Ôi nhớ chiều ba mươi Tết…
(Dân trí) - ... Nhớ mãi khôn nguôi về một thời thơ bé đếm từng ngày chờ đến Tết, dù biết sẽ phải cóng tay vì vo gạo đãi đậu, còng lưng để lau từng cái lá dong sao cho thật khô thật sạch để mẹ gói bánh chưng...
Ôi nhớ chiều 30 Tết... (Ảnh: Hồng Quốc)
Không phải đào thắm, cũng chẳng phải mai vàng! Lại thêm một cái Tết xa xứ... “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà nội….Ôi nhớ chiều ba mươi Tết…”
Lại thêm một cái Tết xa nhà nữa. Số tôi ăn Tết tha hương hình như nhiều hơn là với gia đình. Có lẽ vì thế mà mỗi khi Tết đến lại cứ phải nhớ về xa xưa, về “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.
Chen giữa đào hoa tươi thắm.... (Ảnh: Duy Tuấn)
Nhớ mãi khôn nguôi về một thời thơ bé đếm từng ngày chờ đến Tết, dù biết sẽ phải cóng tay vì vo gạo đãi đậu, còng lưng để lau từng cái lá dong sao cho thật khô thật sạch để mẹ gói bánh chưng.
Có lẽ ngày xưa một phần do đời sống khó khăn, một phần do sự nghiêm cẩn của truyền thống mà đối với trẻ thơ Tết bao giờ cũng đặc biệt. Không phải vì Xuân sang, vì một năm mới đến, vì thêm một tuổi tức là được lớn thêm một chút mà vì chính cái được gọi là Tết.
Nhà cháu đã chuẩn bị xong mâm cỗ 30 Tết, kính mời các Cụ về ăn Tết với gia đình cháu ạ. (Ảnh: Yến Bạch)
Cũng khó tách bạch được nó là cái gì. Hình như nó là sự hòa quyện của những cành đào duyên dáng, của sự ấm cúng bên nồi luộc bánh chưng mà trẻ con xóm giềng mong ngóng. Là hương thơm bay từ trầm nhang trên bàn thờ mọi nhà tỏa ra trời đất, là những “sơn hào hải vị” chờ mong từ Tết năm ngoái, là tiếng pháo đì đùng đó đây từ chiều 29, 30 để rồi òa ra lúc giao thừa.
Là dáng nghiêm trang của những người lớn bên bàn thờ cúng giao thừa bày biện ngoài cửa cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, hết thiên tai giặc dã.
Và với một thế hệ những đứa trẻ lớn lên ở Hà Nội những năm tháng xưa, Tết là chiều ba mươi sau bữa cơm tất niên được “tháo khoán” chạy ra Bờ Hồ hòa vào dòng người đón Xuân, cùng háo hức chờ tiếng pháo Giao thừa...
Rồi chợt thấy tất cả im ắng lại, trang nghiêm, tất cả đều dừng bước chờ mấy chiếc loa treo trên mấy cây xanh “cổ thủ” quanh Bờ Hồ đồng thời vang lên giọng nói thân thương: “Đồng bào và chiến sĩ cả nước yêu quí….”
Khoảnh khắc lắng đọng khi ai cũng lặng đi để nghe những lời chúc Tết đầu năm của Bác làm cho giây phút năm mới đến thật linh thiêng.
Không phải đào thắm, cũng chẳng phải mai vàng! Lại thêm một cái Tết xa xứ. (Ảnh: Thanh Thu)
Tết xa xứ bây giờ chả thiếu thứ gì. Các siêu thị Trung Quốc, Việt bán đủ cả lá dong, nếp cái hoa vàng, giò chả, bánh chưng, bánh tét gói sẵn....Mâm cơm cúng 30 Tết thấy nhiều nhà cũng có đủ cả nào măng, miến, nào bóng, mọc…
Tôi cũng làm một mâm như thế để thắp hương, để con mình không quên người Việt mình còn có một năm mới riêng … Nhưng mà hình như vẫn không phải là Tết!!!
(Tết Bính Thân 2016)
Tran Thanh Thu (từ Brussels, Bỉ)
Năm nay mình bị ốm nên chẳng tự tay chuẩn bị được mâm cỗ cúng giao thừa cho tươm tất như mọi năm, rất mong các cụ thông cảm, đại xá cho người con xa quê hương này. Chỉ kịp mua ít hoa quả, bánh chưng và đĩa xôi gấc bày biện ra.
Con trai út khấn vái thay cha mẹ. (Ảnh: Lan Dang)
Rồi lần đầu tiên trong đời, cậu út chưa tròn 17 tuổi nhà mình đứng ra đảm nhiệm vai trò khấn vái tổ tiên thay bố mẹ, mời ông bà về ăn Tết với gia đình nhỏ. Mỗi tội là Q. Tr. (do sinh ra ở Đức, bố mẹ mải công việc quá nên chỉ dạy cho con được ít tiếng Việt, con nghe hiểu là chính chứ nói thì hạn chế lắm) khấn bằng tiếng Đức, cầu mong các cụ và ông bà nội ngoại hiểu cho tấm lòng của thế hệ cháu con...
Lan Dang (từ Berlin, Đức)
Ngày thường đã luôn nhung nhớ quê hương, Tết đến trong lòng mọi người con đất Việt từ phương trời xa càng thôi thúc mong muốn được trở về thắp nén nhang thơm ngay chính tại quê nhà yêu dấu.
Anh H.H.(thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ bạn bè tại Hà Nội ngày giáp Tết Bính Thân.
Niềm vui được sum họp bên những người thân của anh H.H (phải).
Xa nhà đã mấy mươi niên, Xuân Bính Thân này anh H.H. mới thu xếp được công việc để rời Nurnberg (Đức). trở về hưởng hương vị Tết Việt đúng chất Việt Nam. Tâm sự với bạn bè, anh chia sẻ: Sau 27 năm xa quê tuy vẫn có về dịp về nước, nhưng đây là lần đầu tiên mới thu xếp được để trở vể đón Tết sớm ngay tại quê hương Cao Bằng.
...Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm/Nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng... Lung linh Hồ Gươm phút giây chờ đón Giao thừa trong nồng nàn tình yêu và hạnh phúc...(Ảnh: Quỳnh Hùng)
Sau đó quay lại thủ đô Hà Nội, nơi anh đã gắn bó bao năm với trường Y... Để rồi giao thừa này lại được đắm mình trong bầu không khí đón Giao thừa náo nức quanh Hồ Gươm, được lặng người giữa một không gian yên bình, trong trẻo, thư thái... sáng mùng Một Tết - một "đặc sản" của Thủ đô thời ô tô, xe máy...
Hà Nội sáng mùng Một Tết Bính Thân 2016. (Ảnh: Nghị Phạm Hữu)
Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ
Xuân Bính Thân đã đến, hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam tại quê nhà, người Việt khắp 5 châu cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Báo Dân Trí mong được đón nhận mọi chia sẻ về không khí đón Tết của người Việt ở nơi xa xứ. Mọi thông tin xin gửi về dantri@dantri.com.vn hoặc thegioi@dantri.com.vn, tiêu đề ghi rõ "Tết Việt xa xứ". Trân trọng cảm ơn!