Phe Dân chủ ra “đòn hiểm” nhưng Trump có chiến lược phản công lợi hại
Cuộc điều tra luận tội Tổng thống được coi là sự đối đầu trực diện và nghiêm trọng nhất của đảng Dân chủ đối với ông Trump.
Cuộc điều tra tập trung một phần vào việc liệu có hay không khả năng Tổng thống Trump đã lạm quyền và tìm kiếm sự trợ giúp từ chính phủ nước ngoài để hạ bệ cựu Phó Tổng thống Joe Biden – một trong những đối thủ chính của ông trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2020. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cáo buộc hành động của ông Trump là “sự phản bội lời thề với Văn phòng Tổng thống” và tuyên bố “không ai đứng trên luật pháp” khi công bố cuộc điều tra.
Cuộc điều tra này được coi là sự đối đầu trực diện và nghiêm trọng nhất của đảng Dân chủ đối với Tổng thống Trump, tạo ra nhiều bất ổn trong chiến dịch bầu cử 2020, là phép thử đối với hiến pháp quốc gia Mỹ.
Tổng thống Trump – người đang ở tâm bão của vụ bê bối chính trị gây tranh cãi, đã thách thức đảng Dân chủ thực hiện cuộc điều tra luận tội. Ông tự tin rằng hành động này sẽ giúp củng cố thay vì làm giảm sự ủng hộ chính trị đối với ông. Trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc, ông đã đăng tải dòng Tweet tự bảo vệ mình, gọi cuộc điều tra là “Sự quấy rầy Tổng thống!”.
Vụ việc bắt đầu từ cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với Tổng thống Ukraine Zelensky hồi tháng 7/2019. Ông Trump được cho là đã yêu cầu các nhân viên dưới quyền đóng băng gần 400 triệu USD kinh phí viện trợ cho Ukraine chỉ vài ngày trước cuộc điện đàm. Nhiều cáo buộc nói rằng ông Trump đã gây sức ép buộc Tổng thống Zelensky điều tra tham nhũng với cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai ông này là Hunter Biden.
Nghiêm trọng hơn cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Tổng thống Trump từng đối mặt với nguy cơ bị luận tội liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Nhưng may mắn đã mỉm cười với ông khi báo cáo điều tra cho biết, không phát hiện bằng chứng cho thấy nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump có sự thông đồng với Nga. Ngoài ra, báo cáo cũng không đưa ra kết luận về việc liệu có bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump có cản trở việc thực thi pháp luật hay không. Trong vụ việc này, ông Trump gián tiếp liên quan còn Paul Manafort - người phụ trách chiến dịch tranh cử của ông mới bị cáo buộc tiếp xúc trực tiếp với cơ quan tình báo của Nga.
Trái lại, trong vụ bê bối chính trị mới, ông Trump được cho là đã trực tiếp yêu cầu Tổng thống Ukraine tiến hành điều tra ông Biden và con trai ông, sau khi tổng công tố viên Ukraine hồi tháng 5/2019 tuyên bố không có bằng chứng cho thấy hai người này phạm tội.
Hơn nữa vào thời điểm năm 2016, lúc chưa thắng cử, ông Trump vẫn chỉ là một công dân như bao người dân bình thường khác của nước Mỹ. Chỉ khi giành được đề cử của đảng Cộng hòa trở thành ứng viên Tổng thống chính thức, ông mới được tiếp cận với các cuộc họp của cơ quan tình báo vì thế rất khó để nghi ngờ ông biết trước về những nỗ lực can thiệp bầu cử của Nga nếu có.
Ngược lại, vụ lùm xùm liên quan đến Ukraine xảy ra trong thời gian ông nắm quyền, hơn 2 năm sau khi ông cam kết “trung thành với văn phòng tổng thống”. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, ông Trump đã thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ trong một nỗ lực để gây sức ép với Ukraine – quốc gia đang căng thẳng với Nga, nhằm giúp ông tái đắc cử. Đảng Dân chủ cáo buộc cách hành xử của ông Trump là vi phạm phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ khi tìm cách tranh thủ thế lực nước ngoài nhằm hạ bệ đối thủ.
Tổng thống Trump có nguy cơ bị bãi nhiệm và ngồi tù?
Gánh nặng hiện giờ đang đè nặng lên vai đảng Dân chủ để thổi phồng vụ việc trước công chúng nhằm tạo ra tình huống có lợi cho họ. Trong một Quốc hội mang tính phân cực cao, một cuộc điều tra luận tội sẽ ngày càng cho thấy sự bất đồng sâu sắc giữa hai phe. Hơn nữa, để bãi nhiệm một Tổng thống thông quá quá trình luận tội sẽ cần 2/3 số phiếu ủng hộ của Thượng viện, mà viện này hiện nay do đảng Cộng hòa kiểm soát. Đến thời điểm hiện tại, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy đa số các thành viên đảng Cộng hòa “quay lưng lại” với ông Trump. Về phần mình, Tổng thống Trump nhiều lần yêu cầu công bố bằng chứng và các cuộc phỏng vấn nhân chứng trong những cuộc điều tra đang diễn ra.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, một Tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố. Nhưng số phận của Tổng thống Trump có thể thay đổi nếu phe Dân chủ thực hiện thành công tiến trình luận tội ông và việc truy tố bắt đầu khi ông chấm dứt quá trình phục vụ tại Nhà Trắng.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff nói rằng ông Trump có thể “là Tổng thống đầu tiên đối mặt với nguy cơ ngồi tù thực sự” và Bộ Tư pháp có thể ra quyết định truy tố ông một khi ông rời nhiệm sở. Ngoài vụ lùm xùm liên quan đến Ukraine, Tổng thống Trump cũng dính nghi án yêu cầu cựu luật sư của ông là Michael Cohen dùng tiền bịt miệng hai phụ nữ có quan hệ tình ái với ông trước cuộc bầu cử năm 2016.
