Mariupol bị quân đội Nga bao vây, tấn công nhiều tuần liền trước khi "thất thủ" hồi giữa tháng 5.

Với các phi công Ukraine, nơi đó được ví như một "bẫy tử thần". Một số tổ lái của quân đội Ukraine đã phải bỏ mạng khi tham gia sứ mệnh tiếp tế cho thành trì Mariupol. Mặc dù vậy, sứ mệnh tiếp tế cho Azovstal được xác định là cần thiết trong bối cảnh hàng nghìn binh sĩ Ukraine ở đó cạn kiệt đạn dược, lương thực, nước uống và thuốc men.

Oleksandr chỉ thực hiện một chuyến bay đến Mariupol. Với ông, đó là nhiệm vụ thách thức nhất trong suốt 30 năm sự nghiệp của mình. Ông chia sẻ, ông sẵn sàng đối mặt với rủi ro vì không muốn các binh sĩ ở Azovstal cảm thấy bị bỏ rơi.

Bay vào "bẫy tử thần"

Video trực thăng Ukraine lách "lưới lửa" Nga để tiếp tế cho Azovstal

Ngồi trong buồng lái, Oleksandr cảm thấy bồn chồn, vài phút mà ngỡ như vài giờ.

"Rất đáng sợ. Các vụ nổ cứ vang lên xung quanh và quả đạn pháo tiếp theo có thể rơi đúng nơi mình đang đứng", Oleksandr kể. Ông nhớ lại khoảnh khắc trực thăng bị trúng hỏa lực từ tàu chiến của Nga ngoài khơi Mariupol.

Xung lực do vụ nổ gây ra hất văng trực thăng như một món đồ chơi, nhưng Oleksandr đã kịp điều khiển để trực thăng trốn thoát. Sau đó, Oleksandr cho trực thăng bay với tốc độ 220 km/h ở độ cao chỉ khoảng 3m, trừ những lúc phải bay vượt qua đường dây điện.

Một trực thăng nữa cũng tham gia sứ mệnh cùng với trực thăng của ông, nhưng đáng tiếc trực thăng đó "một đi không trở lại". Oleksandr cho biết, phi công của chiếc trực thăng xấu số đã liên lạc qua radio để thông báo nó sắp cạn nhiên liệu và đó là liên lạc cuối cùng giữa họ.

Một sĩ quan tình báo quân sự tham gia sứ mệnh tiếp tế đầu tiên cho Mariupol cũng kể lại, một trực thăng bị bắn rơi, 2 chiếc khác không bao giờ trở lại và bị coi là "mất tích". Viên sĩ quan này cho biết, khi thực hiện sứ mệnh, ông đã mặc thường phục với ý nghĩ có thể trà trộn vào dân thường nếu như sống sót sau một vụ rơi trực thăng. "Chúng tôi đều biết rằng, đó có thể là chuyến bay một đi không trở lại", ông chia sẻ.

Trong suốt gần 3 tháng từ tháng 3 đến tháng giữa tháng 5, 16 trực thăng Mi-8 đã thực hiện tổng cộng 7 sứ mệnh tiếp tế, mang quân nhân, lương thực, nước uống, thuốc men, vũ khí và các trang thiết bị khác tới cho lực lượng bị bao vây ở Azovstal. Mỗi trực thăng có thể mang theo 30 binh sĩ hoặc 4 tấn hàng mỗi lần. Trong một số trường hợp, các phi công chỉ được thông báo nhiệm vụ trước vài giờ.

Ngoài tiếp tế, các trực thăng cũng làm nhiệm vụ vận chuyển binh sĩ bị thương ra khỏi khu vực bị bao vây. Vladislav Zahorodnii, một hạ sĩ 22 tuổi bị thương nặng khi chiến đấu ở Mariupol, là một trong những quân nhân may mắn được sơ tán thành công khỏi Azovstal hôm 31/3. Anh được đưa lên một chiếc trực thăng Mi-8. Trực thăng này bị trúng đạn pháo trên đường trở ra, khiến nó bị hỏng một bên động cơ. May mắn chiếc trực thăng vẫn có thể tiếp tục bay với động cơ còn lại. Sau 80 phút, chiếc trực thăng hạ cánh an toàn ở thành phố Dnipro ở miền Trung Ukraine.

Pháo đài Azovstal hứng "mưa đạn", chỉ huy Ukraine hé lộ tình cảnh bên trong

Chiến dịch tiếp tế này được cho là đã giúp lực lượng của Ukraine ở Mariupol cầm cự nhiều tuần liền trước các đòn tấn công của quân đội Nga và phe ly khai, đưa Mariupol trở thành biểu tượng cho sức kháng cự của Ukraine. Chiến dịch chỉ ngừng lại cho đến khi hơn 2.500 binh sĩ cố thủ ở Azovstal nhận được lệnh ngừng chiến đấu để bảo vệ tính mạng cho những quân nhân bị thương không được chăm sóc y tế.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi các phi công tham gia chiến dịch tiếp tế cho Mariupol là "người hùng". "Họ thực sự là những người hùng, những người quyết tâm thực hiện nhiệm vụ dù biết rằng đó là nhiệm vụ khó khăn và gần như bất khả thi… Chúng ta đã mất rất nhiều phi công", nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Theo AP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm