1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump bị "tố" tịch thu ghi chép của phiên dịch, che giấu nội dung trao đổi với Putin

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã tịch thu ghi chép từ người phiên dịch của ông trong cuộc gặp mặt đối mặt với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để ngăn chặn hết cỡ các nội dung trao đổi bị lọt ra ngoài.

Ông Trump bị tố tịch thu ghi chép của phiên dịch, che giấu nội dung trao đổi với Putin - Ảnh 1.

Lãnh đạo Nga, Mỹ gặp nhau tại APEC 2017 tại Đà Nẵng (Ảnh: AFP/Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã cố gắng hết sức để che giấu chi tiết các cuộc trao đổi của ông với người cấp Nga Vladimir Putin, trong đó có ít nhất một lần tịch thu ghi ghép của người phiên dịch của ông và yêu cầu người này không thảo luận các nội dung trao đổi với các quan chức chính quyền khác, các quan chức và cựu quan chức Mỹ cho biết.

Theo Washington Post, ông Trump đã làm điều đó sau cuộc gặp với ông Putin tại Hamburg, Đức mà cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng tham dự.

Các quan chức Mỹ chỉ biết về hành động của ông Trump khi một cố vấn Nhà Trắng và một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tìm kiếm thông tin từ phiên dịch viên ngoài thông tin mà ông Tillerson chia sẻ.

Những hạn chế mà Tổng thống Trump áp dụng là một phần trong một nỗ lực được cho là lớn hơn của ông nhằm giữ bí mật các trao đổi với ông Putin khỏi sự soi xét của công chúng và ngăn chặn các quan chức cấp cao ngay trong chính quyền của ông biết đầy đủ về những gì ông đã nói với một trong những đối thủ chính của Mỹ.

Hệ quả là, giới chức Mỹ cho biết không có hồ sơ chi tiết, dù là các dữ liệu mật, về các cuộc trao đổi trực tiếp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Nga tại 5 lần trong 2 năm qua.

Không giống bất kỳ tổng thống Mỹ nào

Theo Washington Post, điều đó là thông bình thường trong bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào, nhất là lại trong bối cảnh các cơ quan tình báo Mỹ nghi ngờ về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Các cựu quan chức Mỹ cho biết hành động của ông Trump khác biệt với các thông lệ được biết tới của các tổng thống trước đó, vốn thường cho phép các trợ lý cấp cao tham dự các cuộc họp và ghi chép đầy đủ để chia sẻ với các quan chức và các cơ quan khác nhau.

Hành động của ông Trump cũng khiến một số quan chức Mỹ bất bình. Strobe Talbott, cựu Thứ trưởng ngoại giao từng tham gia hơn 12 cuộc gặp giữa Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin và hiện làm việc tại Viện Brookings, cho rằng sự bí mật của ông Trump với ông Putin "không chỉ là bất thường về mặt lịch sử, mà còn thái quá"

"Điều đó gây bất lợi cho chính phủ Mỹ, các chuyên gia, cố vấn và quan chức nội các đang phục vụ Tổng thống", ông Talbott nói.

Các đồng minh của ông Trump cho biết, Tổng thống cho rằng sự hiện diện của các quan chức cấp dưới có thể ảnh hưởng tới khả năng của ông nhằm thiết lập mối quan hệ với ông Putin, và mong muốn giữ bí mật có thể xuất phát từ các vụ rò rỉ vốn xảy ra trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ.

Cuộc gặp Trump - Putin tại Hamburg (Đức) diễn ra vài tháng sau khi báo chí Mỹ tiết lộ các chi tiết mà ông Trump từng nói với giới chức Nga trong một cuộc gặp với họ tại Nhà Trắng.

Theo đó, ông Trump đã tiết lộ các thông tin mật về một âm mưu khủng bố, gọi cựu Giám đốc FBI James Comey là một "người gàn dở" và rằng vụ sa thải ông này đã giúp loại đi một sức ép lớn trong quan hệ với Nga.

Nhà Trắng đã mở một cuộc truy tìm nội bộ sau vụ việc đó và các vụ việc khác, và ngăn chặn mạnh mẽ việc gửi thông tin trong Hội đồng An ninh Quốc gia liên quan tới các cuộc gặp của tổng thống với các lãnh đạo nước ngoài.

"Dần dần thì mọi chuyện càng trở nên khó hơn. Tôi nghĩ do bản thân ông Trump nghĩ rằng việc dò rỉ các thông tin có hại cho chính ông", một cựu quan chức chính quyền nói.

Các nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ miêu tả sự bí mật về các cuộc gặp giữa ông Trump với ông Putin là chưa có tiền lệ và rắc rối.

Sẽ thành lập ủy ban điều tra

Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại Hạ viện, cho hay ủy ban của ông sẽ thành lập một tiểu ủy ban điều tra nhằm tìm kiếm các hồ sơ từ Bộ Ngoại giao Mỹ về các cuộc gặp giữa ông Trump với ông Putin, trong đó có cuộc gặp kín tại Helsinki, Phần Lan hồi năm ngoái.

"Đã vài tháng kể từ cuộc gặp tại Helsinki và chúng tôi vẫn không biết điều gì đã diễn ra trong cuộc gặp đó. Thật vô lý. Nó khiến bạn phát cáu", ông Engel nói.

Không rõ là ông Putin có thu các ghi chép của các phiên dịch viên trong những dịp khác hay không, nhưng vài quan chức cho hay họ chưa từng nhận được ghi chép đáng tin cậy nào về cuộc gặp kéo dài 2 tiếng với ông Putin tại Helsinki. Không giống với cuộc gặp tại Hamburg, ông Trump không cho phép quan chức nội các hay trợ lý nào tham gia cuộc gặp với ông Putin.

Ông Trump cũng có các trao đổi riêng tư khác với ông Putin tại các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới mà không có sự hiện diện của các trợ lý. Ông Trump đã nói chuyện lâu với ông Putin cũng tại Hamburg vào năm 2017, nơi chỉ có phiên dịch của ông Putin có mặt. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng gặp người đồng cấp Nga tại G20 ở Argentina cuối năm ngoái.

Theo Washington Post, ông Trump thường cho các trợ lý nghe các cuộc điện đàm với ông Putin, nhưng Nga thường là bên đầu tiên tiết lộ các cuộc điện đàm và ra các tuyên bố về nội dung điện đàm thường có lợi cho Nga.

Trong một email, cựu Ngoại trưởng Tillerson cho hay ông có mặt trong toàn bộ cuộc gặp song phương chính thức Trump - Putin tại Hamburg, nhưng từ chối tiết lộ về cuộc gặp và không trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Trump có chỉ đạo phiên dịch giữ im lặng hoặc tịch thu ghi chép của phiên dịch hay không.

An Bình

Tổng hợp