Ông Kim Jong-un vắng bóng bí ẩn khi Hàn - Triều “căng như dây đàn”
(Dân trí) - Sự vắng bóng bí ẩn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể liên quan tới quyền lực ngày càng gia tăng của em gái ông trong chính quyền Triều Tiên giữa lúc căng thẳng bùng phát với Hàn Quốc.
Trong những tuần gần đây, khi Triều Tiên gia tăng sức ép quân sự lên Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã vắng bóng một cách bí ẩn.
Ông Kim Jong-un, người xuất hiện rất ít trước công chúng từ đầu năm đến nay, dường như đã để em gái ngày càng quyền lực của mình, bà Kim Yo Jong, giám sát chuỗi động thái cứng rắn của Triều Tiên nhằm vào quốc gia láng giềng.
Từng được xem là trợ lý thân cận của ông Kim Jong-un, bà Kim Yo Jong bắt đầu đưa ra những tuyên bố chính thức đầu tiên trên cương vị một quan chức cấp cao của Triều Tiên từ hồi tháng 3. Kể từ đó, bà được biết đến là người đại diện cho chính sách ngày càng cứng rắn của Triều Tiên với Hàn Quốc.
Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố cắt toàn bộ kênh liên lạc chính thức với Hàn Quốc. Ngày 16/6, Triều Tiên đã sử dụng thuốc nổ để đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều, cơ sở được xem là “đại sứ quán” chung của hai nước, ở ngay khu vực biên giới. Một ngày sau đó, Triều Tiên thông báo sẽ triển khai binh sĩ trở lại và nối lại các cuộc tập trận quân sự gần biên giới.
Triều Tiên vốn có lịch sử leo thang căng thẳng để ép Hàn Quốc phải nhượng bộ về kinh tế cũng như những lĩnh vực khác. Bình Nhưỡng hiện cảm thấy thất vọng với Seoul khi quốc gia láng giềng không sẵn sàng thúc đẩy việc cải thiện quan hệ liên Triều.
Trước khi vụ đánh sập văn phòng liên lạc xảy ra, bà Kim Yo-jong ngày 13/6 đã cảnh báo rằng Hàn Quốc sẽ chứng kiến “khung cảnh bi thảm sẽ diễn ra khi văn phòng liên lạc chung vô dụng hoàn toàn sụp đổ”.
Vai trò của bà Kim Yo Jong trong việc giám sát các hoạt động bị cho là khiêu khích của Triều Tiên gần đây đã cho thấy sự chuyển biến quyền lực mới trong bộ máy lãnh đạo của nước này, trong đó em gái ông Kim Jong-un dường như đang nắm vị trí quyền lực số hai tại Triều Tiên.
“Trước đây không có người thứ 3 nào ở giữa quân đội (Triều Tiên) và ông Kim Jong-un, nhưng bây giờ có bà Kim Yo Jong”, Thae Yong-ho, một nhà ngoại giao Triều Tiên đào tẩu, cho biết.
Theo ông Thae, người hiện là một nghị sĩ tại Hàn Quốc, những động thái cứng rắn gần đây cũng cho thấy “một cấu trúc chỉ huy mới”, trong đó “cả đất nước Triều Tiên sẽ nhanh chóng hành động ngay sau khi bà Kim Yo Jong đưa ra tuyên bố”.
Nghi vấn sức khỏe
Hiện chưa rõ lý do Triều Tiên quyết định đẩy mạnh vai trò của bà Kim Yo Jong, tuy nhiên sự thăng tiến của bà diễn ra cùng thời điểm xuất hiện tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong-un khi ông vắng mặt bất thường trong 3 tuần từ cuối tháng 4 tới đầu tháng 5.
Hãng tin NK Daily có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng ông Kim Jong-un phải điều trị hồi phục sau phẫu thuật tim hôm 12/4. Đài CNN cũng dẫn các nguồn tin cho biết tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un "rất nghiêm trọng".
Những tin đồn trên đã làm dấy lên nhiều quan ngại về bộ máy lãnh đạo tại Triều Tiên, khi ông Kim Jong-un là thế hệ thứ 3 liên tiếp trong gia tộc họ Kim giữ vị trí điều hành đất nước và cho đến nay ông vẫn chưa tìm được người kế nhiệm.
