Phá tan nghi ngờ Nga "xoay trục sang châu Á"
Hành động tăng cường hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa ở vùng biển Baltic, bán đảo Crimea và vùng Viễn Đông cho thấy Nga vẫn mong muốn duy trì vị thế của mình ở châu Âu.
Hành động này khiến Mỹ và các quốc gia trong khối NATO lo ngại, nhưng lại làm rõ những nghi ngờ cho rằng Nga đang “xoay trục sang châu Á”.
Hướng về châu Âu
Tạp chí The National Interest nhận định, việc triển khai hàng loạt tên lửa tới vùng Baltic, bán đảo Crimea, vùng Viễn Đông và cả khu vực Tây Á, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Cực còn thể hiện tham vọng giành lại vị thế quân sự trên toàn cầu của Nga.
Về mặt quân sự, sự hiện diện của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương diễn ra sau sự kiện nội chiến bùng nổ ở Ukraine vào năm 2014, nhưng cho tới nay Moscow vẫn chưa có bất cứ căn cứ quân sự nào ở trong khu vực. Ở vùng Đông Á, các căn cứ của Nga ở Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan chưa thể chứng minh cho nhận định Nga theo đuổi chính sách “xoay trục sang châu Á”.
Trong khi đó, những căn cứ quân sự ở Belarus, Moldova và bán đảo Crimea phản ánh chính sách hướng về châu Âu của Nga. Ngay cả các căn cứ ở Trung Đông như ở Syria cũng cho thấy bước dịch chuyển của Moscow về châu Âu.
Trên mặt trận kinh tế, ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 2000, sự sắc bén của Tổng thống Vladimir Putin đã thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài “rót” tiền vào vùng Viễn Đông của Nga. Nga đã hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc tới đầu tư vào vùng Viễn Đông.
Đơn cử, vào năm 2014, sau hơn 10 năm đàm phán, Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận mua bán khí đốt lịch sử trị giá 400 tỷ USD. Thương vụ đình đám này đã gây ra mối nghi ngờ rằng Nga đang xoay trục sang châu Á.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế Nga - Trung không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Thương mại song phương Nga - Trung sụt giảm từ mức 88,8 tỷ USD vào năm 2013 (trước thời điểm bùng nổ nội chiến ở Ukraine) xuống còn 61,4 tỷ USD vào năm 2015.
Mới đây, Ả Rập Xê-út được cho đã thay thế Nga trở thành nước cung cấp khí đốt lớn nhất cho Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty liên doanh Nga - Trung hoạt động ở vùng Viễn Đông cũng đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản do bộ máy quan liêu và thủ tục hành chính đã lỗi thời, chưa đáp ứng kịp trong điều kiện kinh tế thị trường.
“Hời hợt” ở châu Á - Thái Bình Dương
Trong khi đó, trên thực tế Nga cũng không hề “xa lánh” ASEAN, mà vẫn đang mở rộng quan hệ với các nước ASEAN như: buôn bán vũ khí, năng lượng và cùng tham gia chiến dịch chống khủng bố. Song so với châu Âu, hoạt động dịch chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với Nga chỉ mang tính chính trị tạm thời. Năm 2015, quan hệ thương mại Nga - ASEAN chỉ chiếm chưa tới 1% so với tổng giá trị thương mại toàn khối.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN ở thành phố Sochi hồi tháng 5 vừa qua, các quốc gia ASEAN cho biết họ đang cân nhắc đề xuất của Nga về một thỏa thuận tự do thương mại “toàn diện” giữa ASEAN và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU). Tuy nhiên cho tới nay, Nga vẫn là một đối tác kinh tế “hời hợt” ở châu Á - Thái Bình Dương do không thể cạnh tranh sức ảnh hưởng với Mỹ và Trung Quốc trong khu vực ASEAN.
Đối với khu vực Trung Á, hồi tháng 5-2015, Trung Quốc và Nga cam kết gắn kết 2 sáng kiến kinh tế là EEU do Moscow khởi xướng và Con đường tơ lụa của Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Nga và Trung Quốc lại không thống nhất trên nhiều quan điểm. Với ưu thế xuất khẩu chỉ là vũ khí và năng lượng, Nga sẽ không thể đầu tư vào các nước Trung Á nhiều như Trung Quốc. Còn Trung Quốc không mấy mặn mà với mong muốn của Nga đưa Ấn Độ, Pakistan và Iran gia nhập EEU.
Trước việc NATO và Nga coi nhau là những mối đe dọa nguy hiểm nhất, các lực lượng an ninh Nga hiện vẫn đang dồn sự tập trung vào châu Âu cũng như tăng cường sức mạnh chống lại NATO. Điều đó cho thấy các mối quan hệ kinh tế và quân sự của Nga ở châu Á hiện vẫn còn rất lỏng lẻo. Ngay cả mối quan hệ kinh tế - quân sự lâu đời giữa Nga và Ấn Độ nay cũng bị thay thế bằng quan hệ New Delhi - Washington.
Theo National Interest, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ là ưu tiên số 2 đối với Nga trong tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Bởi lẽ những lợi ích kinh tế và chiến lược vẫn đang kéo Nga tập trung vào châu Âu, dù rằng Moscow tận dụng mọi cơ hội thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Thúy Hằng/National Interest
An ninh thủ đô