1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nữ công nhân bị vùi lấp 17 ngày sống sót nhờ bánh quy

(Dân trí) – Reshma Begum, nữ công nhân may mắn được giải cứu sau 17 ngày mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà Rana Plaza tại Bangladesh, cho biết để sống sót được chừng đó ngày, chị đã may mắn tìm được 4 gói bánh quy.

Sau 3 ngày được điều trị tại bệnh viện, hôm qua Reshma Begum, 19 tuổi, nạn nhân sống sót cuối cùng được giải cứu từ đống đổ nát của tòa nhà Rana Plaza, đã có buổi tiếp xúc đầu tiên với báo giới tại bệnh viện.

Reshma Begum đã sống sót nhờ 4 gói bánh quy
Reshma Begum đã sống sót nhờ 4 gói bánh quy

Với giọng nói yếu ớt và chưa hết bàng hoàng, chị đã thuật lại những sự việc kinh hoàng mình phải chứng kiến cũng như câu chuyện về sự sống sót thần kỳ sau 17 ngày mắc kẹt.

Trước đó hôm thứ Sáu, Begum được các nhân viên cứu hộ giải thoát sau khi dùng một đoạn ống nước đập vào các tấm bê tông để thu hút sự chú ý của các nhân viên cứu hộ.

Begum cho biết chị tới Dhaka làm công nhân từ 3 năm trước. Hôm 2/4 chị vào làm cho một xưởng may trên tầng hai của tòa nhà Rana Plaza với mức lương 4700 taka/tháng, tương đương 60 USD.

Sáng ngày 24/4, chị nghe nói có vết nứt xuất hiện trong tòa nhà và thấy một số đồng nghiệp, chủ yếu là nam, từ chối vào làm. Những người quản lý thì trấn an rằng: “Không có vấn đề gì đâu. Mọi người cứ làm việc đi”, Begum thuật lại.

Nhưng ngay sau đó tòa nhà sập xuống. “Khi mọi chuyện xảy ra, tôi bị ngã xuống và bị thương nặng ở đầu. Sau đó tôi thấy xung quanh chỉ còn bóng tối”, Begum nói. Chị cố bò khắp sàn tìm lối thoát ra ngoài nhưng không thấy.

Khi cơn đói kéo đến, Begum bò khắp sàn tìm kiếm đồ ăn. May mắn là tầng một của tòa nhà bị sập có một khu chợ nhỏ và chị đã tìm được 4 gói bánh quy cùng một ít nước.

“Có một người đàn ông khác lúc đó ở gần tôi. Anh ta hỏi xin nước. Tôi không thể giúp gì cho anh ấy và anh ta đã chết. Anh ấy cố hét lên “Cứu tôi”, nhưng anh ta không qua khỏi”, Begum nói. “Tôi không thể nhớ rõ mọi chuyện đã xảy ra. Tôi chưa từng nghĩ mình còn sống để ra khỏi đó”.

Thiếu tướng Ashfaq, một nhà tâm lý học của bệnh viện cho biết Begum hơi hoảng loạn và bối rối khi được giải cứu. “Cô ấy đã hoảng sợ khi có người chạm vào mình. Giờ thì tình hình đã ổn. Chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều với cô ấy”.

Vào ngày được giải cứu, Begum đang nằm trong một khoảng trống nhỏ thì thấy ánh sáng và tiếng người nói. “Tôi thấy ánh sáng và đã hét lên nhờ giúp đỡ. Tôi nói với họ “mấy anh ơi, cứu tôi với, cứu tôi với”.

Trước khi được đưa ra ngoài, Begum còn kịp tìm được một bộ quần áo tươm tất để thay cho bộ đồ đã bị rách nát trong vụ tai nạn. Một nhân viên cứu hộ đã đưa cho cô chiếc đèn pin để tìm bộ đồ trong đống đổ nát. “Váy của tôi trước đó đã bị rách hết cả”, Begum nói. Chị cũng khẳng định sau khi bình phục sẽ không bao giờ quay trở lại làm công nhân may.

Số người thiệt mạng vượt 1.100

Đến nay Begum chính là người sống sót cuối cùng được giải cứu khỏi tòa nhà Rana Plaza. Hiện công tác cứu hộ đã hầu như hoàn tất và con số người thiệt mạng tính đến hôm qua đã lên tới 1.127 người.

Dự kiến trong ngày hôm nay quân đội Bangladesh sẽ bàn giao hiện trường cho chính quyền địa phương.

“Khả năng tìm được thêm thi thể nạn nhân là rất nhỏ”, thiếu tướng Mohammad Siddiqul Alam Shikder khẳng định.

Các công nhân dệt may Bangladesh liên tục biểu tình những ngày qua
Các công nhân dệt may Bangladesh liên tục biểu tình những ngày qua

Trong khi đó, hàng trăm cơ sở may mặc tại Bangladesh từ hôm qua đã phải đóng cửa vì lí do an ninh. Hiệp hội dệt may Bangladesh tuyên bố toàn bộ hoạt động tại khu công nghiệp Ashulia, cách khu vực có tòa nhà Rana Plaza không xa, sẽ ngừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

“Chủ các cơ sở quyết định đóng cửa nhà máy vì lí do an toàn sau khi các công nhân hầu như ngày nào cũng nổi loạn sau vụ sập tòa nhà Rana Plaza”, Mohammad Atiqul Islam, chủ tịch Hiệp hội các nhà dệt may và xuất khẩu Bangladesh cho biết.

Thanh Tùng
Tổng hợp