Ông Trump ẩn ý không công nhận kết quả bầu cử nếu thua
(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, ông lẽ ra nên ở lại Nhà Trắng ngay cả khi thua trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 3/11, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Chúng ta đã có biên giới an toàn nhất trong lịch sử đất nước vào ngày tôi rời đi. Lẽ ra tôi không nên rời đi, ý tôi là thành thật mà nói, chúng tôi đã làm rất tốt, chúng tôi đã có thành tựu tuyệt vời".
Bình luận này phản ánh những gì ông Trump đã nói với các trợ lý và đồng minh sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, một thất bại mà ông chưa bao giờ thừa nhận.
Hiện giờ, ông Trump lại sử dụng kịch bản của năm 2020 với tuyên bố vô căn cứ rằng cuộc bầu cử năm 2024 "đang bị đánh cắp".
Ông nhiều lần cáo buộc đảng Dân chủ đang gian lận trong cuộc bầu cử và hàng loạt cáo buộc khác, tất cả nhằm mục đích khiến những người ủng hộ ông tin sai rằng cuộc bầu cử là không hợp pháp nếu ông ấy thua.
Điều này bao gồm cáo buộc việc bỏ phiếu của những người không phải là công dân là một vấn đề phổ biến. Ông cũng phàn nàn không có xác minh nào đối với các lá phiếu ở nước ngoài hoặc quân đội.
Ông cáo buộc các quan chức bầu cử đang sử dụng việc bỏ phiếu sớm để thực hiện hành vi gian lận và số lượng lớn phiếu bầu gửi qua thư là bất hợp pháp ngay cả khi ông khuyến khích những người ủng hộ mình sử dụng bỏ phiếu qua thư.
Đáng nói nhất, ông tuyên bố cách duy nhất mà Phó Tổng thống Kamala Harris có thể thắng cử là gian lận.
"Nếu bạn mới bắt đầu chú ý đến điều này, thì những tuyên bố mà bạn sẽ nghe vào năm 2024 về việc hệ thống bầu cử không đáng tin cậy sẽ cực kỳ giống với những gì ông ấy và những người ủng hộ ông ấy đã nói vào năm 2020", Ben Ginsberg, luật sư chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa, người từng giữ chức cố vấn chung cho một số ứng cử viên của đảng này trước đây, cho biết.
Năm 2020, ông Trump thua sít sao trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với ứng viên Dân chủ Joe Biden. Hai tháng sau đó, ông tìm mọi cách để lật ngược kết quả.
Trong cuộc bầu cử sít sao năm nay, các quan chức bầu cử đang chuẩn bị cho một loạt thông tin sai lệch khác về kết quả, đặc biệt nếu cuộc bầu cử xoay quanh kết quả của hàng trăm lá phiếu ở 1-2 bang.
Pennsylvania có thể là tiểu bang quyết định cục diện bầu cử năm nay và có khả năng trở thành khởi đầu cho các cuộc đấu tranh pháp lý về quy tắc bầu cử.
Tại một cuộc vận động tranh cử tuần trước ở Pennsylvania, ông Trump tuyên bố việc phát hiện hàng trăm đơn đăng ký cử tri bị nghi ngờ gian lận ở Lancaster là bằng chứng của gian lận.