1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Palestine muốn thành lập nhà nước - phản ứng và những nguy cơ

(Dân trí) - Tổng thống Palestine vừa chính thức đưa ra đề xuất lịch sử, yêu cầu LHQ công nhận một nhà nước cho người Palestine. Đa số dư luận ủng hộ, Israel và Mỹ phản đối, trong khi có cảnh báo tình hình sẽ “rất khó khăn” nếu yêu cầu của Palestine không được chấp nhận.

 
Palestine muốn thành lập nhà nước - phản ứng và những nguy cơ - 1
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (trái) chính thức đưa đề nghị cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Lên tiếng trước Đại hội đồng LHQ sau khi được cử tọa đứng dậy vỗ tay chào mừng, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi Israel là “thế lực chiếm đóng” và chính sách của Israel tại các vùng chiếm đóng là muốn biến những nơi này thành thuộc địa.

“Những ai có chút lương tri đều đồng ý với một nhà nước Palestine”, Tổng thống Palestin nói trong tiếng vỗ tay của cử toạ và giơ cao bản đề xuất mà ông đã nộp cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

“Đã đến lúc những người dân can trường và đầy tự hào của chúng tôi, sau hàng thập niên phải ly tán, phải chịu ách chiếm đóng thực dân và những nỗi đau thương bất tận, phải được sống như những người dân khác trên trái đất này, được tự do trên mảnh đất quê hương có chủ quyền và độc lập”.

“Hội đồng Bảo an hãy ủng hộ một nhà nước với đường biên giới có từ trước năm 1967. Người Palestine đã tiến hành đàm phán với Israel một cách chân thành, nhưng việc xây dựng các khu định cư Do Thái khiến các nỗ lực đàm phán bị thất bại”.

Phát biểu ngay sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng hy vọng hòa bình của Israel với Palestine không bao giờ phai nhạt, “nhưng hòa bình không thể đến bằng các nghị quyết của LHQ mà bằng đàm phán trực tiếp”. Ông đổ lỗi cho Palestine không chịu điều định trực tiếp.

"Tôi vẫn hy vọng rằng Tổng thống Abbas sẽ là một đối tác hòa bình của tôi," ông nói trong bài phát biểu tại New York.

Ông Netanyahu nói thêm rằng cốt lõi của cuộc xung đột không phải là các khu định cư “mà chính là việc người Palestine không chịu thừa nhận Israel là một nhà nước Do Thái”.

Trong khi đó, bộ tứ trung gian hòa giải Trung Đông (gồm LHQ, EU, Mỹ và Nga) tuyên bố rằng họ muốn Israel và Palestine gặp nhau trong vòng một tháng để đồng ý về chương trình nghị sự nhằm tiến hành đàm phán, với mục tiêu đạt thỏa thuận hòa bình vào cuối năm 2012.

Nhiều phản ứng

Một phát ngôn viên của phong trào Hồi giáo Hamas hiện đang nắm quyền kiểm soát tại Dải Gaza, đã chỉ trích bài phát biểu, cho rằng ông Abbas đã đi chệch nguyện vọng của nhân dân Palestine khi chấp nhận đường biên giới 1967, mà theo ông này là khiến 80% đất của người Palestine nằm bên trong Israel.

Trong khi đó, ở khu Bờ Tây, từng đám đông reo hò cuồng nhiệt tỏ ý tán thành với việc ông Abbas đề nghị LHQ chấp nhận một nhà nước Palestine với đường biên có từ trước năm 1967.

Hiện giờ trong LHQ, Palestine chỉ được xem là “thực thể có quy chế quan sát viên”, chứ chưa phải là một quốc gia.

Hai cơ quan LHQ có quyền quyết định về đơn xin công nhận Palestine là Đại hội đồng, bao gồm các quốc gia thành viên LHQ và Hội đồng Bảo an, bao gồm năm thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc ) và 10 thành viên không thường trực được bầu luân phiên nhiệm kỳ 2 năm.

Khi nhận được đơn xin gia nhập của Palestine, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon sẽ chuyển đơn này cho Hội đồng Bảo an. Nếu đa số các thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận và không có phủ quyết nào, thì Đại hội đồng sẽ phê chuẩn quyết định thâu nhận Palestine làm thành viên LHQ.

Trong trường hợp bị Hội đồng Bảo an bác yêu cầu, tổng thống Abbas có thể quay sang Đại hội đồng. Cơ chế này có quyền công nhận một quốc gia quan sát viên không thành viên chỉ cần với đa số phiếu. Khả năng này hoàn toàn có thể đạt được vì Palestine được sự ủng hộ của từ 130 đến 150 quốc gia, trên tổng số 193 thành viên LHQ.

