1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Obama "nắn gân" Thủ tướng Israel về chương trình hạt nhân Iran

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/3 đã "nắn gân" Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay trước khi lãnh đạo quốc gia đồng minh Trung Đông này có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái, phía sau). (Ảnh:

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái, phía sau). (Ảnh: USA Today)

Trong tuyên bố ngày 2/3, ông Obama tuyên bố cho phép Iran chỉ phải ngừng hoạt động hạt nhân trong một thập kỷ, thay vì ngừng vĩnh viễn như trước đây.

Trong buổi trả lời phỏng vấn ngày 2/3, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng Iran sẽ phải ngừng toàn bộ các hoạt động hạt nhân ít nhất một thập niên.

"Iran cần phải cam kết đóng băng có kiểm chứng các hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình ít nhất 10 năm", ông Obama nói.

Đây là sự thay đổi lớn trong quan điểm của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân Iran vì trước đây Washington dứt khoát yêu cầu Tehran phải ngừng hẳn hoặc ít nhất là phải ngừng 20 năm các hoạt động hạt nhân.

"Mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong đàm phán với Iran là ngăn chặn quốc gia Hồi giáo này chế tạo bom hạt nhân. Một khi Iran cam kết ngừng các hoạt động hạt nhân trong 10 năm, Mỹ sẽ có những cách thức để kiểm chứng cam kết này", nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm.

Ông Obama đưa ra những phát biểu trên ngay trước khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chuẩn bị có bài phát biểu gây chú ý trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhằm vận động các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran và ngăn chặn Tehran đi tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ).

Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ dùng quyền đặc biệt của người đứng đầu cơ quan hành pháp để phủ quyết mọi biện pháp trừng phạt bổ sung mà Quốc hội Mỹ thông qua.

"Một cách thành thực thì tôi ít quan ngại về những phát biểu của Thủ tướng Netanyahu hơn là những hành động tiếp theo của Quốc hội (Mỹ) trong việc có những hành động làm ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán (hạt nhân Iran) trước khi chúng kết thúc... Và tôi sẽ dùng quyền phủ quyết của người đứng đầu cơ quan hành pháp nếu cần thiết", Tổng thống Obama khẳng định.

Trước đó, Mỹ đã có nhượng bộ nhất định với Iran khi cho phép nước này được giữ lại 6.500 thanh nhiên liệu hạt nhân (thay vì chỉ là 4.500 thanh) sau khi đã được tái chế để Tehran không thể có đủ urani chế tạo bom hạt nhân. Đây là nhượng bộ lớn đầu tiên của Mỹ nhằm phá vỡ tình thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân Iran với hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận khung vào tháng Ba và thỏa thuận toàn diện chi tiết vào trước thời hạn chót là ngày 30/6 tới.

Để đẩy nhanh tốc độ đàm phán và mở rộng cơ hội đạt được thỏa thuận trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Geneva (Thụy Sỹ) ngày 1/3 để tiến hành cuộc gặp riêng rẽ thứ 8 với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Phát biểu tại Geneva, ông Kerry cảnh báo Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, không nên gây khó dễ cho các cuộc đàm phán của Mỹ với Iran.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Israel đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi hồ sơ hạt nhân Iran lại đang có nhiều triển vọng tích cực với những hành động đầy thiện chí từ cả Washington và Tehran.

Vũ Anh
Tổng hợp