1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump muốn dùng máy phát hiện nói dối tìm "người phản bội" trong Nhà Trắng

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho đã nhiều lần muốn dùng máy phát hiện nói dối để tìm ra những quan chức làm rò rỉ thông tin mật của Nhà Trắng ra bên ngoài, truyền thông Mỹ đưa tin.

Ông Trump muốn dùng máy phát hiện nói dối tìm người phản bội trong Nhà Trắng - 1

Một người tham gia bài kiểm tra nói dối (Ảnh minh họa: Owlcation)

Politico dẫn nguồn 4 cựu quan chức Nhà Trắng đưa tin, Tổng thống Trump được cho từng nhiều lần bàn bạc về việc dùng máy đo đa chỉ số (tên gọi thông thường là máy phát hiện nói dối) để điều tra các quan chức Mỹ sau mỗi vụ Nhà Trắng bị rò rỉ tin tức ra bên ngoài.  

“Ông ấy nói về nó rất nhiều. Sau khi đọc báo và xem tin tức về chính quyền bị rò ra, ông ấy thường tỏ ra tức giận và hỏi rằng vì sao chúng ta không thể ngừng việc này lại”, một quan chức tiết lộ.

“Ông ấy muốn kiểm tra nói dối mọi nhân viên làm việc trong tòa nhà để tìm ra xem ai là người đã đưa tin cho báo chí”, một cựu quan chức cho biết. Nguồn tin này cũng nói một số quan chức Nhà Trắng thậm chí tự nguyện tham gia kiểm tra để chứng minh trong sạch.

Politico dẫn nguồn tin nói rằng sự quan tâm của ông Trump với máy phát hiện nói dối bắt nguồn sau khi hàng loạt bài báo về 6 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ đầu tiên được đăng tải, với các chủ đề liên quan tới cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller hay việc ông Trump sa thải cựu giám đốc FBI James Comey. Cụ thể, ông Trump được cho rất không hài lòng vì một số biên bản cuộc gọi, dự thảo mệnh lệnh hành pháp hay các chuyện “thâm cung bí sử” bị tuồn ra bên ngoài.

Khi được hỏi về sự việc, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham nói rằng: “Tôi nghĩ Tổng thống và bất cứ ai trong chính quyền của ông có quyền cảm thấy bối rối và thậm chí tức giận với việc thông tin rò rỉ. Việc này chỉ làm tổn hại tới nước Mỹ. Tôi làm việc cùng với Tổng thống từ tháng 7/2015 và có thể nói một cách dứt khoát rằng tôi chưa bao giờ nghe thấy việc gợi ý sử dụng bài kiểm tra nói dối là một cách để ngăn rò rỉ tin tức”.

Thông tin về việc kiểm tra nói dối được đưa ra trong bối cảnh ông Trump đang vướng phải một cuộc điều tra luận tội liên quan tới cuộc điện đàm gây tranh cãi với nhà lãnh đạo Ukraine về việc điều tra cha con ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Ông Trump nhiều lần tuyên bố muốn được trao đổi với người đã tố giác ông.

“Nếu người được gọi là “người thổi còi” đã có tất cả thông tin gián tiếp, và gần như toàn bộ những gì người đó nói về cuộc điện đàm “hoàn hảo” của tôi với tổng thống Ukraine là sai lệch, tại sao không được quyền phỏng vấn và tìm hiểu mọi thứ về “người thổi còi” đó cũng như người đã cung cấp toàn bộ thông tin không chính xác cho anh ta”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Thủ thuật kiểm tra nói dối đã có khoảng 100 năm qua. Thông thường, những người có chuyên môn sẽ thực hiện các bài kiểm tra này bằng cách đo đạc các chỉ số như nhịp tim, nhịp thở, huyết áp… của người được kiểm tra để xác định tính chính xác của phát ngôn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng nhiều lần cho ra kết quả chưa chính xác và các chuyên gia cảnh báo rằng không thể tin tưởng hoàn toàn vào nó. 

Đức Hoàng

Theo Politico