Phát động hẳn một “Thế chiến” thương mại, Mỹ vẫn lỗ nặng vì đâu?
“Ác mộng” của Tổng thống Trump đang thành sự thật với việc thâm hụt thương mại của Mỹ tăng kỷ lục sau khi ông phát động cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Chính sách thương mại luôn được Tổng thống Mỹ Donald Trump coi là trọng tâm chương trình nghị sự của ông. Nhưng chưa kịp ăn mừng vì vừa đạt được một thỏa thuận thương mại thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico thì ông Trump đã phải nhận “hung tin” rằng thâm hụt thương mại của Mỹ tháng 8 vừa qua tăng kỷ lục.
Điều đáng nói là tháng 8 vừa qua cũng có thể coi là thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác, đứng đầu là Trung Quốc, cùng với đó là Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico…
Điều này khiến dư luận hoài nghi, phải chăng ông Trump đang thua trong cuộc chiến thương mại mà chính ông khởi xướng?
Mỹ “lỗ” nặng
Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 8 vừa qua đã đạt mức cao nhất trong vòng 6 tháng vì xuất khẩu giảm sâu trong khi nhập khẩu lại đạt một đỉnh cao kỷ lục mới và điều này có thể tác động cực xấu đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 3 năm nay.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 5/10 cho biết, khoảng cách thương mại trong cả lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ của nước này bị nới rộng tháng thứ 3 liên tiếp lên 53,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với 50 tỷ USD trong tháng 7.
Sau khi được điều chỉnh với lạm phát, thâm hụt thương mại thực của Mỹ tháng 8 vừa qua còn bị nới rộng hơn, lên mức 86,3 tỷ USD, tăng 3,9 tỷ USD so với tháng 7 và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2006. Mức tăng đột biến của thâm hụt thương mại thực như thế có thể làm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 3 năm nay giảm 1 điểm phần trăm.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với riêng Trung Quốc trong tháng 8 nhảy vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 38,6 tỷ USD so với 36,8 tỷ USD của tháng 7 trong khi còn chưa được điều chỉnh vì những nguyên nhân khác. Tính từ đầu năm đến nay, thâm hụt thương mại hàng hóa Mỹ - Trung đã lên tới 261 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước là 240 tỷ USD.
Lý do chính của hiện tượng này là sự “sụp đổ” của nhiều ngành xuất khẩu ở Mỹ, đặc biệt là đậu nành với kim ngạch xuất khẩu giảm tới 1 tỷ USD, tương đương 28% so với tháng trước đó. Đây là hậu quả mà Mỹ phải gánh chịu từ đòn trừng phạt của Trung Quốc, nước mua nhiều đậu nành nhất của Mỹ và cũng là mục tiêu chính trong cuộc chiến thương mại toàn cầu của ông Trump.
Khoảng cách thương mại càng bị nới rộng hơn vì xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc lao dốc thê thảm sau khi 2 bên tăng thuế áp đặt đối với hàng hóa của nhau từ đầu tháng 7.
Nhưng Trung Quốc không phải là nước duy nhất hưởng thặng dư thương mại với Mỹ tăng vọt. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Mexico cũng đạt mức 8,7 tỷ USD, tăng tới 2,3 tỷ USD so với tháng 7. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản tháng 8 đạt 5,8 tỷ USD, tăng 900 triệu USD so với tháng trước đó. Các chuyên gia kinh tế nhận định, theo các xu hướng gần đây, thâm hụt thương mại của Mỹ còn tiếp tục tăng.
“Động lực tăng trưởng toàn cầu nguội lạnh và đồng USD mạnh lên sẽ tiếp tục kìm hãm xuất khẩu của Mỹ trong khi nhập khẩu vẫn được hậu thuẫn tốt bởi nhu cầu trong nước của Mỹ tăng” – Chuyên gia kinh tế trưởng người Mỹ của Oxford Economics, ông Gregory Daco chỉ rõ.
“Khách hàng không đáng tin”
“Trung Quốc vẫn luôn là khách hàng không đáng tin đối với nông dân Mỹ” – Báo Des Moines Register giật tít một bài bình luận đăng hôm 5/10 của Dave Miller, giám đốc một viện nghiên cứu thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Iowa (IFBF).
Tờ báo địa phương này bỗng “nổi tiếng” toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ám chỉ đến nó trong lời tố cáo trước Liên Hợp Quốc rằng Trung Quốc đang tìm cách can thiệp bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ tháng 11 tới. Nhưng bằng chứng “can thiệp” duy nhất mà ông Trump có thể đưa ra là việc Trung Quốc “sắp đặt các quảng cáo tuyên truyền” trên báo Mỹ, ý nói việc truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng bá về lợi ích chung của thương mại Mỹ - Trung trải rộng trên 4 trang báo Des Moines Register.
Iowa là bang đã bầu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng nông dân ở đây lại đang phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Nông dân Iowa thấy mình như tâm bão của cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc” – Dave Miller viết. “Như nhiều người nông dân, tôi vấp phải một tình huống khó xử vì chính sách thương mại”.
Theo ông Miller, Trung Quốc đã “không chơi một cách công bằng” kể cả sau khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bắc Kinh bị cho là đã những dựng hết hàng rào thuế quan đến phi thuế quan với nông sản của Mỹ, lúc cấm nhập khẩu, lúc không, mà không đưa ra lý do nào cả, và cố tình kéo dài thời gian kiểm định cấp phép gần như vô thời hạn với nhiều nông sản Mỹ.
