1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Olof Palme - người khởi nguồn mối quan hệ “độc nhất vô nhị” Việt Nam-Thụy Điển

(Dân trí) - Không chỉ xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cũng là người kiên trì chủ trương hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước, giúp Việt nam xây dựng nhiều công trình quan trọng như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển, Nhà máy giấy Bãi Bằng…


(Từ trái sang phải) Đặc phái viên Pierre Schori, và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander và PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại hội thảo sáng ngày 2/6 (Ảnh: Mạnh Thắng)

(Từ trái sang phải) Đặc phái viên Pierre Schori, và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander và PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại hội thảo sáng ngày 2/6 (Ảnh: Mạnh Thắng)

Khi nói tới mối quan hệ hữu nghị lâu dài và bền chặt giữa Việt Nam và Thụy Điển, người dân hai nước không thể không nhớ tới cố Thủ tướng Olof Palme. Ông chính là người đặt nền móng và hết lòng xây dựng, vun đắp cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài mà Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander từng gọi là "độc nhất vô nhị".

“Cố Thủ tướng Olof Palme đã khơi nguồn cho mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam và điều này đã giúp đặt nền tảng vững chắc cho một mối quan hệ độc nhất và vô cùng đặc sắc giữa hai quốc gia”, ông Pierre Schori, Đặc phái viên cao cấp của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven, đã nói như vậy tại hội thảo “Di sản của Cố Thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển”, do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay 2/6.

Ông Schori, người từng là cố vấn về chính sách đối ngoại của cố Thủ tướng Palme, đã chia sẻ tại hội thảo những cảm nhận và đánh giá của ông trong thời kỳ ông làm việc cùng cố Thủ tướng.

“Cố Thủ tướng Palme đã dành cho Việt Nam những tình cảm hết sức tốt đẹp. Ông ấy đã từng xuống đường tham gia biểu tình phản đối mạnh mẽ cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam vào cuối những năm 1960. Và sau đó, Thụy Điển cũng là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam”, Đặc phái viên Schori, người đang có chuyến thăm Hà Nội nhân dịp tưởng niệm 30 năm ngày mất của cố Thủ tướng Palme, nhấn mạnh.

Xuống đường ủng hộ Việt Nam

Cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme
Cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme

Ông Olof Palme (1927-1986) đảm nhiệm cương vị thủ tướng của Thụy Điển 2 lần, từ 1969-1976 và từ 1982-1986. Ông bị ám sát ngày 28/2/1986 khi đang đương chức. Vụ ám sát Palme là vụ ám sát chính trị gia đầu tiên trong lịch sử Thụy Điển hiện đại và có tác động lớn lao khắp vùng Scandinavia.

Năm 1968, trên cương vị Bộ trưởng giáo dục, Olof Palme đã dẫn đầu cuộc rước đuốc tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam trên đường phố Stockholm. Sự kiện này chấn động dư luận và gây ra một tranh luận tại Thụy Điển và quốc tế. Bức ảnh Palme tham gia rước đuốc cùng Đại sứ Việt Nam đến từ Moscow đã được đăng trên hơn 300 bài báo tại Mỹ, thúc đẩy phong trào phản chiến tại Mỹ và quốc tế. Cuộc rước đuốc được xem như một biểu hiện của sự đoàn kết của Thụy Điển đối với Việt Nam. Trong tuyên bố sau đó, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết: “Palme không chống Mỹ mà chống cuộc chiến tranh. Thụy Điển không đứng về phía bên nào mà đứng về hòa bình”.

Khi cuộc chiến tại Việt Nam diễn biến ngày càng quyết liệt, trong phỏng vấn với tờ Le Monde năm 1972, ông Palme đã tiếp tục thể hiện mạnh mẽ quan điểm phản đối chiến tranh. Theo các nhà quan sát, lập trường của ông trong vấn đề Việt Nam thể hiện sự nhạy bén nắm bắt tình hình, tầm nhìn sâu rộng về chính trị đối nội và đối ngoại, phù hợp với chính sách trung lập tích cực, góp phần tạo nên sự đồng thuận quốc tế tiến tới ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình (Hiệp định Paris) năm 1973.

Năm 1974, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng thăm Thụy Điển theo lời mời của Thủ tướng Olof Palme. Đây là chuyến thăm thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Việt Nam tới một nước phương Tây. Thủ tướng Palme đã dành cho nhân dân Việt Nam và phái đoàn Việt Nam những lời lẽ chân tình và đằm thắm. Trong bài phát biểu chào mừng đoàn, Thủ tướng Palme đã trích dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua câu nói nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Ông nói thêm: “Toàn bộ lịch sử Việt Nam chỉ phản ánh một thiên anh hùng ca của một dân tộc từ chối không chịu khuất phục trước sự thống trị của kẻ khác”.

30 năm sau ngày mất của ông, người Việt Nam vẫn luôn nhớ tới ông như một biểu tưởng trường tồn của mối quan hệ Việt Nam-Thụy Điển, người khơi nguồn và xây dựng tình hữu nghị đặc biệt này.

