1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

PAK-FA - đối thủ của siêu tiêm kích F-22 Raptor

Vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga có nhu cầu rõ ràng về một loại máy bay chiến đấu có khả năng thực hiện tất cả các nhiệm vụ - một sự kết hợp giữa cường kích và tiêm kích.

Trong “câu lạc bộ” máy bay chiến đấu thế hệ 5 hiện nay, chỉ có duy nhất F-22 Raptor của Mỹ đang ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu sau khi được đưa vào biên chế từ năm 2005. Tuy nhiên, vị trí “độc tôn” của Mỹ có thể sớm bị phá vỡ khi Nga có kế hoạch đưa dòng máy bay thế hệ 5 Sukhoi PAK-FA vào biên chế trong 1-2 năm tới. Sukhoi PAK-FA được nhận định là có đủ uy lực để cạnh tranh trực tiếp với F-22 của Mỹ.

Lợi thế của “người đi sau”

Một số dự án đã được khởi động nhằm tìm giải pháp cho loại máy bay thế hệ tiếp theo và hai chương trình như vậy đã tạo ra Mikoyan MIG 1.44 và Sukhoi Su-47 Berkut (tên gọi thông dụng sau này là S-32 và S-37). MIG 1.44 đã có chuyến bay đầu tiên vào ngày 29/2/2000 trong khi Su-47 có chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/9/1997, sau đó được công bố một cách chính thức vào tháng 1/2000.

Nhưng sau khi Mỹ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 Raptor, Sukhoi cũng được lựa chọn để phát triển các thiết kế máy bay thế hệ 5 đầu tiên của Nga có tên PAK-FA T-50. Sukhoi là hãng chế tạo máy bay chiến đấu của Nga, nổi tiếng từ thời Thế chiến II và cho đến nay đã phát triển nhiều thiết kế cho Không quân Liên Xô và sau này Không quân Nga.

Được xếp vào nhóm máy bay chiến đấu thế hệ 5, PAK-FA T-50 được áp dụng những kỹ thuật hàng không hiện đại nhất, với các vật liệu hấp thụ sóng radar và các vũ khí tối tân nhất nhằm đảm bảo khả năng hoạt động hoàn hảo, đáp ứng với các tình huống tranh chấp trong tương lai. Sự xuất hiện của T-50 đánh dấu “tay chơi thứ 2” trong “Câu lạc bộ máy bay thế hệ 5”, hiện vẫn do Mỹ độc chiếm, trong khi Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay thế hệ 5 nội địa của chính mình.

Dù các bộ phận cốt lõi của PAK FA đều là thiết kế của Nga, song các nhà quan sát nhanh chóng nhận ra rằng PAK FA có nhiều điểm tương đồng với một số dòng máy bay F-22 Raptor của Lockheed, với những góc nghiêng và hình dáng trải rộng.

Nhìn bên ngoài, PAK FA cho thấy rõ sự giống nhau như buồng lái đơn nhô cao với tầm quan sát rộng, cách mũi máy bay hình nón – nơi lắp đặt các thiết bị radar một khoảng cách tương đối giống nhau. Ngay dưới hai bên thân là hai bộ phận hút khí hình hộp chữ nhật cho hai động cơ được đặt theo góc nghiêng vào phía trong. Nhiều người nghi ngờ rằng người Nga đã “hào hứng quan sát” hoạt động phát triển của Mỹ trong suốt những năm 1990.


Thiết kế của PAK FA T-50

Thiết kế của PAK FA T-50

Uy lực vượt trội

Theo tiếng Nga, PAK FA được dịch ra là “Future Air Complex – Tactical Air Forces” – có nghĩa là “Tổ hợp máy bay tương lai – Không quân chiến lược”. PAK FA đảm nhận cả vai trò tấn công trên không và tấn công mặt đất, ngoài ra còn có thể thực hiện chức năng do thám nhờ những thiết bị chuyên biệt trên khoang máy bay. PAK FA có thể đạt tốc độ tối đa là 2.000km/giờ ở độ cao 20.000 m.

Với những chức năng được thiết kế như vậy, PAK FA sẽ thay thế vai trò của những chiếc máy bay thế hệ 4, bao gồm dòng Sukhoi Su-27/Su-37 có kích thước khá lớn hiện nay cũng như máy bay chiến đấu hạng nhẹ Mikoyan MIG-29. Cả hai dòng máy bay này đã khá quen thuộc, vì vậy đã có nhiều biến thể và cấu hình “bắt chước” theo.

T-50 sử dụng động cơ kép NPO Saturn AL-41F có lực đẩy lên tới hơn 14.000 kg mỗi bên. Động cơ AL-41F cho phép tăng tốc tới tốc độ siêu âm không cần đốt cháy thêm và sử dụng hệ thống kiểm soát kỹ thuật số. Nhưng người Nga vẫn chưa muốn dừng lại mà sẽ tiếp tục phát triển động cơ thế hệ tiếp theo cho loại máy bay này.

