1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bình luận cuối tuần:

Nước mã hồi nào cho Mỹ?

(Dân trí) - Những năm gần đây, ngân sách quốc phòng Mỹ liên tục gia tăng ở mức kỷ lục. Điều này vừa cho thấy tham vọng của Washington trong việc muốn duy trì vị thế siêu cường, vừa chứng tỏ sự lo ngại sẽ mất quyền kiểm soát trong thế giới ngày một bất ổn như hiện nay.

Việc Mỹ tăng quân tại Iraq, Afghanistan và đưa một lực lượng hải quân lớn áp sát Iran cũng cho thấy những bận tâm lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống Mỹ George W. Bush. Nó cũng bộc lộ một thực tế sâu xa hơn mà người Mỹ hẳn không muốn tiết lộ đó là sự giới hạn của quân đội Mỹ.

Phương thức đơn giản nhất để kiểm tra điều này là thông qua dự chi ngân sách quốc phòng năm nay của Mỹ. Các chi tiết được công khai trong ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc trong tài khóa năm 2008 (bắt đầu từ tháng 10/2007) cho thấy có một số thay đổi quan trọng về cả mặt lượng và chất. Nó củng cố quyết tâm của chính quyền Bush rằng cuộc chiến chống khủng bố vẫn là tâm điểm trong chiến lược an ninh của Mỹ và rằng cần phải tăng chi phí quốc phòng và có nhiều cải tiến lớn về cả mặt chiến thuật lẫn trang thiết bị.

 

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

 

Vào giữa những năm 1990, Giám đốc CIA thời bấy giờ là James Woolsey đã bình luận rằng Mỹ đã hạ được con rồng Liên Xô nhưng giờ đây lại sống trong một khu rừng đầy rắn độc. Kể từ vụ 11/9 và tiếp đó là những cuộc chiến kéo dài tại Iraq và Afghanistan, việc chế ngự khu rừng này đã trở thành trọng tâm chính của quân đội Mỹ. Hiện cả khả năng giành chiến thắng của Mỹ trong cuộc chiến này và khả năng nền kinh tế Mỹ có duy trì được nỗ lực này hay không đều đang bị đặt vấn đề, tuy nhiên có một vấn đề không ai nghi ngờ đó là cam kết tiếp tục theo đuổi chính sách này của lãnh đạo Mỹ.

 

Gánh nặng quá lớn

 

Kế hoạch gia tăng ngân sách quốc phòng sắp tới là một ngoại lệ hiếm có. Ngân sách chính dành cho quốc phòng năm 2008 dự kiến sẽ là 481,4 tỷ USD, so với 441,4 tỷ USD năm 2006, tuy nhiên, những yêu cầu thêm để đáp ứng nhu cầu của các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan đã nâng con số này lên mức kỷ lục. Nếu trong năm 2007, toàn bộ ngân sách quốc phòng Mỹ là 557,3 tỷ USD thì trong năm 2008, con số này đã lên tới 645,6 tỷ USD. Nói cách khác, nếu tính ở mức khiêm tốn nhất thì chi phí quốc phòng hiện nay của Mỹ đang cao hơn chi phí quốc phòng của tất cả các nước trên thế giới cộng lại.

 

Năm 2008, các cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq có thể sẽ ngốn mất của nước này khoảng 141 tỷ USD (trên 386 triệu USD ngày). Việc đáp ứng chi phí này sẽ đòi hỏi những khoản chi ngắn hạn theo đó có thể sẽ tổn hại tới các dự án công nghệ cao mà Washinhton đang ấp ủ trong thập kỷ tới.

 

Hầu hết sự căng thẳng trong hệ thống quân sự Mỹ đều rơi vào lực lượng lục quân và lính thuỷ đánh bộ. Sự căng thẳng này diễn ra theo hai cách; thứ nhất đó là việc các thiết bị quân sự bị sử dụng với tần xuất quá cao đi đôi với yếu tố thời tiết đã khiến chúng bị này bị hư hỏng rất nhanh. Đây có thể là một tin tức tốt lành đối với những nhà sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự ở dạng này nhưng lại là tin xấu đối với các công ty đang tìm kiếm những khoản đầu tư lớn vào các hệ thống vũ khí mới như máy bay đa chức năng F-35...

 

Thứ hai là tổn thất về nhân mạng trong chiến tranh. Kể từ tháng 10/2001, Mỹ đã có trên 3.000 binh sĩ bị thiệt mạng trong chiến đấu trong khi con số bị thương là vào khoảng 23.000 người (ít nhất có 10.000 bị thương nặng). Trong những ngày này, tất cả các chính khách, từ Tổng thống Mỹ Bush và Thủ tướng Iraq Ibrahim al-Jaafari đến các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đều đến bệnh viện Walter Reed để thăm các binh sĩ Mỹ bị thương. Dịp Giáng sinh năm ngoái, trung tâm này nhận tới 500.000 bưu thiếp và quà tặng gửi cho những binh sĩ Mỹ bị thương.

