1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Putin phá vây: Dọc ngang châu Âu, sòng phẳng với Mỹ

Sau cú sốc dầu khí, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục khuấy đảo thế giới, dọc ngang EU, đấu ngang cơ với Mỹ trong các cuộc chơi. Câu chuyện của Nga giờ đây không còn chỉ xoay quanh vấn đề dầu khí.

Thêm quân bài chiến lược

Tại Hội nghị G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vừa qua, Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin khẳng định, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) mà dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga sẽ sớm đạt được một thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu mỏ.

Đây có lẽ sẽ là một cú bắt tay đầu tiên giữa các tay chơi lớn trên thị trường dầu mỏ kể từ khi cuộc chiến dầu khí xảy ra hơn 2 năm qua. Điều đáng chú ý là, trong "ván cờ" lần này, Nga dường như đã trở thành tay chơi chính mà không có sự có mặt của Mỹ.

TT Putin đã có lợi thế rất lớn trong ván cờ nhờ phối hợp được các lực lượng xung đột trong khu vực Trung Đông như Iran, Saudi Arabia, Iraq, Syria…

Không ai khác, chính Nga cùng với Saudi Arabia đã khiến giá dầu tăng vọt trong thời gian gần đây. Chốt tháng 8, giá dầu WTI tăng 8% và hiện đã lên trên ngưỡng 45 USD/thùng. Đây rõ ràng là một thông tin tốt với nhiều nước xuất khẩu dầu đang chết chìm, trong đó có Nga.

Putin hâm ấm lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ để triển khai dự án ống dẫn khí tới châu Âu.
Putin hâm ấm lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ để triển khai dự án ống dẫn khí tới châu Âu.

Tuy nhiên, với TT Putin, điều này giờ đây dường như không còn quá quan trọng như 2 năm trước khi mà nước Nga bị rơi vào vòng xoáy cuộc chiến dầu khí . Khi đó, giá dầu tụt giảm bất ngờ mất tới 45% trong vòng vài tháng khiến quân bài chiến lược dầu lửa của Putin bị vô hiệu hóa. Đồng rúp chao đảo, dự trữ ngoại tệ sụt giảm cùng với 1 loạt các lệnh cấm vận trời giáng do liên quan tới vấn đề Ukraine khiến Putin lao đao.

Điểm yếu chết người của Nga dường như đang được TT Putin giải quyết trong một kế hoạch dài hạn. Nga không còn tung tiền ra để cứu đồng rúp, mà thả cho thị trường quyết định. Người ta cũng không thấy bộ trưởng năng lượng Nga kêu gào về giá dầu thấp. Thay vào đó, TT Putin đang cùng lúc triển khai rất nhiều các nước đi khá bất ngờ.

Trong thời gian gần đây, trong khi nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) các nước không thực sự mặn mà với vàng như vài năm trước thì Nga và Trung Quốc lại đang ầm thầm đẩy mạnh gom vàng, nâng dự trữ lên gần 1,5 ngàn tấn, cao nhất trong hơn 2 thập kỷ qua.

Tờ Pravda của Nga thậm chí lý giải thẳng luôn mục đích mua vàng của Nga để bảo vệ Nga khỏi sự chi phối của đồng USD Mỹ. Tăng dự trữ vàng sẽ giúp kinh tế của Nga và Trung Quốc mạnh hơn. Nỗ lực mua vàng của 2 quốc gia này cũng góp phần làm suy yếu thêm đồng USD. Putin cũng ủng hộ sự mạnh lên của đồng NDT của Trung Quốc, đẩy mạnh thanh toán song phương với Trung Quốc bằng đồng tiền của Bắc Kinh.

Không chỉ tăng cường mua vàng, hài hòa các mâu thuẫn ở Trung Đông để đẩy giá dầu, Putin còn đang xoáy sâu vào bất đồng tại Liên minh châu Âu (EU). Ngay sau quyết định lựa chọn rời EU (Brexit) của Anh, Putin đã xích lại gần hơn với quốc gia này. Một trong những cuộc gặp mặt bên lề G20 lần này của Putin là với Thủ tướng mới của Anh Theresa May.

Tư thế cho cuộc chơi mới

Cú chìa tay ra của Putin với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 8 vừa qua (sau cuộc đảo chính hồi giữa tháng 7) khiến thế giới giật mình. Sự đổ vỡ trong quan hệ sau vụ Ankara bắn rơi máy bay Su-24 và những xung khắc nhiều thế kỷ giữa 2 dân tộc đã được gạt bỏ vì những lợi ích kinh tế và tính toán chính trị.

Sự căng thẳng quan hệ Mỹ-Nga được thể hiện trong cú nhìn chằm chăm của Putin và Obama tại hội nghị G20 vừa qua.
Sự căng thẳng quan hệ Mỹ-Nga được thể hiện trong cú nhìn chằm chăm của Putin và Obama tại hội nghị G20 vừa qua.

Putin và Erdogan đã nhanh chóng có những lời khen ngợi nhau trong cuộc làm hòa, cam kết gỡ bỏ trừng phạt và nối lại các dự án kinh tế - xây dựng song phương nhằm “cải thiện nó vì lợi ích quốc gia cũng như người dân”.

Tuyên bố cứng rắn của EU về điều kiện xem xét kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải là Erdogan chấp nhận từ chức có lẽ là cơ hội hiếm có để Putin xen vào quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, NATO và EU.

Trước đó, hồi giữa 2015, dự án Dòng chảy Phương Nam dẫn khí tới châu Âu đã bị phá hỏng do một số nước EU phản đối. Phương án chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ trước đó tưởng đã tan thành mây khói khi quan hệ 2 bên xấu đi vì sự cứng rắn của Erdogan.

Việc hâm ấm lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem là cách mà Putin tiếp tục chiến lược nâng sức mạnh năng lượng của Nga. Nếu dự án thành công, giá khí đốt của Nga sẽ đủ sức cạnh tranh với các đối thủ tại Trung Đông đáp ứng nhu cầu của châu Âu, và nâng phụ thuộc của EU vào Nga.

Có thể thấy, trong vài năm trước, Putin đã chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến khí đốt với EU. Tuy nhiên, dường như Putin đã quá lạm dụng vũ khí này và đã nếm đòn thất bại ở một số phương diện.

Những động thái gần đây cho thấy, dường như Putin đã rút kinh nghiệm và “tấn công” phương Tây theo một cách thức đa dạng hơn. Putin đang âm thầm tìm cách giảm vị thế của Mỹ, từ đồng USD cho tới các quan hệ với Trung Quốc và khu vực Trung Đông.

Những nỗ lực phá băng ngoại giao gần đây, rồi nỗ lực hợp tác với một số nước EU cùng với việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ cũng là tín hiệu cho thấy ông Putin đang tìm cách xé lẻ EU và không để bị EU-Mỹ cô lập.

Hàng loạt các chiêu bài đã được tung ra. Câu chuyện của Nga giờ đây không còn chỉ xoay quanh vấn đề dầu khí. Đó là chưa kể tới việc Putin đang chơi nước bài bắt tay với một "Trung Quốc đang tức giận với hầu hết mọi quốc gia” và dự phòng cả một cuộc chơi với sức mạnh quân sự.

Theo Mạnh Hà

Vietnamnet