Một khả năng khác có thể xảy ra là ông Trump từ chức trước khi bị luận tội, giống như những gì Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã làm vào năm 1974. Các nhà sử học cho rằng, nêu ông Nixon không từ chức thì sớm muộn ông sẽ bị buộc tội và bị cách chức. Theo một số chuyên gia pháp lý, ông Trump có thể làm theo kịch bản của ông Nixon. Nữ nghị sỹ bang California Jackie Speier, thành viên đảng Dân chủ cho biết, dựa trên các bằng chứng ngày cách gia tăng về mối quan hệ của đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga, bà tin ông có thể từ chức trước khi bị luận tội.
Liệu đảng Cộng hòa sẽ tham gia vào tiến trình luận tội Tổng thống?
Theo giới quan sát, có hai khả năng xảy ra. Khả năng đầu tiên phụ thuộc vào thái độ của các cử tri Cộng hòa. Nếu cử tri Cộng hòa quay lưng lại với Tổng thống Trump thì nhiều khả năng các nghị sỹ Cộng hòa – những người mong muốn giữ ghế của họ tại Quốc hội sẽ theo sau xu hướng này.
Khả năng khác, theo một số nhà lý luận chính trị, là đảng Cộng hòa có thể coi việc luận tội Tổng thống Trump là cơ hội để có được vị Tổng thống mà họ mong muốn: Phó Tổng thống Mike Pence. Có nhiều khác biệt rõ ràng trong cách ông Trump và ông Pence xử lý các vấn đề chính trị. Trước hết, ông Pence là người có cách tiếp cận truyền thống hơn trong giao tiếp với công chúng. Không giống như Tổng thống Trump, người Mỹ sẽ không thấy Phó Tổng thống Mike Pence đăng tải những dòng Tweet nói về vấn đề chính trị hay ngoại giao giữa đêm khuya. Về cơ bản, ông Pence luôn gắn liền với các quan điểm như thu hẹp chính quyền, trả lại quyền lực cho các bang.
Ông Trump đã có chiến lược phản đòn?
Chiến lược phản đòn của ông Trump gói gọn trong 3 yếu tố chính: Dự đoán nỗ lực luận tội ông sẽ gây phản tác dụng đối với đảng Dân chủ, chứng minh luận lập rằng phe đối lập muốn lật đổ ông ngay từ ngày đầu lên nắm quyền, và chuyển sự chú ý vào vụ việc của cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Nhà Trắng ngày 25/9 đã công bố nội dung bản ghi âm cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky. Theo bản ghi âm này, đúng là ông Trump đã gợi ý Tổng thống Ukraine điều tra bố con ông Biden vì có những đồn đoán họ liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên, ông Trump dường như được minh oan vì không xuất hiện chi tiết cho thấy ông đã đưa ra đề nghị mang tính trao đổi để buộc lãnh đạo Ukraine phải tiến hành điều tra, và cũng không nhắc đến khoản viện trợ quân sự cho Kiev. Việc cung cấp nội dung bản ghi âm thô và khẳng định không có hành vi sai trái nào trong vụ việc này chỉ là một phần trong phản ứng của đội ngũ ông Trump với nỗ lực luận tội của phe Dân chủ.
Tổng thống cùng các đồng minh của ông đang cố gắng lật ngược tình thế với ứng cử viên Dân chủ Joe Biden, cũng như chứng minh rằng phe Dân chủ đã có âm mưu “lật đổ” ông ngay từ ngày đầu ông lên nắm quyền.
Một nguồn tin thân cận với Tổng thống Trump cho biết, vụ lùm xùm đang diễn ra sẽ tạo cơ hội cho ông Trump xoáy sâu vào những câu hỏi liên quan đến cáo buộc ông Biden đã dùng quyền lực ngăn cản cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh của con trai ông, làm ảnh hưởng đến uy tín của ứng viên Tổng thống thuộc đảng Dân chủ này. "Họ đã thả một quả bom hạt nhân vào Joe Biden, người luôn thể hiện mình đứng về tầng lớp lao động, bằng cách cho thấy ông ấy là Joe Biden thuộc tầng lớp doanh nghiệp đã lợi dụng các đặc quyền", nguồn tin nói.
Một số thành viên đảng Dân chủ đã thúc đẩy việc luận tội Tổng thống từ trước khi có vụ lùm xùm liên quan đến Ukraine diễn ra. Họ cho rằng những bằng chứng mà công tố viên Robert Mueller thu thập được cho thấy ông Trump có các hành vi phạm tội, trong đó có cản trở công lý. Nhưng chính nỗ lực này đã khiến đội ngũ tranh cử của ông Trump có cớ để nói rằng “luận tội Tổng thống” luôn là trọng tâm trong cuộc chơi của đảng Dân chủ và họ không cần phân biệt đúng sai, chỉ nhăm nhe một mục đích duy nhất là lật đổ ông Trump.
Và có lẽ chiến lược phản đòn của Tổng thống Trump đã phát huy tác dụng khi người đứng đầu chiến dịch tranh cử 2020 của ông cho biết kể từ sau thông báo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi về việc luận tội tổng thống, quỹ quyên góp cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump và đảng Cộng hòa từ tất cả 50 bang của nước Mỹ đã tăng vọt.
Theo Hồng Anh
VOV.VN