1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump muốn mua Greenland để kiềm chế Trung Quốc ở Bắc Cực?

Đề xuất của ông Trump được cho là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng, Mỹ coi Greenland là vùng chiến lược đặc quyền cho “đấu trường” Bắc Cực.

Ý tưởng mua đảo Greenland từ Đan Mạch mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi tháng trước khiến nhiều nhà phân tích cho rằng đó là vì Mỹ đang lo ngại về vai trò ngày càng gia tăng của Trung Quốc, sự cạnh tranh quyết liệt của Nga và sự phân chia chính trị ở Bắc Cực.

Ông Trump muốn mua Greenland để kiềm chế Trung Quốc ở Bắc Cực? - 1

Những năm gần đây, Trung Quốc xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Greenland. Ảnh: Reuters

Trong số tất cả những nước liên quan trong khu vực, Đan Mạch đã cảm thấy “nóng gáy” nhất và không phải chỉ bởi Tổng thống Trump đã hoãn chuyến thăm nước này và thậm chỉ trích Thủ tướng Mette Frederikse vì đã mô tả kế hoạch mua hòn đảo lớn nhất thế giới của ông Trump là “lố bịch”.

Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc

Trong những năm qua, chính quyền các vùng tự trị của Đan Mạch như Greenland và quần đảo Faroe đều ngày càng ngả theo Trung Quốc vì các thỏa thuận thương mại. Đây là một yếu tố quan trọng khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng chiến lược ở khu vực sân sau chung của châu Âu, Bắc Mỹ và Nga.

Greenland là một mối quan tâm đặc biệt đối với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc bởi nơi đây có Căn cứ Không quân Mỹ Thule, nằm xa hơn về phía Bắc Cực, từng là tuyến đầu của hệ thống phòng vệ trong thời Chiến tranh Lạnh.

Ngày nay, hòn đảo này vẫn có tầm quan trọng chiến lược đối với hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ, vì lộ trình ngắn nhất từ châu Âu tới Bắc Mỹ đi qua vùng lãnh thổ phủ đầy băng tuyết và giàu nguồn tài nguyên này.

“Dù rất khó nói động cơ của Tổng thống Trump là gì, nhưng ông có vẻ như ông ấy luôn cân nhắc yếu tố Trung Quốc trong đề xuất mua đảo Greenland”, một nhà ngoại giao giấu tên tại Bắc Kinh cho biết.

Mỹ có vẻ như sẽ tăng cường hiện diện tại Greenland trong tương lai, nhà ngoại giao này nhận định.

Hồi tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc và Nga đã khơi mào cuộc chiến giành quyền lực chiến lược ở Bắc Cực và mô tả cách hành xử của Trung Quốc ở đây là gây hấn.

Năm 2017, Greenland tỏ ra quan tâm tới việc để một công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng 2 sân bay, Thủ hiến của hòn đảo này đã bay tới Bắc Kinh để kêu gọi hỗ trợ tài chính. Khi đó, chính quyền Đan Mạch mới vào cuộc, dưới sức ép của Mỹ, và miễn cưỡng đồng ý cung cấp tài chính cho các dự án ở Greenland từ ngân sách quốc gia.

Ông Trump muốn mua Greenland để kiềm chế Trung Quốc ở Bắc Cực? - 2

Vị trí của Trung Quốc và đảo Greenland trên bản đồ. Ảnh: BBC

Sự miễn cưỡng của Đan Mạch xuất phát từ việc mất lòng tin lâu dài giữa Copenhagen và Greenland, do những đề xuất về phát triển kinh tế của hòn đảo này bị chính quyền ở Copenhagen coi là nỗ lực nhằm huy động tài chính cho phong trào độc lập trong tương lai.

“Không còn nghi ngờ gì khi Mỹ ngày càng quan tâm hơn đến Greenland như một tài sản chiến lược”, Andreas Bøje Forsby, một nhà nghiên cứu tại Viện Bắc Âu về nghiên cứu châu Á có trụ sở tại Copenhagen cho biết.

“Đề xuất mua đảo Greenland có thể được coi mà một tín hiệu rất rõ ràng tới cả Trung Quốc và Đan Mạch rằng Greenland là một phần trong vùng chiến lược riêng biệt của Mỹ”, ông nói.

Bài học từ Faroe

Tương tự Greenland, chính quyền quần đảo Faroe – một quần đảo nằm giữa Scotland, Na Uy và Iceland – cũng sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc, nhưng là vì một mục đích khác. Không giống như Greenland, Faroe không có các phong trào trị kêu gọi độc lập khỏi Đan Mạch ở thời điểm này. Đây cũng là yếu khiến mối quan hệ tổng quan của Faroe với Copenhagen suôn sẻ hơn so với Greenland.

