Phát hiện hóa thạch “quái vật biển” ở Peru
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hóa thạch của một con cá voi cổ đại với hàm răng khổng lồ và đầy dữ tợn, được mệnh danh là "quái vật biển".
Viết trên tạp chí về tự nhiên Nature, các nhà khoa học đã mệnh danh sinh vật có niên đại 12 triệu năm này là “Leviathan”.
Sinh vật được cho là dài hơn 17m và có thể đã tham gia vào các trận quyết chiến với các sinh vật biển khổng lồ khác vào thời gian đó.
Leviathan trông rất giống một con cá nhà táng hiện đại (hay còn gọi là cá voi tinh dịch - tên xuất phát từ các thủy thủ săn cá voi khi họ tưởng rằng chất dầu trên đầu cá nhà táng, sáp cá nhà táng, chính là tinh dịch của nó), xét về mặt kích cỡ và vẻ ngoài.
Theo Tiến sỹ Christian de Muizon, giám đốc Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Paris, Pháp, Leviathan có thể đã săn và ăn thịt nhiều sinh vật biển có kích thước lớn như cá heo, hải cẩu và thậm chí là cả những con cá voi khác. “Nó là một quái vật biển”, ông nhận xét.
“Thú vị hơn nữa là vào cùng thời điểm đó, trong cùng vùng nước, có một con quái vật khác. Đó là cá mập khổng lồ, dài khoảng 15m. Có thể chúng đã chiến đấu với nhau”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Leviathan có khả năng ăn một con mồi dài tới 8m. Nó bắt con mồi bằng bộ hàm khổng lồ, nhanh chóng xé toạc con mồi và nghiền nát nó bằng những chiếc răng khổng lồ.
Những chiếc răng của nó có độ dài và đường kính lớn hơn gấp đôi răng của cá nhà táng hiện đại và chúng có cả ở hàm trên và hàm dưới. Cá nhà táng hiện đại chỉ có răng ở hàm dưới. Theo nhóm nghiên cứu, việc phát hiện này chứng tỏ “quái vật biển” không chỉ là huyền thoại.
Hiện chưa rõ vì sao những con cá voi cổ đại lại tuyệt chủng. Các nhà nghiên cứu cho rằng hệ sinh thái, môi trường thay đổi có thể đã khiến sinh vật này phải thay đổi thói quen ăn uống của mình, dẫn đến sự ra đời của loài quá voi hiền hòa hơn ngày nay.
Phan Anh
Theo BBC