1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nước Nga vẫn muốn Putin

(Dân trí) - Kết quả thăm dò dư luận do hãng VTSIOM tiến hành hồi tuần này cho thấy 69% người Nga đồng ý sửa đổi Hiến pháp để cho phép Tổng thống Putin có thể cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba.

Nỗ lực vận động để Putin tiếp tục tại vị không phải là điều mới mẻ. Tổng thống Putin mới có 54 tuổi, vẫn đang rất sung sức và có uy tín cao. Nhiều người còn cho rằng sự ra đi của ông sẽ ảnh hưởng xấu tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị.

Chiến dịch vận động được đẩy thêm một bước trong tháng 4/2007, khi Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện) Sergei Mironov - một người ủng hộ Putin và là đồng minh của Sechin - cho rằng đây chính là thời điểm cần phải sửa đổi Hiến pháp. Ông Mironov đã gợi ý cho các khu vực đưa ra đề xuất này. Giám đốc Viện nghiên cứu Panorama Vladimir Pribylovsky cho rằng Mironov đang thay mặt Sechin phát đi tín hiệu thăm dò khả năng sửa đổi Hiến pháp. Theo Pribylovsky, bất cứ hành động nào của Mironov cũng đều được tham khảo ý kiến từ một số nhân vật ở điện Kremlin.

Tuy nhiên, điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ khả năng về nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Đây không phải là lần đầu tiên Điện Kremlin khẳng định lập trường này. Phản ứng về tuyên bố của Mironov, phó phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tổng thống Putin chắc chắn sẽ rời nhiệm sở vào năm tới". Theo giới phân tích, để đối phó với việc Putin ra đi, điện Kremlin đã chuẩn bị "Phương án A" gợi ý cho cử tri để họ bầu chọn một trong những cộng sự trung thành của ông này.

 

Bản thân Tổng thống Putin cũng nhiều lần công khai nói rằng ông sẽ không sửa đổi Hiến pháp để mở đường cho nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Tuy nhiên, nếu Nga lâm vào khủng hoảng, có thể là một vụ tranh cãi ngoại giao với Mỹ hoặc xung đột với nước láng giềng Grudia, thì việc Tổng thống Putin ở lại cương vị có thể được giải thích là "hành động hy sinh vì lợi ích quốc gia" trong con mắt người dân. Nhà phân tích độc lập Oreshkin cho rằng nếu không có nguy cơ khủng hoảng, thì hành động này cũng dễ dàng được thúc đẩy. Ông nói:  "Đây là một thủ thuật phổ biến ở Nga. Người ta sẽ không thay ngựa giữa dòng và vì thế anh cần phải lái đất nước đi theo trào lưu chính".

 

Theo nhận định của giới phân tích, những nhân vật đầy quyền lực là "tai mắt" thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tăng cường chiến dịch vận động để thuyết phục ông này thay đổi ý định, ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử năm 2008. Đây chính là những nhân vật sẽ bị mất rất nhiều nếu ông Putin mãn nhiệm.

 

Chiến dịch vận động do một liên minh lỏng lẻo gồm các quan chức mà phần lớn xuất thân từ lực lượng an ninh tập hợp xung quanh phó Chánh văn phòng điện Kremlin Igor Sechin. Họ đã xây dựng một thế lực mạnh dưới sự bảo trợ của ông Putin. Dmitry Oreskhin, nhà phân tích chính trị độc lập, cho rằng rất nhiều người cần ông Putin tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Đối với nhóm Sechin, tiềm lực và địa vị chính trị của họ hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào Tổng thống Putin. Vì vậy, việc duy trì nguyên hiện trạng rõ ràng mang lại lợi ích cho nhóm này. Tuy nhiên, Hiến pháp Nga quy định tổng thống không thể cầm quyền quá hai nhiệm kỳ. Ông Putin sẽ phải ra đi vào năm 2008 khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc.      

 

Trong khi đó, nhóm Sechin lại có chủ kiến riêng và tìm cách tác động tới Tổng thống Putin. Ông Sechin đã từng làm việc cùng với Putin trong chính quyền thành phố St. Petersburg từ năm 1990, đã theo ông Putin lên Mátxcơva và được giới truyền thông miêu tả là "một nhân vật đầy quyền lực sau ngai vàng". Ông Sechin cũng là Chủ tịch hãng dầu lửa nhà nước Rosneft.

 

Nhóm Sechin có con bài riêng để thuyết phục Putin ở lại. Một số nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Sechin ở Điện Cremli đã suy giảm sau thất bại vào năm 2006 trước Sergei Ivanov, Phó Thủ tướng thứ nhất và là một trong hai gương mặt sáng giá kế nhiệm Putin. Tuy nhiên, khả năng Ivanov trở thành tổng thống sẽ tạo thêm cớ để Sechin thuyết phục Putin nên ở lại.

 

Việc sửa đổi Hiến pháp cho phép tổng thống có thêm nhiệm kỳ thứ ba phải nhận được sự đồng ý của 2/3 các cơ quan lập pháp khu vực, 2/3 nghị sỹ Đuma Quốc gia (tức Hạ viện) và 3/4 số thành viên Hội đồng Liên bang. Những người trung thành với điện Kremlin có thể nắm chắc cả ba cấp độ quyền lực này. Vì vậy, nếu Tổng thống Putin đổi ý, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp có thể sẽ không mang lại ngay lợi ích cho tổng thống đương nhiệm mà là cho những người người kế nhiệm sau này. Người ta sẽ phải tìm cách nào đó để áp dụng ngay cho trường hợp Putin. Hoặc Tổng thống Putin sẽ cần tới những biện pháp khẩn cấp để kéo dài nhiệm kỳ hiện nay, hoặc tổng thống mới được bầu nhưng ngay sau đó lại từ chức.

 

Nhà phân tích Pribylovsky cho rằng dù Tổng thống Putin ở lại hay ra đi, thì câu chuyện về nhiệm kỳ thứ ba chắc chắn không gây hại gì cho bản thân ông. Theo Pribylovsky, "Kremlin sẽ tiếp tục cuộc thảo luận này cho tới phút cuối cùng để mọi người cùng chờ đợi. Ông Putin không muốn sớm trở thành một tổng thống bị thất thế".

KV

Theo Reuters