“Lịch sử giao thương với Trung Quốc, cùng với những mâu thuẫn ngày nay đã nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của việc dựa dẫm quá nhiều vào một thị trường duy nhất, kể cả thị trường nhiều tiềm năng như Trung Quốc” – ông Dave cảnh báo.
Những người như ông Dave có lẽ vẫn đặt niềm tin vào chính sách “nước Mỹ trên hết” và chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc của ông Trump, thậm chí kể cả khi phải chấp nhận chịu tổn thất ở giai đoạn đầu như hiện nay.
Nhưng cũng sẽ có không ít người băn khoăn rằng, liệu cách làm của ông Trump có đúng hay không khi mà thâm hụt thương mại thậm chí còn tồi tệ hơn trước? Số người nghi ngờ chắc chắn tỷ lệ thuận với thâm hụt thương mại và tỷ lệ nghịch với số cử tri sẽ bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 tới.
“Cái bẫy” hiểu lầm về thâm hụt thương mại
Chính quyền của ông Trump cho rằng việc loại bỏ thâm hụt thương mại sẽ đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững và tăng trưởng nhanh hơn. Nhưng nhiều nhà kinh tế đã bác bỏ lập luận đó.
Không rõ vô tình hay cố ý mà ông Trump rơi vào “cái bẫy” hiểu lầm về thương mại như rất nhiều người không phải là chuyên gia kinh tế mắc phải.
Trước hết, đó là việc ông Trump thường nêu thâm hụt thương mại song phương như là bằng chứng rằng nước Mỹ chịu thiệt thòi trong giao thương. Nhưng thương mại toàn cầu không phải là bài toán “1+1=2”. Ở đó, một bên có thể chịu thâm hụt với bên này nhưng thặng dư với bên khác, chịu thua thiệt trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng thắng thế ở công nghiệp, chế tạo.
Thứ hai, điều đó cũng không có nghĩa rằng Mỹ thua thiệt nếu chịu thâm hụt thương mại tổng thể với tất cả các nước. Trong rất nhiều năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ lúc nào cũng thấp hơn nhập khẩu và ông Trump tin rằng thâm hụt thương mại tổng đó là dấu hiệu nước Mỹ bị lợi dụng.
“Thâm hụt thương mại có phải là một vấn đề hay không còn tùy thuộc vào việc chúng ta mua sắm một cách khôn ngoan hay phóng túng” - ông N. Gregory Mankiw, giáo sư kinh tế Đại học Harvard, tác giả cuốn “Principles of Economics” (Các nguyên tắc kinh tế) giải thích.
Ông lấy ví dụ: “Khi một gia đình vay tiền để mua xe hơi, họ chịu thâm hụt thương mại nhưng điều đó không đáng lo chừng nào họ có thể trang trải cho chiếc xe trong thời gian dài”.
“Vấn đề không đến từ các đối tác thương mại thiếu uy tín mà là do việc lập kế hoạch tài chính kém” – Mankiw nêu rõ. “Các nước chịu thâm hụt thương mại khi mức chi vào tiêu dùng và đầu tư ở cả lĩnh vực công và tư vượt quá giá trị hàng hóa và dịch vụ mà họ sản xuất ra. Nếu muốn giảm thâm hụt thương mại thì phải giảm chi tiêu so với tương quan sản xuất chứ không phải tiêu diệt các đối tác thương mại trên toàn thế giới”.
Và cuối cùng, theo ông Mankiw, rất nhiều chính sách của ông Trump sẽ làm tăng thâm hụt thương mại của Mỹ.
Giáo sư Harvard lấy ví dụ rằng, các biện pháp giảm thuế được cho là để thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình lẫn đầu tư cho doanh nghiệp nhưng chính nó đang góp phần làm thậm hụt thương mại lớn hơn.
Khi nước Mỹ chi tiêu nhiều hơn, Cục Dự trữ Liên bang cần phải tăng lãi suất để ổn định lạm phát và điều này lại khiến Mỹ trở nên hấp dẫn hơn với các dòng vốn nước ngoài, kết quả là đồng USD tăng giá, khi đó, hàng Mỹ xuất khẩu sẽ đắt đỏ hơn hàng hóa nhập khẩu và khiến thâm hụt thương mại lớn hơn.
Nhưng ông Mankiw cũng nhấn mạnh rằng, tất cả những lập luận này không có nghĩa rằng chính sách của Tổng thống Trump là sai lầm bởi ví dụ như việc giảm thuế có rất nhiều lý do khác. Có chăng, những tác động của các chính sách đó đối với thương mại chỉ là mối quan tâm thứ cấp. Theo Giáo sư kinh tế Harvard, thâm hụt thương mại của Mỹ không phải là một vấn đề và ông Trump không nên lấy đó làm thước đo thành công cho chính sách của mình.
Tuy nhiên, điều mà ông Trump khởi xướng với Trung Quốc được cho là một “cuộc chiến toàn diện” với những toan tính sâu rộng hơn lĩnh vực kinh tế và chắc chắn sẽ không dừng lại khi thâm hụt thương mại của Mỹ giảm.
Theo Diệu Hương
VOV