1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phác họa bức tranh thế giới năm 2016

Năm 2015 với nhiều sự kiện và biến động lớn về địa chính trị trên toàn thế giới sắp khép lại. Có lẽ nhiều người đang tự hỏi thế giới trong năm 2016 sẽ ra sao?

Phác họa bức tranh thế giới năm 2016 - 1

2016 có thể sẽ là một năm không mấy yên bình của thế giới.

Tâm điểm Trung Đông - Bắc Phi

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), năm 2016, việc đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn là tâm điểm hàng đầu ở Trung Đông - Bắc Phi.

Với những vụ khủng bố vừa qua cũng như các hoạt động dụ dỗ tìm kiếm thành viên, IS ngày càng cho thấy tổ chức này hoàn toàn khác biệt với những tổ chức khủng bố trong lịch sử. Dự báo năm tới, IS có thể sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đến một số nước như Saudi Arabia, Ai Cập, Yemen và Libya, thậm chí vươn xa hơn sang khu vực hạ Sahara - châu Phi và Tây Nam Á. Tuy nhiên, trọng tâm của IS vẫn là bảo vệ lãnh thổ trọng yếu của mình tại Syria và Iraq.

Trong khi đó, chiến lược hiện nay của Mỹ và các nước phương Tây đối với IS tại Syria và Iraq lại chưa đủ để tiêu diệt gốc rễ căn bản của các cuộc xung đột tại Syria và Iraq. Để đối phó với mối đe dọa đang tiếp tục sinh sôi nảy nở, theo trang Geopolitical Futures (Mỹ) - "người anh cả" sẽ phải áp dụng một chiến lược mới là lôi kéo ít nhất một trong bốn quốc gia lớn trong khu vực, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia và Israel vào cuộc chiến chống IS, chỉ khi đó địa bàn hoạt động chính của tổ chức này mới bị bao vây ba bề bốn bên. Theo CSIS, nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bước chân vào cuộc chiến chống IS để có được sự ủng hộ của người Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông.

Các chuyên gia của CSIS cho rằng, vấn đề hạt nhân Iran vẫn chưa thể khiến Mỹ hoàn toàn an tâm. Thoả thuận hạt nhân Iran không đồng nghĩa với sự cải thiện lớn trong quan hệ Mỹ - Iran. Trước sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Tehran, Washington sẽ phải tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, thúc đẩy hỗ trợ quốc phòng, tập trận chung với các đồng minh. Mặt khác, Mỹ cần tìm cách giải quyết mối quan hệ căng thẳng, bất đồng trên nhiều lĩnh vực với Isarel, không để ảnh hưởng đến an ninh nước này. Thời gian tới, Mỹ sẽ ngày càng khó bảo đảm cam kết bảo vệ Israel khi quốc gia Trung Đông này đang phải đối đầu với những mối đe doạ phi đối xứng đến từ Hezbollah và Hamas, hay các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ Iran. Thêm vào đó, Israel cũng không còn phù hợp với chiến lược Trung Đông của Mỹ như trước kia nữa.

Châu Âu và hai cuộc khủng hoảng

Theo CSIS, tiếp nối dư âm của năm 2015, giới lãnh đạo lục địa già sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trong năm mới với hai cuộc khủng hoảng chồng chéo.

Thứ nhất, khủng hoảng kinh tế sẽ chuyển từ Hy Lạp sang Italy buộc nước này đối phó với tỷ lệ thất nghiệp cao và huy động các khoản vay.

Thứ hai, khủng hoảng tị nạn sẽ càng phức tạp bởi các cuộc tấn công khủng bố. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia dự đoán Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ đưa ra một chính sách tị nạn chung cho toàn châu lục và tăng cường lực lượng tuần tra biên giới. Tuy nhiên, cam kết này sẽ gây bất đồng trong các nước thành viên, đặc biệt là những nước không muốn gánh trách nhiệm tuần tra biên giới yếu kém của một số nước khác như Hy Lạp và Hungary.

Trong vấn đề Ukraine, Mỹ và châu Âu đã huy động sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế nhằm chống lại Nga kể từ tháng 2/2014 nhưng sự chia rẽ trong NATO vẫn còn tồn tại. Trong khi các đồng minh Đông Âu muốn tập trung vào Nga thì các quốc gia phía Nam lại muốn tập trung vào sự bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi. Do đó, trong năm tới, Mỹ có thể sẽ dẫn đầu NATO đóng vai trò trung gian giúp đàm phán một thỏa thuận giải quyết xung đột tại khu vực, đồng thời lôi kéo thêm những đồng minh là "hàng xóm" của Nga.

