Ông Putin đáp trả chỉ trích về sắc lệnh gây tranh cãi sau bầu cử Ukraine
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông hoàn toàn xuất phát từ mục đích nhân đạo khi công bố sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu Nga cho người dân ở đông Ukraine.
Kết quả bầu cử Ukraine
Phát biểu trước truyền thông tại thành phố Vladivostok sau cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 25/4, Tổng thống Putin cho biết kết quả cuộc bầu cử tổng thống Ukraine là bằng chứng cho thấy sự thất bại hoàn toàn trong các chính sách của đương kim Tổng thống Poroshenko.
“Tôi đánh giá như thế nào ư? Đó là sự thất bại trong chính sách của ông Poroshenko. Tôi chắc chắn chính quyền mới của Ukraine sẽ hiểu rõ điều đó. Và đúng là họ đã hiểu”, Tổng thống Putin nói.
“Hiện vẫn phải chờ xem bước tiếp theo của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky là gì. Hiểu là một chuyện, nhưng xây dựng một chính sách thực tế để đáp ứng nhu cầu của người dân lại là chuyện khác”, nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Tổng thống Putin tin rằng mối quan hệ giữa Nga và Ukraine sẽ phụ thuộc vào chính sách của ban lãnh đạo mới tại Ukraine.
“Chúng tôi mong muốn và chúng tôi sẵn sàng khôi phục đầy đủ mối quan hệ với Ukraine, tuy nhiên chúng tôi không thể đơn phương làm chuyện đó”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Sắc lệnh gây tranh cãi
Ngày 24/4, Tổng thống Putin đã đã ký sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu cho công dân vùng Donetsk và Lugansk. Điều này đồng nghĩa với việc công dân ở hai khu vực miền đông Ukraine bây giờ có thể dễ dàng hơn trong việc xin hộ chiếu trở thành công dân Nga.
Theo sắc lệnh mới, các công dân ở Donetsk và Lugansk muốn trở thành công dân của Nga chỉ cần nộp một số thủ tục và đơn xin cấp hộ chiếu sẽ được giải quyết trong vòng 3 tháng.
Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga “không muốn gây khó cho chính quyền mới của Ukraine", song việc công dân Donetsk và Lugansk bị ảnh hưởng quyền lợi là không thể chấp nhận được. Theo nhà lãnh đạo Nga, ông không có ý định “khiêu khích” chính quyền Ukraine bằng việc thông qua sắc lệnh này.
“Chúng tôi (Nga), bao gồm cả bản thân tôi, không muốn khiêu khích bất kỳ ai. Vấn đề liên quan tới hộ chiếu chỉ đơn thuần là vấn đề nhân đạo”, ông Putin nói.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Poroshenko từng cáo buộc Nga có ý định sáp nhập các khu vực ở miền đông Ukraine vào lãnh thổ Nga như Nga từng làm với Crimea. Ukraine và một số nước cũng lên tiếng chỉ trích việc Nga thông qua sắc lệnh ngay sau khi Ukraine vừa kết thúc bầu cử. Ukraine cho rằng đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ.
Tuyên bố ngày 25/4 của Tổng thống đắc cử Zelensky cáo buộc Nga muốn "gây chiến chống lại Ukraine". Tuyên bố nói rằng Ukraine kỳ vọng cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng thêm áp lực về kinh tế và ngoại giao lên Nga sau động thái của Moscow.
Tổng thống đắc cử Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Tass)
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hành động của Nga “mang tính khiêu khích cao” và gây tổn hại cho “chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng cho rằng việc Nga công bố quyết định ngay sau cuộc bầu cử Ukraine là dấu hiệu cho thấy Moscow tấn công vào chủ quyền của Ukraine, làm xáo trộn tình hình tại Ukraine và làm nghiêm trọng thêm cuộc xung đột tại đông Ukraine.
Đáp lại, Tổng thống Putin hôm qua cho biết việc các nước chỉ trích sáng kiến nhân đạo mới của Nga trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở đông Ukraine là điều “kỳ lạ”. Ông Putin viện dẫn các trường hợp của Ba Lan, Romania - những nước cũng có chính sách trao quyền công dân cho những người thuộc các sắc tộc ở những nước này nhưng sống ngoài lãnh thổ.
“Ba Lan cũng cấp hộ chiếu từ nhiều năm nay, khoảng 10 năm, từ năm 2009, nếu tôi không nhớ nhầm. Tương tự như việc Ba Lan cấp hộ chiếu, và Romania cũng vậy. Romania cũng cấp hộ chiếu cho người Hungary, Romania và Ba Lan. Liên quan tới vấn đề này, tôi có một câu hỏi: tại sao người Nga ở Ukraine lại gặp khó khăn so với người Romania, Ba Lan hay Hungary? Họ cũng giống như những người Ukraine - những người cảm thấy có mối liên kết không thể tách rời với Nga bởi nhiều lý do khác nhau như quan hệ huyết thống, kết hôn khác chủng tộc hay các yếu tố khác”, ông Putin nói.
Theo Tổng thống Putin, ông không thấy có gì bất thường ở đây.
“Các nước khác giáp biên giới với Ukraine đã làm điều này trong suốt nhiều năm? Tại sao Nga không thể làm tương tự như họ?”, ông Putin nói.
Thực thi thỏa thuận Minsk
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh một thực tế rằng người dân ở đông Ukraine thường bị cản trở các quyền con người cơ bản.
“Họ gặp vấn đề trong việc di chuyển khỏi Ukraine hay các nước thứ 3. Ở Nga, họ cũng gặp vấn đề này. Họ thường không thể mua được vé máy bay hay tàu. Điều này vượt quá giới hạn cho phép”, ông Putin nói.
Tổng thống Putin cho biết chính quyền Ukraine không có ý định thực thi các điều khoản của thỏa thuận Minsk.
“Họ không công nhận tình trạng đặc biệt của cộng hòa Lungansk và Donetsk. Trong khi đó, đây là vấn đề then chốt của thỏa thuận Minsk. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ không thực thi thỏa thuận này”, ông Putin nói, đồng thời cho biết tương lai của người dân ở các khu vực này vẫn chưa rõ ràng.
“Không có gì được cải thiện: không liên kết kinh tế, không quan hệ tài chính. Trong khi các vấn đề nhân đạo vẫn đang phát sinh”, Tổng thống Putin cho biết, nói thêm rằng Nga không thể khoanh tay đứng nhìn tình trạng này xảy ra tại đông Ukraine.
“Nếu những người chuẩn bị lên nắm quyền tại Ukraine tìm thấy động lực trong việc thực thi thỏa thuận Minsk, chúng tôi sẽ thúc đẩy tiến trình này theo mọi cách có thể”, ông Putin khẳng định.
Thành Đạt
Theo TASS