1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nước cờ của Nga sau kế hoạch trưng cầu sáp nhập 4 vùng Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga dường như đặt ra những mục tiêu nhất định khi xúc tiến kế hoạch trưng cầu dân ý sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine giữa lúc chiến sự leo thang.

Nước cờ của Nga sau kế hoạch trưng cầu sáp nhập 4 vùng Ukraine - 1

Người dân ở Kherson, Ukraine trong một cuộc tuần hành (Ảnh: REX).

Từ mùa xuân, khi bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng, Nga đã để ngỏ ý định sáp nhập các vùng lãnh thổ mà Moscow kiểm soát được ở miền Nam và miền Đông Ukraine. Bây giờ, Nga vẫn đang tiếp tục theo đuổi kế hoạch này và có tới 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine tuyên bố sẽ sáp nhập vào Nga.

Chính quyền tỉnh Donetsk, Lugansk ở miền Đông, Kherson và Zaporizhzhia ở miền Nam thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga từ ngày 23-27/9. Trong bài phát biểu hôm 21/9, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý này.

Tương tự việc sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Nga đang tỏ ra không can dự vào quá trình này. Chính các chính trị gia địa phương của Ukraine đã công bố kế hoạch "trưng cầu dân ý".

Donetsk và Lugansk là các khu vực ly khai tự xưng nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng thân Nga từ năm 2014. Tổng thống Putin đã công nhận Donetsk và Lugansk là hai quốc gia độc lập ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Kherson và Zaporizhzhia là hai khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Nga không lâu sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Cho đến nay, giao tranh vẫn tiếp tục nổ ra ở cả 4 khu vực.

Một cuộc trưng cầu dân ý cũng được lên kế hoạch ở khu vực phía đông Kharkov. Nga ban đầu kiểm soát khu vực này, nhưng Ukraine đã mở chiến dịch phản công gần đây và tuyên bố giành lại khu vực này. Moscow sau đó cũng rút quân khỏi Kharkov.

Tại Donetsk và Lugansk, lá phiếu sẽ chỉ có một câu hỏi về việc có đồng ý gia nhập Liên bang Nga hay không, với hai lựa chọn trả lời là "có" hoặc "không". Còn tại Kherson và Zaporizhzhia, lá phiếu sẽ gồm 3 câu hỏi nhưng cũng chỉ có một câu trả lời "có" hoặc "không". Các câu hỏi gồm: có muốn ly khai khỏi Ukraine, thành lập một quốc gia độc lập và gia nhập Liên bang Nga không?

Quá trình bỏ phiếu cũng sẽ diễn ra ở Nga, nơi hàng trăm nghìn người Ukraine đã di tản kể từ năm 2014. Các khu vực sẽ không tổ chức bỏ phiếu trực tuyến. Người đứng đầu chính quyền Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, Yevgeny Balitsky, cho biết các đội bầu cử lưu động do cảnh sát hộ tống dự kiến đến thăm các ngôi nhà ở vùng Zaporizhzhia.

Kế hoạch của Nga

Nước cờ của Nga sau kế hoạch trưng cầu sáp nhập 4 vùng Ukraine - 2

Vị trí các khu vực muốn tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga (Ảnh: DW).

Sau kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ trên vào Nga được hoàn tất, các binh sĩ từ Donetsk và Lugansk có thể gia nhập quân đội Nga. Moscow cũng có kế hoạch chiêu mộ tình nguyện viên ở Kherson và Zaporizhzhia. Theo cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, việc sáp nhập các vùng lãnh thổ mới sẽ cho phép Nga sử dụng "toàn bộ lực lượng phòng vệ".

Giới quan sát nhận định, sau khi sáp nhập các vùng lãnh thổ trên, Nga có thể tuyên bố các cuộc tấn công của Ukraine vào những khu vực này là tấn công lãnh thổ Nga. Đây có thể là cơ sở để Nga leo thang hành động quân sự với Ukraine.

Ông Medvedev cảnh báo, nếu Lugansk và Donetsk sáp nhập vào Nga, Moscow có thể sử dụng vũ lực để tự bảo vệ mình, vì xâm phạm lãnh thổ của Nga sẽ bị coi là hành vi phạm tội. Ông nhấn mạnh, diễn biến trên có thể cho phép Nga sử dụng mọi biện pháp phòng vệ để bảo đảm an toàn cho các vùng lãnh thổ mới sáp nhập, đồng thời không nhà lãnh đạo tương lai nào của Nga có thể đảo ngược được quyết định này.

Một số nhà phân tích cho rằng, cảnh báo của ông Medvedev đồng nghĩa với việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp cuối cùng để bảo vệ lãnh thổ. Một nguy cơ khác có thể xảy ra nếu các vùng lãnh thổ ở Ukraine sáp nhập vào Nga là xung đột quân sự trực tiếp giữa các cường quốc quân sự, vì "một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ trở thành cuộc chiến toàn diện giữa Nga với Ukraine và NATO", theo Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh RT ủng hộ Nga.

Theo Grigorii Golosov, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Châu Âu ở St. Petersburg, kế hoạch trưng cầu ý dân có thể là màn dạo đầu cho những hoạt động quân sự mạnh mẽ hơn của Nga tại Ukraine, nhằm buộc chính quyền Kiev phải chùn bước. Khả năng này có thể xảy ra trong bối cảnh Nga đang phải hứng chịu nhiều tổn thất trên các mặt trận và không có nhiều lựa chọn, trong đó có cuộc rút quân nhanh chóng khỏi Kharkov gần đây.

Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập tổ chức tư vấn chính trị R.Politik, cho rằng việc Nga đẩy nhanh việc tổ chức trưng cầu dân ý là dấu hiệu cho thấy Moscow đang đặt cược vào các cuộc trưng cầu dân ý, thậm chí đây có thể coi là "tối hậu thư" do Nga gửi tới Ukraine và phương Tây rằng: rút lui hoặc chiến tranh leo thang. Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Nga đối mặt với mối đe dọa sống còn từ vũ khí thông thường hoặc nếu vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng để chống lại Nga.

Theo Reuters, DW, New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine