1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Tập Cận Bình kêu gọi thống nhất, lãnh đạo Đài Loan từ chối thẳng thừng

(Dân trí) - Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo mục tiêu cuối cùng của bất kỳ cuộc đàm phán nào về tương lai của Đài Loan phải là sự thống nhất, nhà lãnh đạo của hòn đảo tuyên bố không chấp nhận.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: EPA)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: EPA)

“Đất nước ngày càng lớn mạnh, dân tộc ngày càng phục hưng và sự thống nhất giữa hai bờ eo biển (Đài Loan) là xu hướng vĩ đại của lịch sử”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với các quan chức, sĩ quan quân sự và đại biểu tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 2/1 nhân kỷ niệm 40 năm Trung Quốc công bố “Thư gửi Đồng bào Đài Loan”.

“Thư gửi Đồng bào Đài Loan” là văn kiện chính sách do Quốc hội Trung Quốc công bố ngày 1/1/1979 - ngày Trung Quốc và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ sau khi Washington từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. Bức thư ban đầu đề xuất chấm dứt đối đầu quân sự giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục thông qua đối thoại, đồng thời hoan nghênh các cuộc trao đổi giữa hai bên.

“Đây là cái kết lịch sử được rút ra sau hơn 70 năm phát triển mối quan hệ giữa hai bờ eo biển và là đòi hỏi tất yếu cho sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong kỷ nguyên mới”, ông Tập phát biểu.

Trong bài phát biểu hôm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra cảnh báo với những người ủng hộ Đài Loan độc lập. Ông Tập khẳng định, “một thực tế hợp pháp là cả hai bờ eo biển Đài Loan đều thuộc về một Trung Quốc và không thể bị thay đổi bởi bất kỳ ai hay bất kỳ lực lượng nào”.

Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc tôn trọng tự do pháp lý và tôn giáo của người dân Đài Loan trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”. Tuy nhiên, ông Tập cũng cảnh báo những khác biệt chính trị sâu sắc giữa Đài Loan và Trung Quốc không được xem là lý do để chối bỏ mục tiêu thống nhất.

“Chế độ khác biệt không phải là rào cản cho việc thống nhất, thậm chí chúng cũng không phải là cái cớ cho sự ly khai. Tài sản riêng, tín ngưỡng tôn giáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ vẫn được bảo đảm đầy đủ”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

“Chúng tôi không hứa từ bỏ sử dụng vũ lực, đồng thời bảo lưu phương án sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại các thế lực bên ngoài hòng can thiệp vào quá trình thống nhất hòa bình cũng như các hoạt động thúc đẩy độc lập của Đài Loan”, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói.

Mặc dù đưa ra cảnh báo, song bài phát biểu của ông Tập vẫn mang xu hướng hòa giải. Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi “các cuộc tham vấn dân chủ” mở rộng giữa các đảng chính trị và đại diện từ cả hai phía về mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan cũng như tương lai của hòn đảo. Ông Tập cũng cam kết thể chế hóa hợp tác kinh tế giữa hai bên, đồng thời thúc đẩy thị trường chung.

Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, sự thống nhất phải được thực hiện dựa trên cách tiếp cận “một quốc gia, hai chế độ” nhằm đảm bảo lợi ích và sự thịnh vượng của những người đồng bào Đài Loan. Ngoài ra, Đài Loan cũng sẽ được bảo đảm nền hòa bình lâu dài.

Lãnh đạo Đài Loan “phản pháo”


Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Ảnh: AP)

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Ảnh: AP)

Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa ra chỉ một ngày sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi Trung Quốc giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan tới hòn đảo 23 triệu dân này. Bà Thái Anh Văn tuyên bố muốn duy trì quyền tự quyết của Đài Loan.

Sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình hôm nay, bà Thái Anh Văn đã lên tiếng “phản pháo”. Nhà lãnh đạo Đài Loan khẳng định hòn đảo này sẽ không chấp thuận việc dàn xếp chính trị theo hướng “một quốc gia, hai chế độ” với Trung Quốc.

Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh tất cả các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan cần phải được thực hiện trên cơ sở chính quyền với chính quyền. Bà Thái cũng kêu gọi Trung Quốc thấu hiểu suy nghĩ và nhu cầu của người dân Đài Loan.

Thành Đạt

Tổng hợp