1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phát hiện nước trên sao Hỏa

(Dân trí) - Nước, thành phần có vai trò quan trọng quyết định sự tồn tại của các sinh thể, dường như đã chảy trên bề mặt sao Hỏa ít nhất hai lần trong vòng 7 năm qua. Phát hiện này mở ra nhiều hướng khai thác hành tinh này.

Những mạch nước chảy trên sao Hỏa có thể xuất phát từ nguồn nước ngầm trong lòng đất của hành tinh này.

 

Kết luận này được một nhóm nhà khoa học của NASA thông báo trong một cuộc họp ngắn của cơ quan này diễn ra vào ngày 6/12, sau khi phân tích và đối chiếu hàng ngàn bức ảnh chụp bề mặt của sao Hỏa do camera trên tàu thăm dò Mars Global Surveyor, đã ngừng hoạt động, gửi về.

 

Các nhà nghiên cứu tại NASA đã phát hiện ra những vết tích mà họ cho là dấu vết của dòng nước chảy dọc theo các rãnh trên vách hai miệng núi lửa lớn. Ở cả hai điểm quan sát - miệng núi lửa Terra Sirenum và một miệng núi lửa khác chưa được đặt tên trong khu vực Centauri Montes, các nhà khoa học đã xác định được trên một số bức ảnh có dấu vết của dòng sông mới xuất hiện màu nhạt, giống như dòng nước chảy qua. Trên đỉnh núi lửa Terra Sirenum, ảnh chụp địa danh này đã thay đổi rất mạnh khi so sánh hai thời điểm tháng 12/2001 và tháng 4/2005. Những thay đổi tương tự cũng được xác định trên đỉnh núi lửa trong khu vực Centauri Montes từ tháng 8/1999 đến tháng 2/2004.

 

Trong mấy năm gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy cách đây hàng tỷ năm, bề mặt sao Hỏa đã có nước. Rađa quan sát xuyên lòng đất của tàu thăm dò châu Âu trên quỹ đạo Mars Express đã tìm thấy một vỉa băng lớn nằm sâu dưới lòng đất sao Hỏa vài kilômét.

 

Các nhà khoa học cũng đã có một số bằng chứng có sức thuyết phục nhất về sự tồn tại của nước trong Hệ Mặt Trời qua những bức ảnh do tàu thăm dò Galileo và Cassini của NASA gửi về. 

 

Tàu Cassini hiện nay đang quan sát sao Thổ và các mặt trăng của hành tinh này. Tàu Galileo đã tìm thấy một đại dương đầy bùn lầy nằm dưới lớp băng dày trên bề mặt mặt trăng của sao Mộc có tên Europa. Còn tàu Cassini theo dõi một mạch ngầm trên vệ tinh Enceladus của sao Thổ, được cho là có nhiều biển nước lớn. Tuy nhiên tới nay, mọi sự chú ý đang đổ dồn về Sao Hỏa.

 

“Tôi cho rằng họ đã có những kết luận chính xác”, ông Bruce Jakosky, giám đốc Trung tâm thiên văn của ĐH Colorado (Mỹ) nhận xét. Trong khi đó, giáo sư Philip Christensen, ĐH Arizona, một nhà khoa học hàng đầu từng tham gia điều hành tàu thăm dò Mars Global Surveyor thì cho rằng: “Năm năm trước, chúng ta nói về nước trên sao Hỏa cách đây 5 triệu năm. Còn bây giờ thì chúng ta có thể tự tin nói về nước trên Sao Hỏa hiện nay. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong tư duy, làm thay đổi cách mà chúng ta thường nghĩ về sao Hỏa và về việc làm thế nào để khai thác sao Hỏa”.

 

Bằng chứng về sự tồn tại của nước trên sao Hỏa có khả năng sẽ thúc đẩy NASA và các cơ quan hàng không vũ trụ khác đẩy nhanh tiến độ chinh phục hành tinh này. Các cuộc quan sát dài hạn đã tạo cho giới khoa học thiên văn quốc tế cơ hội tốt để theo dõi những thay đổi trên bề mặt và trong lòng đất hành tinh đỏ. Thế nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc phải tiêu tốn nhiều tiền của mà đáng lý ra có thể phục vụ cho các sứ mạng khác. Chính vì thế, các nhà khoa học ủng hộ sao Hỏa hy vọng đây sẽ là cú hích quan trọng để các nước đầu tư nhiều hơn cho sứ mạng nghiên cứu hành tinh này trong những năm tới.

 

Ngọc Nhàn

(Tổng hợp)