 

Theo nghiên cứu của Linda Bilmes, giáo sư trường Đại học Havard, nhà kinh tế Mỹ thời chính quyền Bill Clinton, và một số nhà nghiên cứu khác trong đó có Joseph Stiglitz - người được giải thưởng Nobel về kinh tế hiện đang làm việc tại trường Đại học Colombia, số binh sĩ Mỹ bị thương tại Iraq và Afghanistan cao hơn nhiều so với con số do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố và chỉ riêng chi phí để chữa trị và chăm sóc cho những người này ước tính sẽ "ngốn" của người đóng thuế Mỹ khoảng 536 tỷ USD trong tương lai.

 

Cho đến nay, đã có hơn 200.000 cựu chiến binh Mỹ từ cuộc chiến tranh Iraq, hoặc Ápganixtan trở về đang phải điều trị tại các trung tâm điều trị cho các cựu chiến binh trở về sau chiến đấu, trong đó có 20% do bị chấn thương sọ não, cột sống, và cụt chân tay; 20% bị mù, điếc, bỏng hoặc những vết thương nghiêm trọng khác. Những trường hợp bị thương như vậy sẽ bị ảnh hưởng lâu dài về tâm lý và bệnh tật...

 

Tất cả các yếu tố này làm tăng thêm những khoản phí khổng lồ trong việc chăm sóc sức khoẻ và trả lương hưu trong suốt một thời gian dài sau đó, đặt ra gánh nặng rất lớn cho hệ thống an sinh của Mỹ. Vụ xì-căng-đan mới đây về tình trạng vệ sinh và chăm sóc sức khoẻ cho binh sĩ bị thương tại bệnh viện Walter Reed chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng loạt các vấn đề mà chiến tranh đang gây ra cho nước Mỹ.

 

Không có nước "mã hồi"

 

Bất chấp những gánh nặng kể trên, chính quyền Bush và Lầu Năm Góc vẫn quyết tâm thúc đẩy việc đưa ra các yêu cầu cung cấp tài chính cho các cuộc chiến tranh tại Quốc hội với nhận thức rằng bất cứ sự phản đối nào của phe Dân chủ cũng dễ dàng bị coi là không yêu nước trong thời điểm đất nước đang có chiến tranh. Trong lúc tranh cãi về ngân sách quốc phòng vẫn đang diễn ra trong tháng 2/2007, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã khẳng định rằng việc gia tăng ngân sách quốc phòng là cần thiết: bởi không chỉ có Iraq và Afghanistan, mà Iran và Bắc Triều Tiên lúc này cũng là một phần của "khu rừng".

 

Trong một phiên điều trần trước Quốc hội sau đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Tướng Peter Pace, đã ủng hộ quan điểm trên khi nói: "Các quý vị thử tính các điểm bất ổn trên toàn cầu, bắt đầu từ Pakistan, Afghanistan, Iran, Iraq, Syria, Lebanon, Yemen, Somalia, Sudan, Colombia, Venezuela, Philippines, Indonesia, Malaysia, CHDCND Triều Tiên và quay trở lại khu vực xung quanh Pakistan, tôi chắc thế nào quý vị cũng quên một vài điểm".

 

Bình luận của ông Paces ẩn chứa một cảm giác không chắc chắn và thiếu an ninh, khác xa với giấc mơ bảo thủ mới về một thế kỷ mới của nước Mỹ.

 

Câu trả lời cho tình trạng khó xử của giới lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ đang phải trải qua không chỉ là vấn đề về các chính sách đã dẫn họ đến bế tắc hiện nay, mà còn là việc phải tăng gấp đôi các nỗ lực để duy trì được quyền thống trị. Trong bối cảnh khi các điểm nóng trên thế giới ngày một gia tăng, để duy trì được thế độc tôn trên thế giới, xu thế tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng tại Mỹ sẽ là điều không thể tránh khỏi, và gánh nặng từ các cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục là một vấn đề nan giải không chỉ cho chính quyền hiện nay của Mỹ mà còn cho cả thế hệ tương lai của quốc gia này.

 

Mỹ có vẻ đang sa lầy trong cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, chưa biết chừng, những cuộc chiến liên miên nhằm duy trì thế độc tôn hiện nay sẽ đưa nước Mỹ từ vị thế "siêu cường" xuống một quốc gia "thường thường bậc trung" như Anh hiện nay. 

                                                                                                Kiến Văn