1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Kim Jong-un có thể đã "gài bẫy" để ông Trump hủy họp

(Dân trí) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể đã nằm trong dự tính của Triều Tiên, báo Huffington Post của Mỹ nhận định.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: PA)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: PA)

Toan tính của Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5 bất ngờ thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến vào ngày 12/6 tại Singapore.

Tuy nhiên, Huffington Post dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, điều này không hề bất ngờ, thậm chí đã nằm trong dự tính của Triều Tiên.

"Ông Kim Jong-un đã giăng bẫy để ông Trump rút khỏi hội nghị thượng đỉnh, và ông Trump đã mắc bẫy", Vipin Narang, giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Viện Công nghệ Massachusett, bình luận. Chuyên gia này cho rằng, Triều Tiên có thể đã tìm cách để Mỹ hủy hội nghị, từ đó cô lập Mỹ với đồng minh châu Á và hoãn vô thời hạn các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân.

Stephen Schwartz, một cố vấn chính sách hạt nhân độc lập, nhận định nếu như triển vọng về hội nghị Mỹ-Triều giúp Bình Nhưỡng giảm căng thẳng và được nới lỏng trừng phạt, thì khi hội nghị đổ vỡ, Triều Tiên tiếp tục được hưởng lợi từ sự rạn nứt quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Á.

"Ông Kim muốn khoét sâu rạn nứt giữa Mỹ với Hàn Quốc, Mỹ với Nhật Bản, Mỹ với Trung Quốc, và ông ấy có lẽ đã có được điều đó", ông Schwartz nói.

Mặt khác, việc Mỹ hủy hội nghị thượng đỉnh vô tình giúp giảm sức ép lên Trung Quốc, một đồng minh gần gũi của Triều Tiên. Lâu nay, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân. "Chiến lược gây sức ép tối đa đã thất bại", chuyên gia Joshua Pollack tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury bình luận.

Van Jackson, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Victoria ở Wellington, cũng nhận định: "Tôi không hề ngạc nhiên khi mọi sự đổ vỡ. Cấu trúc tình thế và sự xung đột lợi ích cơ bản đã không hề thay đổi kể từ năm ngoái". Thực tế, năm 2017 đánh dấu những cuộc "khẩu chiến" gay gắt giữa ông Trump và ông Kim Jong-un trước khi họ bất ngờ đồng ý gặp nhau hồi tháng 3 năm nay.

Nhiều chuyên gia cũng e ngại về sự thiếu kinh nghiệm đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump. "Họ (chính quyền của Tổng thống Trump) rõ ràng không có những cá nhân đủ năng lực để giúp Mỹ có nhiều lợi thế hơn trước một cuộc gặp phức tạp như vậy".

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Hiện chưa rõ các cuộc đàm phán quốc tế với Triều Tiên sẽ ra sao sau quyết định của Tổng thống Trump, song giới chuyên gia lo ngại Mỹ có thể sẽ cảm thấy bị cô lập về ngoại giao và có rất ít lựa chọn để kiềm chế chương trình hạt nhân Triều Tiên thông qua trừng phạt và đối thoại.

Một số chuyên gia cho rằng, Triều Tiên có thể sẽ nối lại các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa. “Nếu Triều Tiên bắt đầu nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa, chúng ta sẽ quay lại giai đoạn 2017 và thậm chí tồi tệ hơn”, chuyên gia Narang lo ngại.

Chuyên gia Jackson cũng lo ngại căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể bùng phát trở lại và leo thang tới mức nguy hiểm. "Khi không còn hội nghị thượng đỉnh nào để hướng tới, những ý tưởng xung đột quân sự có thể trở lại. Thời kỳ nguy hiểm có thể đang ở phía trước", chuyên gia này cảnh báo.

Trong khi đó, Srinivasan Sitaraman, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Clark, tin rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hủy vào thời điểm này không hẳn là điều tồi tệ bởi hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt, không có sự tin tưởng lẫn nhau.

"Mỹ và Triều Tiên cần thêm thời gian để xem xét lại một cách toàn diện điều gì đã khiến hội nghị đổ vỡ. Không có sự tin tưởng lẫn nhau thì những bất đồng quan điểm và cách thức giải trừ hạt nhân sẽ càng nới rộng ra. Như vậy, thất bại là điều không thể tránh khỏi", chuyên gia Chang-Hoon Shin tại Viện nghiên cứu chiến lược Hàng hải Hàn Quốc nhận xét.

Minh Phương

Tổng hợp