1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Phát xít mới thâm nhập quân đội Mỹ

Theo báo cáo của một nhóm giám sát Mỹ, ngày càng có nhiều kẻ "đầu trọc" hoặc theo chủ nghĩa phát xít mới tìm cách thâm nhập vào quân đội nước này.

Trung tâm tư vấn luật vì người nghèo miền nam - một tổ chức chuyên theo dõi các hoạt động của những kẻ phân biệt chủng tộc da trắng, có trụ sở tại Montgomery, Alabama - thống kê rằng hàng ngàn thành viên của các nhóm tân phát xít hiện đang có mặt trong các lực lượng vũ trang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đặc biệt là quân đội. Điều này làm gia tăng nguy cơ xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố trong nước.

 

Báo cáo của cơ quan giám sát cũng trích dẫn việc một điều tra viên của bộ quôc phòng đã nhận dạng được 320 kẻ cực đoan đang phục vụ trong quân đội hơn một năm qua. Rất nhiều kẻ trong số này đã được cử tới Iraq. Tuy nhiên, chỉ có hai tên bị phát hiện và sa thải.

 

Các thanh tra còn phát hiện một mạng lưới trực tuyến của 57 tên phát xít mới đang đi quân dịch trong các đơn vị hải quân và quân đội tại 5 kho vũ khí quân sự trải khắp đất nước.

 

Mục tiêu thâm nhập của những tên phát xít mới vào quân đội đã phần nào được làm sáng tỏ qua một bài báo đăng trên tạp chí Kháng cự của nhóm cực đoan Liên minh quốc gia.

Tác giả bài viết tự xưng là Steven Barry - một cựu quan chức đặc nhiệm của quân đội Mỹ và là kẻ điều phối cánh vũ trang của Liên minh quốc gia. Barry kêu gọi những tên "đầu trọc" hãy đi quân dịch để được đào tạo kĩ chiến thuật, tiếp cận với khí tài quân sự và "để không vô dụng như những kẻ du côn đường phố trong cuộc chiến sắc tộc sắp tới".

 

Quân đội Mỹ đã siết chặt chính sách thời bình chống những kẻ cực đoan từ năm 1996, sau khi cựu chiến binh được thưởng huân chương vì tham gia chiến tranh Vùng vịnh Timothy McVeigh cho nổ một quả bom trong xe tải, làm 169 người ở thành phố Oklahoma thiệt mạng.

 

Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan giám sát khẳng định trong thời gian gần đây, các quan chức quân đội dường như sao lãng việc thực thi nghiêm chỉnh chính sách trên, đặc biệt tại các đơn vị chiến đấu.

 

Kể từ khi chế độ quân dịch tự nguyện hoàn toàn ra đời năm 1973, quân đội Mỹ đã không tuyển đủ quân theo chỉ tiêu hàng năm lần đầu tiên năm 1999. "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy dưới áp lực khắc nghiệt phải đáp ứng mục tiêu cung cấp đủ nhân sự cho các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, các nhà tuyển dụng và chỉ huy quân đội đã nới lỏng các quy định vốn được đặt ra để ngăn cấm những kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan phục vụ trong các lực lượng vũ trang," trích lá thư của giám đốc điều hành trung tâm Richard Cohen gửi Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld.

 

Ông Cohen cũng yêu cầu Bộ trưởng Rumsfeld bổ nhiệm một đơn vị đặc nhiệm chuyên trách việc điều tra, đánh giá đầy đủ mức độ của vấn đề để sau đó đưa ra một chính sách chống phát xít trong quân đội nghiêm khắc, khả thi.

 

Theo Thanh Bình

VietnamNet/Reuters, AP, NYT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm