1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phái đẹp "đổ bộ" chính trường châu Mỹ Latin

(Dân trí) - Sau bà Michelle Bachelet, nữ Tổng thống đầu tiên của Chile, Argentina cũng được dự đoán là sẽ chứng kiến giây phút đắc cử của đệ nhất phu nhân Cristina Fernandez de Kirchner trong cuộc bầu cử tổng thống vào chủ nhật tuần này. Họ là 2 ví dụ điển hình cho khuynh hướng phái đẹp tham gia chính trường tại châu Mỹ Latin.

Bất chấp sự thống trị của nam giới tại một khu vực vốn được coi là “thành trì” của phái mạnh, phụ nữ châu Mỹ Latin đang ngày càng giành quyền lực chính trị và chiếm các vị trí hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục bậc cao.

Không chỉ đi đầu trong các hoạt động xã hội quan trọng, phụ nữ châu Mỹ Latin còn đang học tập, nghiên cứu, làm kinh tế và chưa bao giờ có tiếng nói như ngày hôm nay. Lần đầu tiên, phụ nữ thúc đẩy xã hội từng do nam giới thống trị phải đối mặt với những vấn đề như bạo lực gia đình và sức khoẻ sinh sản.

Elena Highton, người phụ nữ đầu tiên được bầu làm thẩm phán Toà án Tối cao của Argentina năm 2004, nói: “Tôi nghĩ đã có một sự thay đổi lớn. Đây là thời đại của phụ nữ và mọi người muốn thử một cái gì mớ mẻ”.

Bà Highton, hiện đang điều hành một uỷ ban về bạo lực gia đình của Argentina, cho biết thêm: “Phụ nữ được xem là những người đáng tin cậy, thật thà và thẳng thắn hơn. Và trong một thế giới do phái mạnh thống trị như hiện nay, chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều sự thất bại”.

Khuynh hướng phái yếu tham gia chính trường là một sự thay đổi quan trọng tại châu Mỹ Latin nơi phụ nữ vốn chỉ có nhiệm vụ ở nhà và chăm sóc con cái. Trong xã hội, vai trò của họ là trợ giúp cho chồng.

Nhiều người cho rằng những thay đổi như vậy đem lại kết quả tích cực. Năm ngoái, bà Bachelet, một phụ nữ tài giỏi, giản dị và dễ hoà đồng đã giành được sự ủng hộ của đông đảo người dân Chile để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước này trong một cuộc tuyển cử lịch sử.

Phái đẹp "đổ bộ" chính trường châu Mỹ Latin - 1

Bà Cristina Fernandez de Kirchner - được mệnh danh là "Hillary Clinton" của châu Mỹ Latin, được kỳ vọng sẽ trở thành tổng thống Argentina trong cuộc bầu cử hôm 28/10 tới. 

Các cuộc thăm dò dư luận tại quốc gia láng giềng Argentina cũng cho thấy sự ủng hộ rộng rãi dành cho bà Kirchner, một chính trị gia lâu năm, hiện là nghị sĩ quốc hội và được dự đoán sẽ là kế nhiệm chồng vào vị trí quyền lực nhất đất nước.

Phụ nữ cũng được xem là những người có khả năng cho các vị trí quyền lực Tại Nam Mỹ.

Tại Paraguay, cựu bộ trưởng giáo dục Blanca Ovelar là ứng cử viên hàng đầu đại diện cho đảng Colorado cầm quyền trong cuộc chạy đua tổng thống vào tháng 4/2008. Tại Brazil, chánh văn phòng phủ tổng thống Dilma Rousseff cũng nổi lên là ứng cử viên tiềm năng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Họ đang theo bước chân của những phụ nữ từng được bầu làm tổng thống tại Trung Mỹ vào những năm 1990 như bà Violeta Barrios de Chamorro (Nicaragua) và bà Mireya Moscoso Rodriguez (Panama).

Cùng với quyền lực, thu nhập của phụ nữ tại châu Mỹ Latin cũng tăng lên nhanh chóng. Ví dụ như, lương trung trình của phụ nữ sinh sống ở thành thị trong năm 2007 đã tăng lên mức 90% so với mức thu nhập của nam giới trong khi tỉ lệ này năm 1990 là 70%. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, thu nhập của họ sẽ ngang với phái mạnh vào năm 2015. Trong khi đó, phụ nữ Mỹ chỉ kiếm được 77% so với thu nhập của nam giới trong năm 2006.

Phụ nữ châu Mỹ Latin cũng đang có sự bứt phá vượt bậc trong khối lãnh đạo địa phương. Khoảng ¼ trong tổng số các vị trí thành viên hội đồng địa phương do phụ nữ đảm trách, tăng gấp 2 lần so với 10 năm về trước. Họ cũng chiếm số ghế cao hơn hẳn trong thượng viện và hạ viện, với các tỉ lệ lần lượt là 35% và 43%.  

Trong thế giới kinh doanh, phụ nữ giữ 35% vị trí giám đốc quản lý trong các công ty tư nhân, tăng đáng kể so với khoảng 1 thập kỷ trước mặc dù phái yếu chỉ chiếm 10% vị trí chủ tịch và phó chủ tịch các công ty.

Tuy nhiên, sự thay đổi này không chỉ là một vấn đề chính trị. Lidia Casas Becerra, một giáo sư ngành luật và nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ tại Chile, cho rằng quan niệm truyền thống về vai trò nam, nữ cũng thay đổi. Và phụ nữ, cũng như nam giới, phải đảm nhiệm những trọng trách mới.

Nhưng không phải ai cũng nhìn nhận những thay đổi này là tích cực. Lãnh đạo cộng đồng Argentina Monica Carranza cho rằng đó là sự sụp đổ về truyền thống gia đình.

Carranza nói: “Đối với tôi, người đàn ông có nhà, gia đình, con gái và anh ta là cỗ máy tráng kiện còn phụ nữ phải chăm sóc gia đình và người chồng của họ. Giờ đây mọi thứ đã đảo ngược. Tôi nghĩ những thay đổi này thật là đáng tiếc”.

VTH

Theo McClatchy Newspapers