Ông Zelensky chỉ trích phương Tây vì không cấm vận năng lượng hạt nhân Nga
(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích phương Tây vì không trừng phạt ngành năng lượng hạt nhân Nga giống như với mặt hàng dầu, khí đốt, than đá.
Ông Zelensky ngày 16/1 đã chỉ trích các đồng minh phương Tây vì không cấm vận ngành năng lượng hạt nhân của Nga trong bối cảnh cuộc chiến giữa Moscow và Kiev đã sắp bước sang năm thứ 3.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Zelensky nói rằng ngành công nghiệp hạt nhân của Nga không bị áp đặt các lệnh trừng phạt toàn cầu báo hiệu "một điểm yếu rõ ràng" của phương Tây.
"Tất nhiên, tôi biết ơn từng gói trừng phạt (phương Tây áp lên Nga). Nhưng mang hòa bình đến gần hơn cho Ukraine sẽ là phần thưởng cho tất cả những ai quan tâm đến việc đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt có hiệu quả 100%", ông nói.
Ông Zelensky cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu hối tiếc vì mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nếu như các lệnh trừng phạt gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho phía Moscow.
Kể từ khi chiến sự bùng phát, phương Tây đã áp hơn 17.000 lệnh trừng phạt lên Nga, biến Moscow thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới. Các lệnh cấm vận này nhằm vào ngành năng lượng Nga như dầu, khí đốt, than đá nhằm khiến Moscow suy yếu.
Tuy nhiên, ngành năng lượng hạt nhân của Nga do tập đoàn nhà nước Rosatom quản lý vẫn chưa phải đối mặt với các lệnh cấm vận.
Diễn biến này là do vai trò quan trọng của Rosatom trong ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu. Nga, một cường quốc về năng lượng, là một trong số ít quốc gia có khả năng cung cấp uranium đã làm giàu, chất được sử dụng làm nhiên liệu hạt nhân.
Bất chấp cuộc chiến, Mỹ vẫn tiếp tục chi hàng tỷ USD để nhập khẩu uranium đã làm giàu từ Nga, quốc gia cung cấp khoảng 25% nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy của Mỹ.
Thậm chí, Mỹ tăng gấp đôi nhập khẩu uranium làm giàu từ tập đoàn năng lượng Nga Rosatom trong nửa đầu năm 2023.
Trong khi đó, các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã nhập khẩu nhiều nhiên liệu hạt nhân từ Nga hơn trong cả năm 2023 và 2022 so với trước khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2021, theo Reuters.
Sau thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 ở Nhật Bản, nhiều quốc gia đã tạm dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khiến nhiều công ty tư nhân cung cấp nhiên liệu phá sản, làm gián đoạn chuỗi cung ứng uranium làm giàu.
Dẫu vậy, Rosatom không chỉ vượt qua được khủng hoảng nói trên mà còn thâm nhập vào các thị trường nước ngoài với tư cách là nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân mới.
Theo Nikkei, vị thế của Nga trong thị trường nguyên liệu cho điện hạt nhân có thể tạo ra một thách thức lớn cho các nước phương Tây dù họ đang cố gắng thoát sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow.
Nga sở hữu khoảng 50% cơ sở hạ tầng làm giàu uranium của thế giới. Việc chuyển đổi uranium khai thác từ các mỏ nguyên liệu trở thành uranium làm giàu cho các lò phản ứng hạt nhân thường mất 3-5 năm và việc thay thế nguồn cung không phải là dễ dàng.
Chính vì vậy, phương Tây chưa thể mạnh tay với uranium làm giàu từ Nga vì họ biết rằng việc thay thế vị trí dẫn đầu của Moscow trong thời gian ngắn là bất khả thi.
Ngoài ra, giá thành uranium do Rosatom cung cấp tương đối thấp, khiến nó có sức cạnh tranh rất cao. Mặt khác, các nước Đông Âu cũng sử dụng các lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất dẫn tới việc họ cũng phải nhập uranium làm giàu từ Nga.
Chính vì vậy, kịch bản phương Tây thoát hoàn toàn phụ thuộc năng lượng Nga dường như sẽ khó xảy ra ít nhất là trong tương lai gần.