Mối lo ngại về tình hình sức khỏe và vấn đề kế nhiệm chỉ là hai trong số những giả thuyết để lý giải cho vai trò lãnh đạo ngày càng tăng của em gái ông Kim Jong-un.
“Tôi nghĩ điều này là hợp lý. Nếu không, tại sao không phải là người khác đưa ra những tuyên bố như vậy”, Chad O’Carroll, giám đốc điều hành tổ chức Korea Risk Group - đơn vị vận hành trang NK News chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, cho biết.
Theo một giả thuyết khác, bằng việc cho phép em gái trở thành “gương mặt đại diện” cho lập trường cứng rắn của Triều Tiên với Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể muốn giữ lại một đường lui cho mình nếu Bình Nhưỡng muốn quay lại với Seoul trong tương lai.
Theo Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia tại Đại học King London, ông Kim Jong-un sẽ không bị “mang tiếng” là người trực tiếp leo thang căng thẳng với Hàn Quốc.
Chỉ riêng năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có 3 cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Chuyên gia Pardo cho rằng nếu muốn có thêm một cuộc gặp thượng đỉnh nữa trong tương lai, ông Kim Jong-un tốt hơn hết không nên là người dẫn đầu nỗ lực leo thang căng thẳng với Hàn Quốc.
Vai trò của em gái
Việc bà Kim Yo Jong đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Hàn Quốc xuất phát một phần vì đây là công việc chính của bà. Bà Kim, 23 tuổi, hiện là phó trưởng Ban Mặt trận Thống nhất của đảng Lao động Triều Tiên - cơ quan phụ trách mối quan hệ với Hàn Quốc, bao gồm hoạt động tuyên truyền và gián điệp.
Khi quan hệ Hàn - Triều được cải thiện hồi năm 2018, bà Kim Yo Jong đóng vai trò là đặc phái viên đặc biệt của Triều Tiên trong mối quan hệ với Hàn Quốc. Bà là thành viên đầu tiên trong gia tộc họ Kim đặt chân tới Hàn Quốc từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Bây giờ, bà lại là người giám sát việc Triều Tiên phá hủy nhiều thành tựu mà hai nước đã đạt được trước đó.
Trong tháng này, bà Kim Yo Jong nhiều lần chỉ trích chính quyền Hàn Quốc vì để các nhà hoạt động thả truyền đơn chống phá Triều Tiên qua biên giới. Bà Kim cũng dùng những từ ngữ “nặng nề” để lên án những người đào tẩu rải truyền đơn về quê nhà.
Khi Hàn Quốc tuần này đề xuất cử các đặc phái viên để hạ nhiệt căng thẳng, bà Kim đã thẳng thừng từ chối, gọi những đề xuất này là “phi thực tế”, “thiếu tôn trọng”, “không lịch thiệp”, “bất cẩn”, “xấu xa”…
Trong khi đó, ông Kim Jong-un không xuất hiện trên truyền thông nhà nước từ ngày 8/6 khi ông chủ trì cuộc họp của Bộ chính trị để thảo luận về các vấn đề cấp bách trong việc phát triển ngành công nghiệp hóa chất của Triều Tiên.
“Ông Kim Jong-un không cần phát ngôn trong giai đoạn này. Trợ lý thân cận nhất của ông đang phát ngôn thay ông ấy và theo lệnh của ông ấy”, Duyeon Kim, cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á và chính sách hạt nhân tại tổ chức International Crisis Group, nhận định.
Một số nhà phân tích tin rằng lập trường cứng rắn gần đây của bà Kim Yo Jong có thể nhằm tăng cường vị thế quân sự cũng như mở rộng thẩm quyền của bà.
“Khi ngày càng có nhiều lo ngại về tình hình sức khỏe của anh trai, bà Kim đang thể hiện quyền lực để nhận được sự ủng hộ từ những người cứng rắn trong chính quyền Triều Tiên và quân đội Triều Tiên”, Jay Song, giảng viên nghiên cứu Hàn - Triều tại Viện châu Á thuộc Đại học Melbourne, nhận định.
BBC dẫn lời chuyên gia Ankit Panda cho rằng việc Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều, cùng với các động thái khác vẫn chưa được thực hiện, có thể liên quan tới nỗ lực nội bộ của Bình Nhưỡng nhằm xây dựng nền tảng hợp pháp cho bà Kim Yo Jong.
Thành Đạt
Tổng hợp