Tuy nhiên, phải mất nhiều tuần nữa Hội đồng Bảo an mới xét đến chuyện nhà nước Palestine, vừa đủ thời gian để Palestine chuẩn bị đưa ra một động thái ngoại giao mới, yêu cầu Đại hội đồng nâng cấp để Palestine làm thành viên không có quyền biểu quyết.

Để được thông qua, đơn cần nhận được sự ủng hộ của 9 trong số 15 thành viên Hội đồng và không bị bất kỳ một phiếu phủ quyết nào từ các thành viên thường trực. Có thể mất tới vài tuần trước khi việc biểu quyết diễn ra.

Nhưng trong khi nhiều đại biểu đã hoan nghênh nhiệt liệt đề nghị của Palestine, Israel và Mỹ nói rằng một nhà nước Palestine chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán với Israel chứ không phải thông qua các nghị quyết của LHQ.

Hôm 22/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với ông Abbas rằng Mỹ sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an để ngăn cản đơn của Palestine. Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi người Palestine vẫn có thể đệ đơn ra Đại hội đồng LHQ nếu đơn xin tại Hội đồng Bảo an không thành công.

Riêng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong bài diễn văn đọc ngày 21/9 trước Đại hội đồng LHQ đã đề nghị một giải pháp thỏa hiệp. Đó là Đại hội đồng LHQ cho Palestine hưởng một quy chế mới - “quy chế chuyển tiếp quốc gia quan sát viên”, song song với các cuộc thương lượng Israel-Palestine nhằm đạt đến một hòa ước vĩnh viễn trong vòng một năm.

Tuy nhiên đề nghị của Tổng thống Sarkozy đã bị Israel bác bỏ, còn phía Palestine thì cho biết đã nghiên cứu kỹ lưỡng để nghị lãnh đạo Pháp. Về phần tổng thống Mỹ Obama thì từ chối bình luận về sáng kiến của Tổng thống Sarkozy.

Nguy cơ bạo động

Trong khi tại LHQ, cộng đồng quốc tế đang dồn nỗ lực để tránh bế tắc trong vấn đề công nhận Palestine, thì tại chỗ tình hình đang rất sôi động, với nguy cơ bạo lực bùng nổ và lan rộng ở Trung Đông.

Lo sợ nhất bây giờ là Israel, trước nguy cơ nổ ra cuộc chiến intifada lần thứ ba, sau hai cuộc intifada vào những năm 1987 và 2000. Dự trù khả năng mà gần như chắc chắn sẽ xảy ra, tức là yêu cầu của Palestine bị phủ quyết, Israel đã triển khai quân đội ở gần biên giới.

Theo báo chí Israel, binh lính dường như được phép bắn vào chân những người biểu tình nào vượt qua “lằn đỏ” bao quanh các khu định cư Do Thái ở Cisjordanie. Chính phủ Tel Aviv sợ rằng các khu định cư này, nơi sinh sống của hơn 300 người Israel, sẽ là mục tiêu tấn công của những người biểu tình Palestine.

Phát ngôn viên cảnh sát Israel cho biết họ nâng tình trạng báo động lên mức độ chỉ dưới một nấc so với tình trạng báo động tối đa.
 
Khoảng 22.000 cảnh sát cũng đã được dàn ra trên khắp lãnh thổ Palestine hôm qua để duy trì trật tự.

Về phía Palestine, nguy cơ bạo động cũng lớn không kém. Lý do là vì phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas, hiện nắm quyền ở giải Gaza, vẫn chống lại ý định của ông Abbas đòi LHQ công nhận Palestine, cho rằng việc này chứa đựng nhiều nguy cơ nghiêm trọng và chưa có sự đồng thuận giữa các phe Palestine.

Bản thân tổng thống Palestine Mamoud Abbas cách đây vài ngày cũng đã dự đoán là sau khi yêu cầu LHQ công nhận được đệ trình, tình hình sẽ “rất khó khăn”. Giới phân tích dự báo cho dù sau đó các lãnh đạo Palestine quyết định như thế nào đi nữa thì thất bại trong việc xin công nhận là thành viên LHQ sẽ để lại những hậu quả khó lường, không chỉ trong nội bộ Palestine, mà còn trong việc giải quyết xung đột Palestine-Israel.
 
Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm