Nữ nghệ sĩ Việt biểu diễn cho Thủ tướng Hàn Quốc

Trong những lần biểu diễn, Hồng tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam qua tiếng đàn tranh.

Nghệ sĩ đàn tranh Lê Minh Hồng.

Nghệ sĩ đàn tranh Lê Minh Hồng.

“Một hôm có nhân viên ở Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc gọi điện thoại cho em nói rằng họ rất ấn tượng về em trên một tờ báo của Hàn. Họ muốn mời em tham gia buổi biểu diễn quan trọng chào mừng 20 năm kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Hàn. Trong buổi biểu đó, em thực sự bất ngờ khi biết có cả Thủ tướng Hàn Quốc. Mọi người rất cảm động khi em kết thúc bài biểu diễn đàn tranh truyền thống của Việt Nam”- Nghệ sĩ đàn tranh Lê Minh Hồng xúc động mỗi khi nhớ lại buổi biểu diễn đầy ấn tượng ấy.

Một kỷ niệm nữa cũng khó quên đối với Hồng là khi mới sang Hàn Quốc, trong một buổi biểu diễn trong chương trình do Hiệp hội châu Á tại Hàn Quốc tổ chức có rất đông khán giả. Khi Hồng vừa kết thúc bài biểu diễn, ở dưới khán giả có một người chạy lên ôm lấy Hồng và xúc động: “Cảm ơn em, đã lâu lắm rồi chị mới nghe lại giai điệu của quê hương”.

“Lúc đó em cảm động vô cùng, vì trong thời gian đầu ở nơi xứ người, lần đầu tiên em được nghe lại tiếng Việt. Và em xúc động vì tình cảm của cô dâu Việt này dành cho mình”- Minh Hồng nhớ lại.

Hiện tại, Lê Minh Hồng khá bận rộn với việc học Thạc sĩ chuyên ngành đàn Kaya Gưm và vừa tham gia vào nhóm nhạc Moaben của Hiệp hội châu Á tại Hàn Quốc. Lý do chọn Hồng chọn học Thạc sĩ đàn Kaya Gưm ở Hàn Quốc một phần là cây đàn Kaya Gưm cũng được ví như một loại đàn tranh của nước này, nó gần gũi với cây đàn tranh của Việt Nam hơn các loại đàn tương tự ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ.

Hồng cho biết, hai loại nhạc cụ này phân biệt ở phần dây đàn. Đàn tranh thì dây bằng sắt, đánh bằng móng và âm vực rất cao và trong. Còn đàn Kaya Gưm Hàn Quốc thì dây làm bằng tơ, dây to gấp gần 10 lần dây đàn tranh và khi biểu diễn thì dùng tay không. Tiếng nó của mang chất gỗ nhiều hơn, nghĩa là tiếng khá trầm.

“Khi mới chuyển sang đánh cây đàn Kaya Gưm, em cũng gặp khó khăn, vì dây đàn to, dày nên các đầu ngón tay của em bị phồng rộp. Nhưng rồi tập luyện một thời gian thì em cảm thấy rất thích thú. Cả hai nước đều có cách học truyền khẩu giống nhau. Khi học về đàn Kaya Gưm, dù nó có những đặc điểm khác với đàn tranh truyền thống của Việt Nam nhưng em muốn học hỏi thêm những nét văn hóa mới của nước bạn”.

Một góc phố ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc).

Một góc phố ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc).

Tận dụng cơ hội giới thiệu văn hóa Việt

Ở Hàn Quốc, trong những lần biểu diễn, Hồng tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam bằng chính cây đàn tranh của mình. Khán giả của Hồng gồm nhiều đối tượng, trong đó có khá đông cô dâu Việt và cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. Mỗi buổi biểu diễn là một kỷ niệm khó quên đối với Minh Hồng.

“Có người chưa nghe lần nào, nhưng khi nghe giai điệu của cây đàn tranh cất lên, họ đều rất chăm chú và thích thú. Sau buổi biểu diễn, có khán giả là người nước ngoài còn chờ gặp em, để bày tỏ ấn tượng về giai điệu truyền thống của Việt Nam và họ muốn tận tay đánh thử cây đàn. Chẳng hạn, mới đây em biểu diễn trong một chương trình ở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, có rất nhiều khách nước ngoài, khi nghe biểu diễn xong, nhiều người đề nghị được lên đánh thử đàn. Có một vị khách người Pháp sau khi thử xong, ông nói sẽ mua bằng được loại đàn này. Mỗi lần như vậy, em rất xúc động vì giới thiệu được nét văn hóa truyền thống của dân tộc đến với bạn bè quốc tế và được họ nồng nhiệt đón nhận”.

Hồng kể, mỗi lần biểu diễn, Hồng lại giới thiệu một làn điệu truyền thống của Việt Nam và các khán giả nước ngoài thích nhất là các bài Lý ngựa ô, Lý kéo chài… Và cũng trong các lần biểu diễn, Hồng thường mặc các trang phục truyền thống là áo dài, khăn đóng. “Khi em mặc trang phục truyền thống biểu diễn thì khán giả rất ấn tượng, nhất là chiếc khăn đóng trên đầu. Nhiều người đã chờ em diễn xong để được chụp ảnh cùng”.

Trong thời gian học ở Hàn Quốc, Hồng cũng có khá nhiều dịp biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt lao động và làm việc tại đây. “Em rất vui được biểu diễn cho bà con người Việt ở Hàn Quốc và các gia đình đa văn hóa. Biểu diễn cho bà con lại cho em một cảm xúc khác, rất gần gũi và thân thương. Ở nước ngoài, người Việt ít có có hội được gặp nhau, được trao đổi bằng tiếng Việt, nên mỗi lần sum họp thì mọi người đều cảm thấy gần gũi, ấm cúng như trong một gia đình. Có rất nhiều người đã lâu lắm mới được nghe lại những giai điệu quê hương, nên xúc động lắm”.

Cũng có rất nhiều lần biểu diễn, Hồng phải biểu diễn cùng với nhóm nhạc hoặc biểu diễn theo yêu cầu của người nghe, nhưng lần nào Hồng cũng tìm mọi cách giới thiệu giai điệu truyền thống của Việt Nam. “Có chương trình họ yêu cầu chỉ đánh nhạc truyền thống của Hàn, nhưng khi nghe em đề nghị là có thêm một bài dân ca của Việt Nam để phối lại cho cả dàn nhạc biểu diễn thì họ cũng chấp thuận. Có lần nhóm em chọn bài Lý kéo chài và dùng nhạc cụ của nhiều nước để biểu diễn đã tạo ra một bản hòa tấu khá ấn tượng. Cũng có lần khi phối khí nhóm có ý tưởng trên nền chất liệu dân ca Việt Nam, nhưng biểu diễn theo phong cách rock, những đoạn solo thì đàn tranh và đàn bầu phô ra âm thanh thật đã tạo được hiệu ứng khá tốt. Những lần như vậy, đều được khán giả cổ vũ nhiệt tình”.

Khi được hỏi liệu học một loại nhạc cụ truyền thống của nước khác thì khi về nước sẽ ít có đất diễn, Hồng không ngần ngại trả lời: “Em nghĩ rằng, học âm nhạc thì mục đích cuối cùng vẫn là tạo ra những âm thanh hay và đẹp. Chính vì thế mà em đã trút hết lo lắng để yên tâm học đàn truyền thống của Hàn Quốc. Nhiều giảng viên và sinh viên khi theo học nhạc cụ truyền thống của nước bạn, cũng đặt câu hỏi là khi về nước sẽ làm gì vì sẽ hiếm có cơ hội được biểu diễn các loại nhạc cụ này. Riêng em, em đã tự tìm được câu trả lời cho mình, đó là phải tận dụng được hết cơ hội để học hỏi, tiếp thu những nét đẹp truyền thống cũng như kỹ thuật tiên tiến của Hàn Quốc. Khi học xong đàn Kaya Gưm, em sẽ kết hợp kỹ thuật của cây đàn này trong biển diễn những tác phẩm mới của riêng mình”- Minh Hồng chia sẻ.

Theo Trang Hiền Hòa
VOV