1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nước Đức lại “nóng” vì người di cư

Nước Đức đã không được hưởng không khí năm mới một cách trọn vẹn sau khi vụ tấn công và quấy rối phụ nữ gây chấn động nước này vào đêm Giao thừa 2016 ở thành phố Cologne.

Hơn 1.000 người đàn ông, trong đó có nhiều người nước ngoài đã tham gia vào một loạt vụ tấn công, trộm cướp và quấy rối tình dục phụ nữ tại nhà ga trung tâm thành phố ngay trong đêm Giao thừa.

Ngày 8-1, Bộ Nội vụ Đức cho biết, trong số những nghi phạm liên quan đến vụ tấn công trên có khoảng 20 người là người nhập cư đang xin tị nạn tại Đức. Quy mô vụ việc lớn chưa từng có và sự táo tợn của nó đã làm người dân Đức bị "sốc" trong bối cảnh những tranh cãi về vấn đề người di cư vẫn đang âm ỉ.

Nước Đức lại “nóng” vì người di cư - 1

Phụ nữ biểu tình tại Cologne (Đức) sau vụ tấn công đêm Giao thừa.

Thực tế là cách Berlin đi tiên phong trong việc xử lý khủng hoảng nhập cư cho thấy nước Đức đang dần trở thành lãnh đạo gần như tuyệt đối của Châu Âu, không chỉ về kinh tế mà còn cả chính trị. Trong năm 2015, Đức đã bước đầu thành công trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này khi tiếp nhận tới hơn 1 triệu người nhập cư, chiếm 2/3 tổng số người vào Châu Âu, mà vẫn giữ được ổn định tình hình chính trị - xã hội.

Mặc dù vậy, những kết quả mà Đức đạt được mới chỉ là tạm thời và khó khăn vẫn đang ở phía trước. Ngay trong những ngày đầu năm mới, tất cả các nước Scandinavia đều đồng loạt tuyên bố các biện pháp kiểm soát biên giới ngăn dòng người di cư. Từ ngày 4-1, Phần Lan đã kiểm tra thị thực trên những chuyến phà đến từ Đức. Cùng ngày, Thụy Điển tiến hành kiểm soát biên giới với Đan Mạch còn Đan Mạch cũng kiểm soát biên giới với Đức.

Hiệu ứng "domino" này một lần nữa đặt khu vực Shengen trước nguy cơ đổ vỡ và tạo thêm thách thức cho Đức. Một khi các nước Scandinavia thắt chặt đường biên giới, dòng người di cư sẽ không còn nhiều đích đến ngoài Đức và áp lực sẽ tiếp tục đổ dồn lên quốc gia ở trung tâm Châu Âu này.

Bài toán của Berlin là làm thế nào để thể hiện được vai trò điều phối ở Lục địa già trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư không hề có dấu hiệu lắng dịu. Nếu Thủ tướng Angela Merkel không dung hòa được chính sách di cư với các nước láng giềng Liên minh Châu Âu (EU) xung quanh, Đức sẽ trở thành nước duy nhất "chịu trận" khi dòng người di cư vẫn đang trên các con đường tiến về vùng đất đầy mơ ước này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng A.Merkel từng nói, Đức có thể đối phó với làn sóng người di cư mới tới mà không cần phải tăng thuế hay gây nguy hiểm cho ngân sách nhà nước. Nhưng khi hàng chục nghìn người tìm kiếm tị nạn giờ tiếp tục kéo về Đức, các nguồn lực của Đức bị kéo căng và đưa ra vô vàn thách thức cho nhà chức trách Berlin.

Dù bà A.Merkel đã tuyên bố có thể xoay xở được về mặt hậu cần, nhưng hòa nhập lâu dài nhóm người theo dự tính đạt tới 1% tổng dân số, hầu hết theo những tôn giáo khác nhau và có những thế giới quan khác nhau, là vấn đề khác hoàn toàn.

Trong khi viễn cảnh chấp nhận hơn 1 triệu cư dân mới trong năm nay đưa ra cho Đức một cơ hội làm trẻ lại nhân khẩu học đang già hóa và bảo đảm cho sự thịnh vượng kinh tế của nước này, nó cũng thách thức sự đồng nhất văn hóa mà người Đức đang tự hào.

Bộ Xã hội kỳ vọng Chính phủ Đức chi từ 1,8 tỷ đến 3,3 tỷ euro trong năm 2016 để phục vụ các nhu cầu cơ bản của người tị nạn: học ngôn ngữ và đào tạo nghề. Khi những chi phí này tăng, nhiều vấn đề sẽ tăng theo.

Những bất đồng về văn hóa, tôn giáo cũng là rào cản khó vượt qua. Đây cũng là thực trạng chung ở các nước Châu Âu khác. Những người Hồi giáo nhập cư không dễ có thể hòa nhập vào xã hội Châu Âu và vụ tấn công ở Cologne khiến bà A.Merkel đứng trước áp lực rất lớn từ trong nước.

Sau sự việc này, Thủ tướng Đức bày tỏ mong muốn giảm dòng người tị nạn đến Châu Âu và duy trì Hiệp ước Schengen. Theo bà A.Merkel, EU một mặt cần hạn chế dòng người tị nạn, mặt khác cũng phải duy trì đường biên giới mở cho tự do đi lại trong khối.

Tuyên bố này ám chỉ việc Đan Mạch và Thụy Điển vừa áp dụng tạm thời kiểm soát đường biên giới để hạn chế người tị nạn vào hai nước. Nhà lãnh đạo Đức cũng tái khẳng định quan điểm không có mức trần tiếp nhận người tị nạn ở Đức.

Có thể thấy, giấc mơ của Thủ tướng A.Merkel về cách giải quyết suôn sẻ cuộc khủng hoảng người di cư đang gặp rất nhiều trắc trở. Còn khái niệm "biên giới mở" cũng đang mang đến nhiều thách thức cho Châu Âu.

Theo Thùy Dương

Hà Nội mới