Moscow có thể sẽ đồng ý một cách chính thức hay không chính thức với thỏa thuận đó mặc dù cấu trúc của văn bản này có thể không rõ ràng và cuộc xung đột không vì thế mà sẽ hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của Nga vẫn là đảm bảo các nước láng giềng châu Âu, bao gồm cả Ukraine, ở thế trung lập. Vì vậy, Moscow sẽ tiếp tục củng cố tiềm lực quân sự của mình còn Mỹ ắt phải tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn.

Châu Á - điểm nóng cạnh tranh chiến lược

Ở châu Á, những vấn đề kinh tế cơ bản sẽ nổi lên, kể cả với nước lớn như Trung Quốc. Nếu đa số các nước gắn liền sức mạnh quốc gia với nhiều yếu tố như quân sự, kinh tế, xã hội thì sức mạnh của Trung Quốc hoàn toàn dựa vào kinh tế. Bởi vậy, nếu nền kinh tế trì trệ, vị thế của Bắc Kinh trong khu vực theo đó cũng giảm sút. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới buộc sẽ phải đưa ra các biện pháp để kiểm soát sự mất cân bằng kinh tế.

Trong bối cảnh Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017 đã gần kề, sức ép đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ nhiều phía ngày một lớn hơn. Trước thực tế đó, công cuộc cải cách của ông Tập sẽ có những thay đổi theo một cách tiếp cận chậm rãi hơn để đảm bảo quyền lực của mình và việc ưu tiên phát triển kinh tế, ưu tiên ổn định tình hình chính trị nội bộ.

Liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, các chuyên gia dự đoán rằng sẽ không có xung đột nghiêm trọng nào xảy ra trong năm 2016. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngừng các hoạt động tranh chấp trên biển như một cách thức để khẳng định vị thế hàng đầu khu vực của mình.

Theo ông Danny Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, thì có tới ba điểm lấn đất của Trung Quốc ở Trường Sa thậm chí còn lớn hơn cả hòn đảo tự nhiên lớn nhất ở đây. Tổng diện tích Trung Quốc lấn đất tương đương khoảng hơn 800 ha (bằng 1.500 sân bóng).

Trong khi đó, Mỹ cũng có cơ hội để củng cố vị trí của mình tại châu Á - Thái Bình Dương và có thể sẽ tiếp tục dẫn dắt cấu trúc an ninh khu vực trong nhiều năm tới. Mặt khác, bằng con đường Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Washington sẽ có nhiều cơ hội để củng cố sự hiện diện và vai trò địa chính trị của mình ở đây.

Tại bán đảo Triều Tiên, theo các chuyên gia, năm 2016, để thể hiện uy quyền tuyệt đối của mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ thực hiện hàng loạt hành động khiêu khích quy mô nhỏ nhằm thể hiện sức mạnh quân sự nhưng không dẫn tới chiến tranh thực sự. Tuy vậy, cũng không thể xem thường điểm nóng này vì chỉ một tính toán sai lầm cũng có thể dẫn đến khủng hoảng ở đây trong năm tới.

Mỹ Latinh vượt qua trắc trở kinh tế

Trên Geopolitical Futures, các nhà nghiên cứu cho rằng Mỹ Latinh tuy đứng bên lề sân khấu chính nhưng cũng không kém phần quan trọng.

Trong năm tới, khu vực này sẽ tiếp tục phải đương đầu và đối mặt với những tác động tiêu cực. Trong đó có thách thức về tài chính do ảnh hưởng của sự sụt giảm của đồng Nhân dân tệ (NDT) và sự tăng mạnh của đồng USD trong khi các nước này hầu như bị phụ thuộc kinh tế vào xuất khẩu nguyên liệu thô và giá hàng hóa thấp.

Tình hình trên buộc hai nền kinh tế lớn của khu vực là Argentina và Brazil sẽ phải bắt đầu thực hiện cải cách chính trị và kinh tế hướng dần tới các chính sách trung hữu hơn, chẳng hạn như việc mở cửa thương mại. Những cải cách này sẽ biến các nước Mỹ Latinh trở nên hấp dẫn hơn đối với các nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp.

Với những dự đoán trên, có thể thấy năm 2016 có lẽ sẽ là một năm không mấy yên bình của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng rằng, sự bắt tay của Mỹ, Nga và các nước phương Tây vừa qua trong cuộc chiến chống khủng bố sẽ là một tín hiệu tốt đầu tiên cho nền hòa bình, thịnh vượng chung của thế giới trong tương lai.

Theo chuyên gia Bonnie Glaser của CSIS, ngoài việc tăng cường hiện diện trên biển, Trung Quốc có thể sẽ tiến hành nhiều hành động áp đặt hơn như bắt tàu cá ở các vùng biển mà họ cho là của mình.

Theo Thu Trang (tổng hợp)

Thế giới và Việt Nam