1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp sẵn sàng giương "chiếc ô hạt nhân" bảo vệ châu Âu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông phương Tây đưa tin, Pháp dường như sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân tới Đức để lấp vào vị trí trống nếu Mỹ rút khỏi khu vực.

Pháp sẵn sàng giương chiếc ô hạt nhân bảo vệ châu Âu - 1

Một vụ thử tên lửa của Pháp (Ảnh: AFP).

Telegraph dẫn nguồn thạo tin cho hay, Pháp sẵn sàng triển khai lực lượng răn đe hạt nhân để bảo vệ châu Âu. Các máy bay chiến đấu mang vũ khí hạt nhân của Paris có thể được triển khai tới Đức trong bối cảnh Mỹ đe dọa rút quân khỏi lục địa này.

Friedrich Merz, người được kỳ vọng sẽ trở thành Thủ tướng Đức sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi cuối tuần, đã kêu gọi Anh và Pháp mở rộng khả năng bảo vệ hạt nhân, khi ông tìm cách tạo ra sự "độc lập" về an ninh cho châu Âu trước nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Một quan chức Pháp nói với Telegraph rằng việc triển khai máy bay chiến đấu sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi các nhà ngoại giao ở Berlin cho rằng động thái này cũng sẽ gây áp lực buộc Thủ tướng Anh Keir Starmer phải làm điều tương tự.

"Triển khai một vài máy bay chiến đấu mang vũ khí hạt nhân của Pháp tại Đức không phải là điều khó khăn và sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ", nguồn tin cho biết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trao đổi với ông Merz vào tối 23/2 trước khi đến Nhà Trắng để thông báo kế hoạch an ninh châu Âu và bảo vệ Ukraine với ông Trump.

Từ lâu, Mỹ đã bảo đảm an ninh cho châu Âu bằng một kho vũ khí hạt nhân khoảng 100 tên lửa, nhiều trong số đó được bố trí tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Đức.

Kho vũ khí hạt nhân của Pháp hiện độc lập với NATO, trong khi kho của Anh đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của liên minh.

Ông Merz cho biết vào tuần trước rằng Paris và London nên thảo luận "liệu khả năng bảo vệ hạt nhân của họ có thể được mở rộng cho chúng tôi hay không", trước khi cảnh báo vào hôm 23/2 rằng Mỹ dưới thời ông Trump đang "thờ ơ với số phận của châu Âu".

Các nguồn tin ngoại giao Đức cho biết các cuộc đàm phán về việc răn đe hạt nhân cho châu Âu vẫn chưa bắt đầu, vì ông Merz đang tập trung vào việc thành lập chính phủ liên minh.

Tổng thống Macron đã thúc đẩy một cuộc tranh luận ở châu Âu về vai trò của vũ khí hạt nhân Pháp trong việc bảo vệ lục địa.

Một nhà ngoại giao ở Berlin cho rằng đề xuất của Pháp sẽ tạo thêm áp lực lên Anh để chứng tỏ cam kết của ông đối với an ninh châu Âu.

Thủ tướng Anh đã đứng về phía các nhà lãnh đạo châu Âu, thay vì ông Trump, trong vấn đề giải quyết cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời muốn ký kết một hiệp ước an ninh và quốc phòng với EU.

"Nếu Pháp triển khai lực lượng răn đe hạt nhân tại Đức, chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực buộc Anh phải làm điều tương tự", nhà ngoại giao nhận định.

Nhà ngoại giao trên cho biết, quan điểm của Đức là họ cần một chiếc ô hạt nhân và muốn có tiếng nói trong vấn đề này, đồng thời sẵn sàng chi trả cho nó.

Tuy nhiên, nguồn tin cảnh báo rằng yêu cầu này sẽ khó có thể thực thi trừ khi Mỹ rút lực lượng răn đe hạt nhân khỏi Đức.

Pháp được cho là sở hữu khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, có khả năng phóng từ cả trên biển và trên không.

Hệ thống răn đe hạt nhân Trident của Anh bao gồm 4 tàu ngầm lớp Vanguard, mỗi chiếc có thể mang tới 16 đầu đạn.

Theo Telegraph