Phát hiện thuỷ hợp chất mới trên sao Hoả
(Dân trí) - Một tàu thám hiểm vũ trụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện ra một chất mới xuất hiện ở nhiều nơi tại nhiều vùng trên sao Hỏa.
Tàu thám hiểm vũ trụ MRO tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của thủy hợp silic. Phát hiện mới cho thấy nước ở dạng lỏng tồn tại trên bề mặt sao Hỏa muộn hơn một tỷ năm so với thời gian trước đây các nhà khoa học khẳng định.
''Đây là phát hiện quan trọng vì nó mở rộng khoảng thời gian nước ở dạng lỏng tồn tại trên sao Hỏa và những nơi có thể đã có cuộc sống,'' Tiến sĩ Scott Murchie trưởng nhóm nghiên cứu kỹ thuật dò tìm đang được sử dụng cho tàu MRO, nói. ''Việc tìm thấy chất silic có nước cho chúng ta thấy nước từng có trên sao Hỏa chỉ cách đây hai tỷ năm thôi''.
Phát hiện này củng cố thêm các bằng chứng về giả thiết nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành sao Hỏa và có thể là cả trong việc duy trì sự sống.
Các chất khoáng có chứa nước là dấu hiệu rõ ràng về thời điểm và địa điểm tồn tại nước trên sao Hỏa cổ đại.
Thủy hợp silic là phát hiện mới nhất và hình thành khi nước làm thay đổi các chất do hoạt động của núi lửa tạo ra hay do va chạm giữa thiên thạch và bề mặt sao hỏa.
Cho tới nay, các tàu thám hiểm mới chỉ tìm ra hai nhóm khoáng chất chính đó là phyllosilic và sulfat.
Phylosilic trông giống đất sét và được hình thành cách đây 3,5 tỷ năm khi đá nham thạch bị ngâm nước lâu. Sau đó vài trăm triệu năm, khoảng ba tỷ năm về trước, thủy hợp sulfat hình thành sau khi nước muối và nhiều khi là nước có axít bốc hơi.
Tàu MRO tới sao Hỏa năm 2006 để tìm hiểu địa lý, khí hậu và bầu không khí sao Hỏa từ quỹ đạo cũng như tìm các dấu hiệu về nước.
NASA đang chuẩn bị phóng thêm một tàu thám hiểm nữa lên sao Hỏa vào năm 2009 để tìm dấu vết về sự sống hiện tại hoặc trong quá khứ.
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cũng có kế hoạch cho một tàu lên thám hiểm khả năng có thể sống trên sao Hỏa vào năm 2016.
Nhật Mai
Theo BBC