Động cơ thế thệ tiếp theo được gọi là Saturn Izdeliye 30, có lực đẩy sau khi đốt cháy lên tới gần 20.000kg. Động cơ này sẽ được lắp đặt trên các mẫu PAK FA thử nghiệm vào quý IV năm nay. Với động cơ mới được lắp đặt, PAK-FA sẽ có thể cung cấp hiệu suất động học tương đương với chiếc Lockheed Martin F-22 Raptor mà không cần thêm quy trình đốt sau.

Do ít tập trung vào yếu tố “tàng hình” hơn F-22 Raptor, máy bay chiến đấu đa nhiệm PAK-FA được cho là có tính cơ động và hiệu suất khí động học cao hơn. Tướng Dave Deptula, một cựu Tư lệnh Không quân Mỹ cũng từng nhận định rằng, về mặt thiết kế khí động học, PAK-FA có những điểm vượt trội hơn cả F-22.

Vũ khí trang bị cho PAK-FA cũng rất đáng nể, đáng chú ý nhất là trọng pháo có khả năng tấn công không đối không và không đối đất. Vũ khí tiêu chuẩn là một hoặc hai trọng pháo đường kính 30mm thuộc seri GSh-301.

Ngoài ra, PAK-FA còn mang theo tên lửa chống hạm Kh-35E, tên lửa không đối đất R-77 RVV-MD, tên lửa không đối đất Kh-38ME và tên lửa chống bức xạ Kh-58UshKE – còn được gọi là “sát thủ diệt radar”. Nga cũng hứa hẹn sẽ phát triển thêm nhiều loại vũ khí đặc biệt khác để tích hợp với các phiên bản thuộc họ PAK-FA sau này. Các vũ khí này sẽ được lắp đặt trên 10 giá treo trong 4 khoang vũ khí và 6 giá treo bên ngoài dưới cánh máy bay.


 Uy lực vũ khí của PAK FA T-50

Uy lực vũ khí của PAK FA T-50

Bài toán chi phí

Dự án PAK-FA được Sukhoi bắt đầu vào năm 2003 với nhiều nhà sản xuất phụ khác được chỉ định để thiết kế, phát triển và sản xuất các linh kiện phù hợp. Việc chế tạo mẫu máy bay đầu tiên bắt đầu vào tháng 8/2007.

Tuy nhiên tiến độ đã bị đình trệ trong suốt năm 2009 và phải đến 29/1/2010 mới có chuyến bay thử đầu tiên kéo dài trong 47 phút, đáp ứng các mục tiêu đề ra về tính năng kỹ thuật. Liên tiếp trong các ngày 6/2 và 12/2 là hai chuyến bay thử tiếp theo, sẵn sàng cho một dự án triển khai PAK FA chính thức.

Hiện Nga đã hoàn thành giai đoạn đầu trong việc bay thử nghiệm PAK-FA T-50. Sukhoi dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn phát triển phiên bản có thể hoạt động đầu tiên của dòng máy bay này vào năm 2019, tuy nhiên việc sản xuất loại máy bay này vẫn dừng lại ở số lượng hạn chế. Theo Tổng tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev, Nga hiện đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ 2 trước khi bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, dự kiến là vào năm 2019.

Không nghi ngờ việc PAK-FA sẽ là một chiếc siêu máy bay chiến đấu đầy uy lực, song vấn đề là Nga sẽ có khả năng đặt mua được bao nhiêu chiếc như vậy. Với kinh phí vô cùng đắt đỏ, điện Kremlin có thể chỉ mua được vài chiếc trong lô sản xuất 12 chiếc đầu tiên, còn đâu sẽ trông chờ vào các khách hàng nước ngoài như Ấn Độ để có nguồn tài chính để thiết lập dây chuyền sản xuất hàng loạt.

Hiện PAK-FA T-50 vẫn được phát triển theo một thỏa thuận hợp tác giữa Nga và Ấn Độ ký kết vào năm 2001, theo đó Ấn Độ cũng đóng góp khoảng 35% cho tới thời điểm này. Ý định của Ấn Độ là hưởng lợi từ chương trình này bằng cách mua sắm những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 5 dựa trên chiếc PAK FA trong những thập kỷ sắp tới.

Các quan chức Nga cũng đã khẳng định Nga không vội vàng trong việc đặt mua PAK-FA với số lượng lớn. Trong thời gian tới, Nga sẽ vẫn tập trung vào phát triển các động cơ mới cho PAK-FA T-50, thay vào đó sẽ mua những lô giới hạn để kiểm nghiệm hoạt động trong thực tế.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov, rất có thể Nga sẽ triển khai một chương trình tiếp theo giai đoạn 2018-2025 để hoàn thiện hơn mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 đầu tiên của mình. Vì vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, PAK-FA vẫn chỉ là một yếu tố bổ trợ trong biên chế Không quân Nga, trong khi các nhiệm vụ chủ yếu vẫn phải dựa vào những chiếc máy bay Su-27, Su-35 và Su-30SM…

Theo Thúy Ngọc

Pháp luật Việt Nam