Ông Lý Quang Diệu dự đoán về Trung Quốc
(Dân trí) - Liệu Trung Quốc có trở thành cường quốc số một thế giới? Hãy cùng tham khảo câu trả lời của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Câu trả lời chắc chắn nhất cho những câu hỏi trên là: Không ai biết! Nhưng các nguyên thủ quốc gia, các nhà đầu tư và người dân trong và ngoài khu vực đang đặt cược vào điều đó. Và giới hoạch định chính sách của Mỹ, những người đã tạo nên trục xoay sang châu Á cho chính quyền của Obama, cũng đang đưa ra đánh giá. Để giải đáp cho những câu hỏi này, nếu bạn có thể tham khảo chỉ một người trên thế giới hiện nay, người đó sẽ là ai? Henry Kissinger, người Mỹ cho đến nay có nhiều thời gian nhất bên các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, khuyên bạn nên tham khảo Lý Quang Diệu, nhà sáng lập Singapore hiện đại và là thủ tướng đất nước này từ năm 1959-1990.
Ông Lý Quang Diệu đã dùng tài trí sắc sảo của mình trong suốt hơn một nửa thế kỷ trên trường quốc tế, là cố vấn cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Đặng Tiểu Bình cho đến Tập Cận Bình và các tổng thống Mỹ từ Richard Nixon cho tới Barack Obama. Điều này cho ông có cái nhìn xác đáng về địa chính trị và địa kinh tế của Đông và Tây.
Câu trả lời của ông Lý Quang Diệu cho những câu hỏi trên lần lượt là: có, có và không.
Có, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn rất nhiều lần Mỹ và các đối thủ phương Tây khác trong một thập niên tới, và có thể là nhiều thập niên sau.
Có, giới lãnh đạo Trung Quốc rất mong muốn đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu châu Á và trên toàn cầu.
Không, Trung Quốc sẽ không đơn giản ngồi trong trật tự hậu chiến tranh do Mỹ tạo ra như đối với Nhật. Thay vào đó, “mục đích của Trung Quốc là trở thành cường quốc lớn nhất thế giới và được chấp nhận là Trung Quốc, chứ không phải là thành viên danh dự của phương Tây”- ông Lý Quang Diệu cho biết trong một bài phát biểu năm 2009.
Theo quan điểm của ông Lý Quang Diệu, “người Trung Quốc sẽ không vội vã “hất cẳng” Mỹ là cường quốc số một thế giới”. Một số người Trung Quốc “mong thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc, trong khi số khác muốn chia sẻ thế kỷ này với Mỹ khi họ xây dựng thế kỷ tiếp theo là của Trung Quốc.”
Chiến lược của Trung Quốc là vượt trội để “xây dựng một tương lai mạnh mẽ và thịnh vượng và dùng lực lượng lao động đông đảo và ngày càng lành nghề, được đào tạo cao để vượt lên trên tất cả”. Về mặt quân sự, theo ông Lý Quang Diệu, giới lãnh đạo Trung Quốc chưa tính đến đối đầu cho đến khi nước này “vượt Mỹ về phát triển và ứng dụng công nghệ” trong lĩnh vực mà nước này vẫn bị bỏ xa.
Ông Lý Quang Diệu cho rằng, “người Trung Quốc đã tính toán rằng nếu họ duy trì “trỗi dậy hòa bình” và chỉ cạnh tranh vị trí số một về kinh tế cũng như công nghệ, họ không thể bị thua”. Và giới lãnh đạo Trung Quốc về cơ bản sẽ trung thành với châm ngôn của Đặng Tiểu Bình, đó là “ẩn mình chờ thời”.
Cựu Thủ tướng Singapore cũng cho rằng chúng ta sẽ bước vào một kỷ nguyên Trung Quốc, mặc dù ông nhấn mạnh cơ hội sai là 1/5. Nếu dự đoán của ông Lý là đúng, thì giới lãnh đạo ở cả Trung Quốc và Mỹ sẽ đối mặt với thách thức to lớn trong những thập niên tới, khi một cường quốc đang lên cạnh tranh quyền lực thống trị. Lịch sử đã cho thấy 11 trong 15 trường hợp như vậy kể từ năm 1500 kết thúc bằng chiến tranh. Để tránh được xung đột vũ lực trong tương lai, giới lãnh đạo của cả hai bên ngày nay phải luôn khắc ghi tỷ lệ này, học hỏi từ những câu chuyện thành công, và vận dụng vào thực tế để có điều chỉnh phù hợp trong thái độ và hành động.
Phan Anh
Theo FP