1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Odessa dậy sóng, Poroshenko điều hàng ngàn quân hỗ trợ Saakashvili

Ngày 27-4, Thống đốc Odessa Saakashvili cho biết, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ tăng cường cho Odessa hàng ngàn nhân viên công lực để lập lại trật tự.

Odessa dậy sóng, Poroshenko điều hàng ngàn quân hỗ trợ Saakashvili - 1

Tình hình Odessa-Ukraine lại bùng phát căng thẳng

Ngày 27-4, người đứng đầu tỉnh Odessa của Ukraine - cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili tuyên bố, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã chỉ thị đưa tới Odessa hàng ngàn cảnh sát và Vệ binh quốc gia "để bảo vệ trật tự xã hội".

Bất ổn ở Odessa đã bắt đầu từ ngày 13-4, khi những người biểu tình đã tiến hành mit tinh vô thời hạn chống chính quyền thành phố, bên cạnh tòa thị chính Odessa.

Vào đêm 25-4, những kẻ lạ mặt đã sử dụng hung khí để tấn công những người biểu tình, khiến đụng độ có nguy cơ bùng phát ở khu vực này, gợi nhớ đến thảm kịch các phần tử cực đoan đã đốt chết hơn 40 người biểu tình thân Nga ở Tòa nhà Công đoàn Odessa hồi tháng 5-2014.

Ngày 26-4, người biểu tình chống chính quyền Odessa đã phong tỏa tòa thị chính sau cuộc tấn công đêm 25-4. Các nhà hoạt động đã chặn tất cả các cửa ra vào bằng lốp xe hơi, thùng rác và hàng rào sắt. Họ cũng treo dây xích và ổ khóa trên cổng dẫn đến lối vào tòa nhà.

Ngày 26-4, bình luận về diễn biến tình hình mới nhất của cuộc biểu tình và nguy cơ bạo loạn của Odessa, thống đốc Saakashvili đã tuyên bố rằng Ukraine hiện đã xuất hiện tất cả các dấu hiệu đặc trưng của sự “tan rã nhà nước”.

Ông Mikhail Saakashvili đã đăng một đoạn video gửi Tổng thống Petro Poroshenko trên trang Facebook cá nhân của mình, mô tả cuộc va chạm giữa những người phản đối và những người ủng hộ chính quyền thành phố trước tòa thị chính thành phố.

Odessa thường xuyên nổ ra các cuộc biểu tình của lực lượng thân Nga
Odessa thường xuyên nổ ra các cuộc biểu tình của lực lượng thân Nga

Vị Thống đốc “ngoại nhập” của vùng Odessa cũng đã đề nghị Tổng thống Poroshenko giúp “khôi phục lại trật tự” ở khu vực này, bằng cách đưa thêm các đơn vị cảnh sát và Vệ binh Quốc gia đến tăng cường lực lượng cho Odessa, sau khi những bất ổn liên tiếp gia tăng trong hai tuần gần đây.

Được biết, các cuộc biểu tình chống chính quyền Odessa diễn ra trong bối cảnh vị Thống đốc người Gruzia đã ra lệnh đẩy mạnh hành động để xóa bỏ các biểu tượng Cộng sản trên lãnh thổ khu vực Odesa, ví dụ như phá hủy tượng đài lãnh tụ Cộng sản Nga và thế giới Vladimir Lenin.

Ngày 23-4, ông này còn khoe trên trang cá nhân trong mạng Facebook rằng “hôm qua, đã phá xong tượng Lenin ở quận Razdelnyansky”, kèm theo cả băng ghi hình video về vụ phá hủy tượng đài Lenin đúng vào ngày sinh nhật của Nhà lãnh tụ cộng sản thế giới (22/4/1870).

Odessa có vị trí chiến lược quan trọng với cả Nga lẫn Ukraine

Thành phố cảng Odessa thuộc vùng Odessa (Odessa Oblast), được Nữ hoàng Nga Yekaterina II thành lập vào năm 1794. Đây là một hải cảng quan trọng về thương mại hàng hải dưới thời Đế quốc Nga và đã từng chứng kiến nhiều trận chiến quan trọng trong Thế chiến thứ 2.

Ngoài vị trí chiến lược là có những thương cảng và quân cảng lớn của vùng Biển Đen mà Mỹ đang nhóm ngó, Odessa còn có biên giới rất dài với vùng lãnh thổ ly khai Transnistria (hay còn gọi là Transdniestria hoặc Trans-Dniestr hay Pridnestrovie) của Moldova.

Hầu hết người dân chúng nơi đây có quốc tịch Moldova, song cũng có nhiều người có quốc tịch Nga và Ukraine. Ở đây, còn có lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đồn trú từ năm 1992 với hơn 1400 binh lính và nhiều trang bị hạng nặng.

Vị trí chiến lược của Odessa trong mối liên hệ với Transnistria
Vị trí chiến lược của Odessa trong mối liên hệ với Transnistria

Do Nga có sự hiện diện quân sự tại nước cộng hòa nằm bên sườn phía tây Ukraine này nên Tòa án Nhân quyền châu Âu xem Transnistria "nằm dưới quyền lực trên thực tế hoặc ít nhất là chịu ảnh hưởng mang tính quyết định từ Moscow".

