1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Putin: Cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên là ngớ ngẩn

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin ngày 18/3 đã nêu các lý do để bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Anh.

Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: EPA)
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: EPA)

Phát biểu trước các phóng viên ngày 18/3, Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia tại Anh hôm 4/3. Theo nhà lãnh đạo Nga, “bất kỳ ai có nhận thức” đều hiểu rằng những cáo buộc nhằm vào Moscow là “nhảm nhí, ngớ ngẩn và phi lý” được đưa ra trước thềm bầu cử Nga.

“Khó có thể tin rằng chúng tôi làm một chuyện như vậy”, ông Putin nói, đồng thời cho biết ông cũng chỉ biết về vụ việc thông qua truyền thông.

“Suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi đó là: nếu đây là loại chất độc quân sự, thì người đó chắc chắn sẽ thiệt mạng ngay tại chỗ rồi”, Tổng thống Putin nói thêm.

“Thứ hai, Nga không có những chất độc thần kinh như vậy. Chúng tôi đã phá hủy toàn bộ vũ khí hóa học dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế. Và chúng tôi làm việc đó trước tiên, chứ không như một số nước khác hứa hẹn sẽ làm, nhưng rốt cuộc không giữ lời hứa”, ông Putin nhấn mạnh.

Phát biểu trên của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng Anh có bằng chứng Nga đã chế tạo và lưu trữ chất độc thần kinh quân sự thời Liên Xô có tên Novichok trong một thập niên qua. Thủ tướng Anh Theresa May cũng cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu đại tá tình báo Skripal và xác định chất độc được sử dụng là Novichok.

Nga sẵn sàng hợp tác

Cha con cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal (Ảnh: Getty)
Cha con cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal (Ảnh: Getty)

Vụ cựu điệp viên Skripal và con gái bị đầu độc khiến mối quan hệ giữa Anh và Nga trở nên căng thẳng trong những tuần gần đây. Nga liên tục yêu cầu Anh cung cấp bằng chứng, bao gồm mẫu chất độc nghi được sử dụng để mưu sát cha con ông Skripal, song London từ chối đáp ứng đề nghị này.

“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác (với Anh), chúng tôi nói thẳng như vậy, chúng tôi sẵn sàng tham gia vào các cuộc điều tra cần thiết, nhưng với điều kiện cần có sự hợp tác từ Anh - điều mà chúng tôi chưa nhận thấy. Tuy nhiên chúng tôi chưa gạt bỏ ý định đó ra khỏi kế hoạch, những nỗ lực hợp tác chung vẫn được để ngỏ”, ông Putin nói thêm.

Ông Skripal và con gái bị phát hiện trong trạng thái bất tỉnh trên ghế băng ở bên ngoài trung tâm mua sắm tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3. Cha con ông Skripal vẫn đang trong tình trạng nguy kịch và phía Nga hy vọng họ sẽ sớm hồi phục để kể lại toàn bộ diễn biến vụ việc.

Ngoại trưởng Johnson cho biết các chuyên gia kỹ thuật của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học sẽ tới Anh hôm nay 19/3 và kiểm tra các mẫu chất nghi được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại một phòng thí nghiệm quốc tế. Theo truyền thông phương Tây, Novichok (có nghĩa “Tân binh” theo tiếng Nga) từng được Liên Xô phát triển bí mật trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ thập niên 1980 để đối phó với vũ khí hóa học của Mỹ.

Liên quan tới vụ việc này, Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga ở London và áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt như tạm dừng các cuộc hội đàm và đóng băng tài sản công của Nga tại Anh. Để tẩy chay World Cup 2018 diễn ra ở Nga, Anh tuyên bố sẽ không có bộ trưởng hay thành viên Hoàng gia Anh tham dự sự kiện này.

Đáp lại, Nga cũng trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh ở Moscow, đóng cửa lãnh sự quán Anh tại thành phố lớn thứ hai của Nga là St. Petersburg và dừng các hoạt động của Hội đồng Anh - một tổ chức tăng cường giao lưu văn hóa của Anh ở nước ngoài.

Cựu đại tá tình báo Sergei Skripal, 66 tuổi, từng phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Năm 2004, ông bị kết tội làm gián điệp cho Anh và lĩnh án 13 năm tù. Sau đó, ông đã được phóng thích và cho phép tị nạn ở Anh năm 2010 trong cuộc trao đổi gián điệp giữa Nga và Mỹ.

Thành Đạt

Theo Guardian