1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phản ứng của Mỹ khi ICC phát lệnh bắt Thủ tướng Israel

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ phản đối quyết định của Tòa Hình sự Quốc tế về việc ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.

Phản ứng của Mỹ khi ICC phát lệnh bắt Thủ tướng Israel - 1

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters).

"Về cơ bản, Mỹ bác bỏ quyết định của Tòa án về việc ban hành lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của Israel. Chúng tôi vẫn rất quan ngại về việc công tố viên vội vàng tìm kiếm lệnh bắt giữ và những sai sót đáng lo ngại trong quy trình dẫn đến quyết định này", người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố hôm 21/11.

Người phát ngôn nói thêm rằng Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) "không có thẩm quyền đối với vấn đề này".

Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định việc ICC ban hành lệnh bắt giữ đối với các nhà lãnh đạo Israel là vô lý. 

"Bất kể ICC có ẩn ý gì, cũng không có sự tương đồng nào giữa Israel và Hamas. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng Israel chống lại các mối đe dọa đối với an ninh của họ", ông Biden nhấn mạnh.

ICC ngày 21/11 công bố lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, thủ lĩnh Hamas Mohammed Diab Ibrahim al-Masri (hay còn gọi là Mohammed Deif) "vì tội ác chiến tranh và tội chống lại loài người". Theo lệnh bắt giữ, các tội ác này được ghi nhận trong giai đoạn ít nhất từ ngày 8/10/2023 đến ngày 20/5 vừa qua.

Tất cả 124 quốc gia thành viên của Quy chế Rome hiện có nghĩa vụ bắt giữ những cá nhân bị truy nã và giao họ cho tòa án ở La Haye. Tòa án không có quyền cưỡng chế mà phải tùy thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên để bắt giữ và giao nộp nghi phạm.

Liên minh châu Âu (EU) có lập trường khác Mỹ về lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của Israel. Cao ủy chính sách đối ngoại EU Josep Borrell gọi lệnh bắt giữ của ICC là phi chính trị, đồng thời cho biết các quốc gia thành viên nên tôn trọng và thực hiện.

Hà Lan "sẽ hành động theo lệnh bắt giữ" và "tuân thủ đầy đủ" ICC, Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp phát biểu trước quốc hội. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết lệnh bắt giữ "phù hợp với luật lệ của ICC", nhưng việc bắt giữ Thủ tướng Netanyahu nếu ông đến thăm sẽ "phức tạp về mặt pháp lý".

Italy, Thụy Điển, Na Uy và Ireland cũng đã đưa ra tuyên bố ủng hộ ICC, bày tỏ niềm tin vào các tiêu chuẩn, tính độc lập và tính toàn vẹn của tòa án này.

Trong khi đó, các quan chức Israel đã lên án lệnh bắt giữ và cáo buộc ICC có hành vi bài Do Thái.

"ICC đã chọn phe khủng bố và tội ác thay vì dân chủ và tự do, và biến chính hệ thống tư pháp thành lá chắn sống cho tội ác chống lại loài người của Hamas", Tổng thống Israel Isaac Herzog viết trên mạng xã hội X.

"Israel phản đối những hành động vô lý và sai trái mà ICC đưa ra", Thủ tướng Netanyahu cho biết. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir chỉ trích ICC là "bài Do Thái từ đầu đến cuối" và thúc giục Israel đưa ra phản ứng, bao gồm các lệnh trừng phạt và sáp nhập Bờ Tây.

Văn phòng Thủ tướng Israel mô tả phán quyết này là "lời nói dối vô lý và sai trái" đồng thời cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".

Văn phòng của ông Netanyahu cũng tuyên bố, nước này sẽ "không nhượng bộ trước áp lực, sẽ không nản lòng và không rút lui" cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, đã chỉ trích quyết định của ICC, cho rằng đây là quyết định "bài Do Thái".

Ông cũng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ công dân Israel với quyết tâm và niềm tự hào, đứng vững trước bất kỳ ai cố gắng phá hoại quyền tự vệ của chúng tôi".

Xung đột Israel - Hamas nổ ra từ tháng 10 năm ngoái khi Hamas bất ngờ bắn hàng nghìn rocket về phía Israel và bắt giữ hơn 200 con tin từ Israel đưa sang Dải Gaza. Israel ngay lập tức mở chiến dịch quân sự để đáp trả. Giao tranh hơn nửa năm qua khiến hơn 40.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng.

Theo RT