Chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga thất bại vì Trung Quốc?
(Dân trí) - Những năm gần đây, Nga được cho là đang nỗ lực xoay trục sang châu Á với chính sách tăng cường hợp tác mọi mặt với Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, chính sách này dường như chưa mang lại lợi ích cho Nga.
Ở bề nổi, chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Moscow và Bắc Kinh ngày càng khăng khít hơn. Tuy nhiên, trong các bài bình luận đăng tải trong tháng này, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách xoay trục này đến nay vẫn chưa mang lại lợi ích cho Nga.
Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Carnegie Moscow (Nga), nhận định: “Hai năm sau khi quan hệ Nga và phương Tây rạn nứt, kỳ vọng xây dựng các quan hệ làm ăn mới với châu Á để bù đắp lại những tổn thất của Nga vẫn chưa được hiện thực hóa”. Ông cho rằng, chiến lược này “chẳng đưa Nga tới đâu”.
Tác giả Thomas S. Eder và Mikko Huotari trong một bài bình luận đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs cũng cho rằng: “Kể từ khi châu Âu áp lệnh trừng phạt với Nga, Nga đã rất hy vọng rằng có thể đối phó với họ bằng cách tăng cường liên minh với Trung Quốc trong đầu tư năng lượng, quốc phòng, nông nghiệp và thương mại”.
Yếu tố cốt lõi nào khiến chính sách hướng Đông của Nga thất bại?
Tác giả Catherine Putz của tạp chí Diplomat đã chỉ ra một trong những nguyên nhân cơ bản đó là động cơ tăng cường hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Thực tế, quan hệ rạn nứt với châu Âu buộc Nga phải tìm kiếm các đối tác khác. Hồi tháng 5/2014, Nga đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề là Nga sẽ phải chấp nhận thu lời từ Trung Quốc ít hơn so với từ các đối tác Tây Âu. Hơn nữa, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thực hiện thỏa thuận này đã bị trì hoãn suốt 2 năm qua.
Nga cần Trung Quốc, trong khi Trung Quốc vẫn còn những lựa chọn khác. Chuyên gia Gabuev chỉ ra rằng, Nga dường như không thể phối hợp với các định chế tài chính châu Á, có thể thấy rõ là thành công lớn duy nhất của Nga là làm ăn với các ngân hàng Trung Quốc để cấp khoản vay 2 tỷ USD cho tập đoàn năng lượng Gazprom. Ngoài “thành quả” đó ra, những thành quả trong tương lai nếu có thì được cho là cũng rất ít.
“Các nguyên nhân rất rõ ràng. Bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây (nhằm vào Nga) mặc dù Bắc Kinh vẫn công khai chỉ trích các lệnh trừng phạt đó. Khi phải lựa chọn giữa cơ hội tăng thị phần tạo thị trường Nga rủi ro cao với cơ hội củng cố vị thế ở thị trường lớn và ổn định của Mỹ và EU, tất nhiên các ngân hàng Trung Quốc sẽ chọn cái thứ 2”, ông Gabuev nhận định. Hay nói cách khác, quan hệ "đối tác chiến lược" được củng cố giữa Nga-Trung đã không thể loại bỏ được sự dè chừng về tài chính.
Về lĩnh vực năng lượng, nhà bình luận Eder và Huotari cho rằng, Nga chỉ là một trong rất nhiều nhà cung cấp của Trung Quốc, cùng với Angola, Guinea Xích đạo, Iraq, Turkmenistan và sắp tới có thể là Iran. Trong một số trường hợp, sự tổn thất của Nga lại là lợi ích của Trung Quốc. Tháng 1 năm nay, sau khi Gazprom của Nga tuyên bố ngừng mua khí đốt từ Turkmenistan, thì Turkmenistan đã chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, Turkmenistan đã cung cấp 10,6 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tác giả bình luận Shannon Tiezzi trên tạp chí FiveThirtyEight trong bài viết mới đây cũng chỉ ra sự khác nhau trong chiến lược xoay trục sang châu Á giữa Nga và Mỹ. Theo đó, nếu chính sách của Mỹ hướng tới nhiều quốc gia trong khu vực để tạo lập sự đồng thuận, củng cố quan hệ ngoại giao, thì chính sách của Nga tập trung chủ yếu vào Trung Quốc. Chuyên gia Gabuev cho rằng, chính sách xoay trục của Nga sẽ tiếp tục không phát huy được hiệu quả khi kinh tế Nga còn khó khăn và quan hệ với châu Âu còn căng thẳng.
Minh Phương
Tổng hợp