Ngay sau cuộc đảo chính ở Ukraine, lật đổ chính quyền hợp Hiến của ông Yanukovych, tình hình Pridnestrovia có những diễn biến rất phức tạp khiến Moldova rất lo ngại và Ukraine cũng thấp thỏm không yên.

Ngày 18-3-2014, đúng vào ngày Moscow ký quyết định sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, Transnistria cũng đưa ra đề nghị sáp nhập. Vào tháng 5-2014, một thỉnh nguyện thư, có khoảng 30.000 chữ ký của người dân nước này cũng đã được gửi kèm đề nghị được sáp nhập vào Liên bang Nga.

Sự hiện diện của lực lượng quân sự Nga ở đây không chỉ khiến Moldova lo lắng mà cả Ukraine cũng không yên. Với đường biên giới rất dài với vùng Odessa, chính quyền Kiev sợ rằng 1 kịch bản Crimea hay Donbass thứ 2 sẽ lặp lại với vùng đất có tiếng là thân Nga này.

Mặc dù 60% cư dân thành phố là người Ukraine, người Nga chỉ chiếm hơn 20% nhưng đại đa số dân chúng lại nói tiếng Nga, nên lực lượng ủng hộ Moscow rất đông, trong đó có rất nhiều người dân Ukraine.

Đây là điều khiến cho Ukraine lo lắng nhất nên ngay sau khi lật đổ ông Yanukovych, chính quyền Kiev đã dung túng cho các phần tử cực hữu Pvavyi Sector đổ về đây nhằm trấn áp những người có tư tưởng thân Nga, dẫn đến vụ thảm sát ở Tòa nhà Công đoàn Odessa tháng 5-2014.

Một nửa Odessa vẫn hướng về Nga

Thời gian đầu của cuộc nội chiến Ukraine, đã có những tin đồn về việc quân ly khai muốn thôn tính cả dải đất ven Biển Đen ở phía nam Ukraine, chạy từ đông sang tây, kéo dài từ Mariupol đến Crimea, qua Kherson, Mykolaiv để tới Odessa và bành trướng tới tận khu vực ly khai Transnistria.

Hồi tháng 4-2014, đại diện thân Nga của thành phố này cũng đã tham dự vào lễ thành lập Liên bang Đông Nam Ukraine (Novorossiya), cùng với các đại diện của người biểu tình đòi liên bang hóa tại Lugansk, Dnepropetrovsk, Donetsk, Kharkov, Odessa và Zaporozhye.

Sau đó, những người biểu tình thân Nga ở khu vực Odessa cũng đã từng tuyên bố thành lập "Nước Cộng hòa nhân dân Odessa", nhưng kế hoạch này sau đó đã bị chính quyền Kiev phối hợp với các phần tử cực đoan Pravyi Sector dập tắt.

Phong trào thân Nga ở Odessa sau đó tuy đã tạm lắng xuống do sự đàn áp của tổ chức dân tộc cực đoan Pravyi Sector nhưng tỷ lệ người ủng hộ Nga vẫn còn rất cao, vùng đất này luôn tiềm ẩn nguy cơ ly khai.

Một cuộc biểu tình của lực lượng ủng hộ Nga ở Odessa
Một cuộc biểu tình của lực lượng ủng hộ Nga ở Odessa

Hiện nay, những người phản đối sự lãnh đạo của chính quyền Ukraine thân phương Tây vẫn tụ tập đều đặn mỗi tuần ở công viên trung tâm Odessa, gần tòa nhà công đoàn - nơi các phần tử cực hữu Pravyi Sector đã gây ra vụ thảm sát Odessa, vào ngày 2-5-2014.

Lực lượng ủng hộ Moscow thường xuyên tổ chức các buổi tụ tập tưởng nhớ 45 nạn nhân, chủ yếu là các nhà hoạt động thân Nga bị đốt chết và gần 200 người bị thương ở vụ cháy tòa nhà Công đoàn, đồng thời rải tờ rơi và những bài thơ kể tội chính quyền.

Họ hét vang khẩu hiệu: “Chúng tôi không phải châu Âu, chúng tôi là Novorossiya!", có người còn hô lớn là "Tôi yêu nước Nga!", thậm chí còn tranh cãi với các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), khi các nhân viên này giám sát buổi tụ tập.

Svitlana Nabokova, lãnh đạo nhóm “Tiếng nói Odessa” thường lãnh đạo các cuộc tuần hành, tụ tập nói rằng, nhiều người ủng hộ Nga trong thành phố giờ không dám hoạt động công khai vì nhà chức trách thường xuyên trấn áp, những người biểu tình còn bị dọa giết và ngược đãi.

Một nhà hoạt động thân Nga cho biết, tỷ lệ ủng hộ của người dân nơi đây đối với Nga và Ukraine hiện là 50-50, trong đó có bộ phận không nhỏ người Ukraine (người gốc Nga chỉ chiếm 20), chứng tỏ chính quyền Kiev không được lòng cả người dân nước mình.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, phong trào chống chính quyền lại bùng phát dữ dội, sau khi tình hình nội chiến ở Donbass đang tạm lắng xuống. Đây có phải là phong trào tự phát hay có sự điều khiển của ai đó? Kỳ sau chúng ta sẽ xem xét...

Theo Thiên Nam

Đất Việt