1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phán quyết của Tòa Liên Hợp Quốc là cú giáng mạnh với Trung Quốc

(Dân trí) - Chỉ với việc chấp thuận thụ lý đơn kiện của Philippines và bác bỏ mọi lí lẽ của Trung Quốc, tòa Liên Hợp Quốc đã tung về phía Bắc Kinh một cú giáng mạnh. Nguy cơ các bên tuyên bố chủ quyền khác cũng có hành động pháp lý chống Trung Quốc là có thể xảy ra.


Đại diện chính phủ Philippines trong phiên điều trần trước PCA tại Hà Lan (Ảnh: Inquirer)

Đại diện chính phủ Philippines trong phiên điều trần trước PCA tại Hà Lan (Ảnh: Inquirer)

Phán quyết của PCA được đưa ra giữa lúc tư lệnh Hải quân Trung Quốc cảnh báo người đồng cấp phía Mỹ về khả năng những cuộc chạm trán giữa hai bên tại Biển Đông có thể leo thang thành xung đột, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa tin. Cảnh báo được phát đi 2 ngày sau khi một tàu khu trục tên lửa của Mỹ áp sát các đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp phi pháp, trong động thái được Washington khẳng định nhằm thực thi tự do đi lại.

Trong thông cáo ngày 29/10, PCA khẳng định có quyền tài phán với 7 trong số 15 nội dung Philippines khiếu nại chống Trung Quốc, bao gồm cả khiếu nại về tính hợp pháp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đối với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên cái gọi là đường 9 đoạn.

Thông qua những đường nét đứt mơ hồ trên bản đồ của mình, Bắc Kinh quả quyết có chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch, và khoảng 1/3 lượng dầu mỏ được giao dịch trên thế giới chuyển qua. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại đây.

Các nhà phân tích tin rằng, quyết định của PCA ngay lúc này đã đặt Trung Quốc vào thế bất lợi, bởi nó có thể khuyến khích các bên tuyên bố chủ quyền khác có hành động tương tự.

“Trong ngắn hạn, nó sẽ châm ngòi cho những phản ứng mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông”, Zhang Xinjun, một chuyên gia luật tại đại học Tsinghua, Bắc Kinh cho biết.

Nhà nghiên cứu cấp cao Ian Storey, đến từ Viện nghiên cứu Động Nam Á, khẳng định một chiến thắng cho Philippines cũng là một chiến thắng gián tiếp cho các bên tuyên bố chủ quyền khác.

Với việc bác bỏ quyền tài phán của PCA, Bắc Kinh đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ kết luận nào của cơ quan này, do họ tin rằng PCA không có quyền tài phán đối với các tranh chấp chủ quyền.

Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 30/10 khẳng định Trung Quốc năm 2006 đã đưa ra tuyên bố dựa trên những ngoại lệ được phép chọn lựa theo Điều 298 của UNCLOS, trong đó khẳng định không quốc gia nào được đơn phương khởi động tiến trình pháp lý về giải quyết tranh chấp chủ quyền khi chưa có sự đồng ý của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc từ chối xuất hiện tại tòa sẽ hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc, khiến họ trở thành người không tuân thủ luật pháp quốc tế và bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn, Zhang Mingliang, một nhà nghiên cứu tại đại học Jinan nhận định.

“Trung Quốc nên cân nhắc một số lợi ích và quan ngại của Philippines, và để cho họ thấy được hy vọng thông qua các kênh đối thoại song phương. Việc này sẽ giúp Trung Quốc tạo lập hình ảnh một quốc gia thân thiện và có trách nhiệm. Đó sẽ là một giải pháp thiết thực hơn”, ông Zhang nói.

Việc Trung Quốc không hiện diện tại các phiên điều trần cũng không ảnh hưởng tới quá trình phân xử, quy định của UNCLOS nêu rõ. Trong khi một phán quyết có tính ràng buộc pháp lý với tất cả các bên sẽ được PCA đưa ra vào khoảng giữa năm 2016.

“Lí do thực sự Trung Quốc từ chối tham gia phân xử là vì họ biết những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của họ trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS và họ sẽ thua”, chuyên gia Storey nói.

“Nếu tòa ra phán quyết có lợi cho Philippines, đó sẽ là một chiến thắng pháp lý và tâm lý cho Manila. Trái bóng sau đó sẽ ở phần sân Trung Quốc khi họ phải chứng minh các tuyên bố chủ quyền biển của mình theo luật pháp quốc tế hiện hữu”.