Tháng 9 này, chính quyền Faroe sẽ mở văn phòng đại diện ở Bắc Kinh, nằm trong Đại sứ quán Đan Mạch.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là có một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc”, Sigmundur Isfeld, diện của quần đảo Faroe ở Bắc Kinh cho biết.

Với Na Uy – một nhà cạnh tranh chiến lược của Faroe trong ngành ngư nghiệp và xuất khẩu và cũng đang để mắt tới một thỏa thuận tương tự với Trung Quốc.

“Đây là một thách thức với chúng tôi… chúng tôi cần phải vào cuộc càng sớm càng tốt”, ông Isfeld nói.

Mặc dù là một phần của Đan Mạch, quần đảo Faroe lại không thuộc Liên minh châu Âu và do đó phải thiết lập các thỏa thuận thương mại riêng biệt với các nước khác nhau.

“Ví dụ, có một thỏa thuận đối tác kinh tế EU-Nhật Bản. Nó sẽ bao gồm tất cả các nước thành viên EU, nhưng sẽ không bao gồm cả quần đảo Faroe”, ông Isfeld nói.

Về phần mình, Trung Quốc đã tìm cách gia tăng ảnh hưởng văn hóa và kinh tế ở Faroe, quần đảo có dân số 52.000 người. Huawei, công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, đã làm việc với các nhà cung cấp viễn thông chính trên hòn đảo này 4 năm qua và được cho là sắp hoàn tất kế hoạch phát triển mạng 5G trên khắp quần đảo này.

Tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực

Với dân số khoảng 56.000 người, Greenland là một trong những đối tác thương mại nhỏ nhất của Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2019, thương mại song phương ở mức 126 triệu USD, chủ yếu là Trung Quốc nhập khẩu cá với số lượng lớn từ Greenland.

Nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Greenland đã có lúc gặp phải những rào cản.

Năm 2016, một công ty khai mỏ của Trung Quốc bày tỏ quan tâm, đến việc tiếp quản một cảng biển bị bỏ hoang ở Gronnedal, nhưng đề xuất này bị chính phủ Đan Mạch đã từ chối. Một công ty xây dựng khác do nhà nước Trung Quốc quản lý cũng đã từng đề xuất xây sân bay ở Greenland, nhưng đã rút lại đề xuất trong năm 2019.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không ngừng nuôi tham vọng. Đầu năm nay, Trung Quốc tìm cách chiếm vai trò ảnh hưởng trong lĩnh vực xuất khầu ở Kvanefjeld (Greenland), một trong những điểm có trữ lượng lớn nhất thế giới về đất hiếm và urani, bằng cách thành lập liên doanh trong việc xử lý và xuất khẩu nguồn tài nguyên này.

Ông Trump muốn mua Greenland để kiềm chế Trung Quốc ở Bắc Cực? - 3

Vị trí chiến lược của Greenland ở Bắc Cực. Ảnh: The Time

Trung Quốc cũng thể hiện rõ tham vọng chiến lược ở khu vực. Năm ngoái, nước này công bố chiến lược con đường tơ lụa Bắc Cực, với kế hoạch tạo nền tảng cho những mục tiêu phát triển tương lai trong khu vực, trong đó có khoa học, thương mại, bảo tồn môi trường và khai thác khoáng sản.

Nước này cũng liên kết các lợi ích Bắc Cực với Sáng kiến Vành đai và con đường. Các công ty Trung Quốc đang được khuyến khích đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng dọc các lộ trình và tiến hành các hành trình thử nghiệm thương mại để đánh giá tính khả thi.

Anders Rasmussen, Cựu Thủ tướng Đan Mạch và từng là Tổng thư ký NATO, trong một bài viết trên tạp chí Atlantic tháng trước có nói rằng, "các núi băng tan sẽ mở cửa cho vận tải biển ở Bắc Cực, các vùng biển Bắc Cực nhiều khả năng sẽ trở thành một điểm sáng mới trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới của chúng ta”.

“Đó là tình huống đáng tiếc, nhưng không thể tránh được”, ông Rasmussen nhận định.

Theo ông Rasmussen, cả Nga và Trung Quốc đều quan tâm đến việc có chỗ đứng ở Greenland, để mở rộng ảnh hương ở khu vực Bắc Cực. Thay vì là một nguồn cơn tranh cãi, Greenland nên làm rõ có những lợi ích chung mà Mỹ và Đan Mạch có thể có được.

Theo Hoàng Phạm

VOV