Người bạn thủy chung


Đông đảo các vị khách trong nước và quốc tế đã tham dự hội tảo (Ảnh: Mạnh Thắng)

Đông đảo các vị khách trong nước và quốc tế đã tham dự hội tảo (Ảnh: Mạnh Thắng)

Hội thảo sáng nay thu hút sự tham dự của đông đảo các diễn giả Việt Nam và Thụy Điển như Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Borje Ljunggren, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh, nguyên Phó chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Chi Lan… Các đại biểu đã chia sẻ những góc nhìn về mối quan hệ Việt Nam-Thụy Điển sau chiến tranh, trong thời kỳ xây dựng đất nước và trước cũng như sau thời kỳ Đổi mới tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, cho biết đã được gặp Cố Thủ tướng Palme và có dịp trao đổi với ông nhiều lần.

“Thụy Điển là một trong những nước tôi có nhiều kỷ niệm và đây là nơi có phong trào đoàn kết nhân dân ủng hộ Việt Nam. Từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước đến những cụ già, thanh niên, phụ nữ, các em thiếu nhi đều dành cho Việt Nam những tình cảm hết sức tốt đẹp”.

“Đầu năm 1972, ông Palme, Chủ tịch của Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển, đã mời tôi từ cuộc đàm phán 4 bên về Việt Nam ở Paris sang Thụy Điển để phát biểu với Đại hội của đảng về tình hình chiến tranh Việt Nam. Tôi là đại biểu nước ngoài duy nhất tại đại hội. Sau đó, có một cuộc biểu tình của nhân dân phản đối Mỹ leo thang chiến tranh, Tôi cùng ông ấy, Đại sứ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một số bạn bè quốc tế đã tham gia cuộc biểu tình”, bà Bình chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bình còn ấn tượng về một vị lãnh đạo giản dị, gần dân của Thụy Điển. “Ông là người lãnh đạo có lẽ bình dân nhất mà tôi được biết. Có khi đi ra sân bay đi nước ngoài, người ta thấy ông không đi xe của chính phủ, mà đi bằng taxi…”, bà nói.


Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một trong những diễn giả tại hội thảo (Ảnh: Mạnh Thắng)

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một trong những diễn giả tại hội thảo (Ảnh: Mạnh Thắng)

Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 10/1/1969. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Palme, những sự trợ giúp của quý báu của Thụy Điển đã đến Việt Nam vào lúc khó khăn nhất. Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai cho VN trong thập niên 1970, lớn nhất trong thập niên 1980' và lớn thứ tư trong những năm 1990. Những sự hỗ trợ này liên tục diễn ra cho đến năm 2013, sau khi Việt Nam đã đạt ngưỡng thu nhập trung bình.

Còn Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhớ lại: “Những năm 1980, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án đổi mới công tác tổ chức của Bộ Ngoại giao. Trong khi loay hoay tìm kiếm kinh nghiệm tiên tiến của thế giới về điều hành, quản lý, trong đầu tôi bỗng lóe lên ý nghĩ về việc tới Nhà máy giấy Bãi Bằng của Thụy Điển để học hỏi. Quả nhiên ở đó tôi thu lượm được rất nhiều bài học quý báu, thiết thực, giúp ích cho công việc của mình.

“Cá nhân tôi không có vinh dự được gặp Thủ tướng Olof Palme mà chỉ có dịp nghiêng mình tưởng nhớ ông bên phiến đá đánh dấu nơi ông bị sát hại trên phố Sveasvagen ở thủ đô Stockholm khi đến thăm Thụy Điển. Vào khoảnh khắc ấy trong tôi đã trỗi dậy niềm tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn về tất cả những gì ông đã làm cho đất nước và nhân dân chúng tôi”, ông Vũ Khoan xúc động nói.

"Thụy Điển là người bạn thủy chung, đã ở bên cạnh Việt Nam trong những giờ phút khó khăn nhất và cung cấp sự giúp đỡ có hiệu quả, chân thành cho công cuộc cải cách ở Việt Nam", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định.

Một trong những lĩnh vực đạt hiệu quả cao xuyên suốt lịch sử quan hệ là lĩnh vực y tế. Nhiều công trình y tế lớn do Thụy Điển hỗ trợ giúp Việt Nam như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Thụy Điển Uông Bí, hỗ trợ xây dựng lại Bệnh viện Bạch Mai bị bom tàn phá vẫn đang được duy trì, kế thừa đến ngày hôm nay.

Trong suốt những năm qua, nhiều cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo… của Việt Nam đã được Thụy Điển tạo điều kiện sang học tập, nghiên cứu. Thụy Điển cũng cử các chuyên gia sang hợp tác trao đổi lý thuyết và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.

Trong những năm gần đây, Việt Nam và Thụy Điển đã chuyển sang một giải đoạn mới, hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng, bền vững, cùng có lợi và cùng nhau đóng góp vào hòa bình, phát triển và thịnh vựợng trên toàn thế giới. Những di sản của cố Thủ tướng Palme vẫn luôn tỏa sáng trong mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc.

"Thụy Điển sẽ luôn trân trọng, tiếp tục duy trì mối quan hệ bền chặt với Việt Nam trong thời gian tới", đặc phái viên Pierre Schori khẳng định.

An Bình