1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phát hiện các cổ vật có thể viết lại lịch sử Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các cổ vật được phát hiện ở khu vực tây nam Trung Quốc đặt ra giả thuyết rằng có một nền văn minh chưa biết tới từng tồn tại. Điều này có thể viết lại lịch sử Trung Quốc.

Phát hiện các cổ vật có thể viết lại lịch sử Trung Quốc - 1

Mặt nạ vàng được phát hiện trong di tích khảo cổ ở Tứ Xuyên (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Theo SCMP, các báu vật được khai quật ở di chỉ Tam Tinh Đôi, Quảng Nguyên, Tứ Xuyên. Theo các nhà nghiên cứu và quan chức Trung Quốc, chúng được cho thuộc về một nền văn minh đã phát triển cao tồn tại hàng nghìn năm nhưng chưa từng được ghi nhận trong sử sách.

Chiến dịch khai quật được tiến hành từ năm 2019 đã tìm ra hơn 500 cổ vật làm từ đồng vàng, ngọc, ngà voi có niên đại hơn 3.000 năm. Trong số các cổ vật, có một mặt nạ bằng vàng có thể thuộc về một tu sĩ trong nghi lễ tôn giáo.

Trong cuộc họp báo ngày 20/3, giới chức Trung Quốc cho hay chất lượng và kỹ năng thủ công làm nên những món đồ trên vượt xa so với các cổ vật được sản xuất cùng thời ở các khu vực khác tại Trung Quốc, bao gồm khu vực Trung Nguyên xung quanh Hoàng Hà - nơi được xem là cái nôi của triều nhà Thương.

Shi Jinsong, Phó giám đốc Viện Khảo cổ học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết nền văn minh Trung Quốc từ trước tới nay được cho là bắt đầu từ Trung Nguyên.

Tuy nhiên, những phát hiện ở Tam Tinh Đôi cho thấy chủ đề về nền văn minh Trung Quốc có thể phức tạp hơn rất nhiều so với quan điểm trước đây.

Zhao Congcang, một nhà khảo cổ học của Đại học Tây Bắc ở Tây An, cho biết ông đã rất sửng sốt khi nhìn thấy các cổ vật.

Một số tác phẩm nghệ thuật giống với các món đồ được tìm thấy ở các địa điểm dọc sông Dương Tử và ở Đông Nam Á, cho thấy nền văn minh chưa từng được biết đến hoàn toàn không bị cô lập, mà có thể đã giao thương rộng rãi với nhiều khu vực.

Phát hiện các cổ vật có thể viết lại lịch sử Trung Quốc - 2

Một cổ vật làm bằng đồng (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Di chỉ Tam Tinh Đôi được phát hiện vào những năm 1930, và nó vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất đối với giới khảo cổ học Trung Quốc.

Một số cổ vật bằng đồng lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới đã được tìm thấy tại khu vực này, bao gồm một "cây sự sống" cao 4 mét.

Vì những cổ vật này không có liên quan gì tới văn hóa Trung Quốc sau này và chưa ai có thể giải mã được những ký hiệu trên chúng, nhiều cuộc tranh luận về các cổ vật đã diễn ra.

Số lượng lớn các cổ vật cho thấy nền văn minh chưa được biết đến có một nền kinh tế phát triển và trình độ công nghệ cao.

Tứ Xuyên nằm trong một lòng chảo màu mỡ được ngăn cách với các khu vực xung quanh bởi những ngọn núi cao.

Nhà Tần đã xâm chiếm khu vực này vào năm 316 trước Công nguyên. Tứ Xuyên đã trở thành một phần chính thức trong nền văn minh Trung Hoa sau sự kiện đó, tuy nhiên, lịch sử không ghi chép lại thời điểm Tứ Xuyên chưa là một phần của Trung Quốc.