Pháp sốc trước 2 cái chết trong một chương trình truyền hình thực tế
(Dân trí) - Vụ tự tử của một bác sỹ trong chương trình truyền hình thực tế ăn khách ở Pháp đã khiến nước này hôm nay 2/4 bàng hoàng, bởi sự việc diễn ra chỉ ít ngày sau khi một ứng viên của cùng chương trình thiệt mạng.
Thierry Costa đã tự sát do áp lực của dư luận.
Một số đổ lỗi cho áp lực của bao chí gây ra cái chết trong khi một số kêu gọi đặt ra quy định đối với các chương trình thực tế.
Thierry Costa, bác sỹ trong “Koh Lanta”, phiên bản tiếng Pháp của “Survivor” – tức “Người sống sót”, đã tự kết liễu đời mình vào ngày thứ hai vừa qua 1/4 tại Campuchia, chỉ hơn một tuần sau khi một ứng cử viên chết trong chương trình này. Costa tự sát với lý do anh bị “cáo buộc không công bằng” trên báo chí.
“Tôi hi vọng người chứng kiến và các trang web đăng tải những cảnh hãi hùng này về bác sỹ Koh Lanta sẽ có một đêm ác mộng”, @Sarah_IC cho biết trên trang Twitter, nơi có nhiều người cáo buộc các trang web và các mạng xã hội đã lan truyền thông tin sai về cái chết của người ứng cử viên.
Người tham gia dự thi Gerald Babin, 25 tuổi, đã bị chết vì đau tim trong ngày đầu tiên quay phim chương trình thám hiểm trên đảo nhiệt đới Koh Rong vào ngày 22/3 vừa qua, khiến đài truyền hình TF1 của Pháp phải cắt mùa 2013 của chương trình, tức mùa thứ 16.
Cái chết của Babin, cái chết đầu tiên trong một chương trình truyền hình thực tế tại Pháp, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về cách điều hành chương trình.
Trang web Arret sur Images sau đó đăng tải thông tin nặc danh của nhân chứng, chất vấn cách đối phó với cái chết của ứng viên của bác sỹ Casta, cáo buộc anh và nhóm sản xuất chương trình đã ưu tiên chương trình hơn là nạn nhân.
Công ty sản xuất chương trình “Koh Lanta”, Adventure Line Productions (ALP), đã lên tiếng phản đối thông tin “phỉ báng” trên.
2 cái chết trên đã gây ra cuộc tranh luận ở khắp nước Pháp về các chương trình truyền hình thực tế. “Koh Lanta”, mỗi phần thu hút trung bình 7 triệu người theo dõi, là chương trình thám hiểm, mà ở đó các ứng viên phải tìm cách sống sót trên một hòn đảo.
Đây chỉ là một trong rất nhiều chương trình truyền hình thực tế tại Pháp, chạm đến nhiều chủ đề như tìm kiếm tài năng trong “Star Academy”, hay kỹ năng nấu ăn trong “Top Chef”…
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày hôm nay với tờ Le Parisien, luật sư của gia đình ứng viên thiệt mạng Babin, ông Jeremie Assous đã chỉ trích việc vi phạm hợp đồng lao động cũng như vi phạm quy định vệ sinh và an toàn trong các chương trình truyền hình thực tế.
Ông cũng chất vấn vì sao chỉ có một bác sỹ cho 150 ứng viên và cả các thành viên nhóm sản xuất chương trình “Koh Lanta”.
Trong khi đó, Francoise Laborde, phóng viên và là thành viên cơ quan quản lý báo chí nhà nước Conseil Superieur de l'Audiovisuel, cho rằng cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa các chương trình thực tế. “Chúng ta phải yêu cầu họ có một chuyên gia tâm lý”, giám sát sức khỏe tinh thần của những người tham gia trong và sau khi quay phim, bà cho hay trên đài phát thanh Euroe 1.
Nhiều ứng viên ở Pháp trước đây đã tự tử hoặc tìm cách tự tử sau khi chương trình truyền hình thực tế kế thúc.
Năm 2011, Francois-Xavier Leuridan, người từng tham gia chương trình “Secret Story” (Câu chuyện bí mật) đã tự sát ở tuổi 22, trong khi Loana Petrucciani, một trong những ngôi sao truyền hình thực tế, cũng định tự tử nhiều lần.
Giới chức Pháp hiện đã mở một cuộc điều tra ban đầu đối với vụ việc để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của Babin, mặc dù giới chức Campuchia cho biết anh chết vì những nguyên nhân tự nhiên.
Vũ Quý
Theo AFP