Dù vậy, ông Euan Graham, giám đốc Chương trình an ninh quốc tế, Viện Lowy tại Sydney, cảnh báo cần tránh miêu tả đây là “chiến thắng” cho Philippines.

“Philippines có thể, và có khả năng, nhận được phán quyết có lợi cuối cùng. Nhưng chúng ta không nên quên rằng tòa cũng sẽ cân nhắc các quyền lịch sử của Trung Quốc”, ông Graham nói.

Mặc dù phán quyết cuối cùng của PCA có lẽ không thể thực thi, “không thể đánh giá thấp mức độ mất mặt nó gây ra cho Bắc Kinh”, chuyên gia này cho biết thêm.

Lí lẽ của Trung Quốc bị PCA bác bỏ

Trong phán quyết của mình PCA khẳng định đã xem văn bản khẳng định lập trường, được Bắc Kinh công bố tháng 12/2014 như lời tự biện hộ của mình với quá trình phân xử, dù không tham gia.

Văn bản này khẳng định Philippines tìm cách giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các bãi đá tranh chấp, và vạch ra các biên giới trên biển tại Biển Đông. Tuy nhiên, PCA khẳng định những khiếu nại của Philippines “phản ánh tranh chấp giữa hai quốc gia liên quan đến việc diễn giải hoặc áp dụng” UNCLOS.

“Sau khi rà soát các khiếu nại của Philippines, tòa bác bỏ những tranh luận được nêu trong văn bản thể hiện lập trường của Trung Quốc, rằng tranh chấp của các bên là về chủ quyền đối với các đảo tại Biển Đông, và do vậy nằm ngoài quyền tài phán của tòa”, thông cáo viết.

“Tòa cũng đã bác bỏ tranh luận được nêu trong văn bản thể hiện lập trường của Trung Quốc rằng tranh chấp của các bên thực chất là về việc vạch ra một biên giới trên biển giữa họ, và do đó bị loại trừ khỏi quyền tài phán của tòa, căn cứ trên một tuyên bố Trung Quốc đưa ra năm 2006”, PCA khẳng định.

PCA cũng bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng, việc Philippines đơn phương khởi kiện đã vi phạm quy trình giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.

Lập luận của Bắc Kinh rằng Manila chưa thực hiện đối thoại song phương đầy đủ về các tranh chấp trên Biển Đông, trước khi tìm đến các biện pháp pháp lý cũng bị PCA bác bỏ.

“Tòa xác định Philippines đã tìm cách thương lượng với Trung Quốc, và lưu ý rằng luật pháp quốc tế quy định rõ rằng không yêu cầu một quốc gia phải tiếp tục đàm phán sau khi họ kết luận rằng đã vận dụng hết mọi khả năng để đạt được một giải pháp qua đối thoại”.

Và trái với khẳng định của Trung Quốc, PCA cũng bác bỏ lập luận của Bắc Kinh rằng, việc các cơ chế giải quyết tranh chấp khác, cũng như những thỏa thuận song phương Philippines đã ký kết với Trung Quốc khiến Manila không được phép tìm kiếm sự phân xử theo UNCLOS và do đó PCA không có quyền tài phán.

Trong văn bản thể hiện lập trường của Trung Quốc, những cơ chế giải quyết tranh chấp và thỏa thuận song phương này bao gồm: Tuyên bố chung của Trung Quốc - Các quốc gia Đông Nam Á về Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (DOC), một loạt tuyên bố chung giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến giải quyết tranh chấp qua đối thoại, và Hiệp ước về Hữu nghị và Hợp tác tại Đông Nam Á, cũng như Công ước về Đa dạng sinh học.

“Tòa… nhận thấy rằng nhiều cuộc bàn thảo và tham vấn của các bên đã không giải quyết được toàn bộ các vấn đề tranh chấp ở mức độ cụ thể như được thể hiện trong khiếu nại của Philippines. Điều này là có thể dự đoán và không cấu thành sự cản trở đối với các tuyên bố của Philippines”, phán quyết nêu rõ.

Và với những lí do nêu trên PCA đã chấp thuận thụ lý các khiếu nại của Philippines, bác bỏ lí lẽ của Trung Quốc. Tờ Inquirer của nước này dẫn lời ông Florin Hilbay, luật sư trưởng của Philippines, hôm 30/10 xác nhận PCA đã cho nước này thời hạn từ 24 - 30/11 tới để nêu ra các luận điểm chống lại Trung Quốc trước tòa.

Thanh Tùng

Theo SCMP, Inquirer

 

Phán quyết của Tòa Liên Hợp Quốc là cú giáng mạnh với Trung Quốc - 2