Phát hiện hóa thạch cá sấu khổng lồ ở sa mạc Sahara
(Dân trí) - Các nhà khảo cổ và sinh vật học mới đây đã phát hiện các mảnh hóa thạch của loài cá sấu sống dưới biển lớn nhất từ trước đến nay tại sa mạc Sahara ở Tunisia.
Một nhóm chuyên gia khảo cổ và sinh vật học với sự hỗ trợ của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ mới đây đã phát hiện ra các hóa thạch được cho là liên quan đến một loài cá sấu sống ở biển cổ đại tại sa mạc Sahara ở Tunisia.
Mặc dù chỉ còn lại hóa thạch của phần đầu và một vài mảnh xương, và phần lớn chỉ còn là các mảnh vụn nhưng các nhà sinh vật học có thể xác định đây là loài bò sát lớn nhất trong họ cá sấu sống ở biển.
Ước tính loài cá sấu cổ đại này có kích thước dài khoảng 9m (tương đương kích thước của một chiếc xe buýt) và nặng 3 tấn. Riêng sọ của loài cá sấu này dài hơn 1,5m. Các nhà khoa học đã đặt tên cho loài cá sấu mới được phát hiện này là Machimosaurus rex.
Đầu của loài cá sấu cổ đại (Ảnh: Washington Post)
Miêu tả về loài cá sấu cổ đại này, ông Federico Fanti thuộc Đại học Bologna nói: “Nó khá to. Kích thước tương đương một chiếc xe buýt”. Ông này cũng cho biết thêm rằng, các nhà khoa học phải mất 2 ngày để lấy hóa thạch đầu cá sấu cùng với các hóa thạch khác ở đó. Tại đây, họ cũng tìm thấy hóa thạch của các loài khác như cá, rùa.
Theo các chuyên gia, loài cá sấu Machimosaurus rex này có khả năng săn mồi ở môi trường nước. Machimosaurus rex có kích thước đầu lớn và những chiếc răng ngắn, chắc, tròn, chứng tỏ chúng có lực cắn rất mạnh. Do đó, thức ăn của chúng có thể là cả những động vật như rùa biển.
Phát hiện mới này có thể là nền tảng để làm sáng tỏ giả thuyết mà giới khoa học đưa ra trước đó về việc liệu có hay không một đợt tuyệt chủng của loài cá sấu cách đây khoảng 150 triệu năm vào cuối kỷ Jura. Loài Machimosaurus được cho là vẫn tồn tại cách đây 130 triệu năm, nghĩa là sau kỷ Jura, và bắt đầu kỷ Creta.
“Điều này khiến chúng tôi cho rằng giả thuyết tuyệt chủng loài cá sấu (vào cuối kỷ Jura) là sai và nó sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra vào cuối kỷ Jura”, ông Fanti nói.
Minh Phương
Theo Washington Post