Nỗi sợ người Kurd của Chính phủ Assad
Dù đang trở thành một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống IS tại Syria, nhưng người Kurd vẫn là mối đe dọa lớn với chính quyền Assad.
Quân đội Syria lần đầu không kích khu vực người Kurd
Ngày 18/8, máy bay của quân đội Syria đã ném bom các vị trí của người Kurd tại Hasakeh, thành phố bị chia cắt ở miền Đông Bắc nước này.
Đây là lần đầu tiên, quân chính phủ tiến hành các vụ không kích nhằm vào một khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), các cuộc không kích đã đánh trúng ít nhất 6 vị trí của người Kurd.
Quyết định oanh kích vào khu vực người Kurd của quân chính phủ Syria được đưa ra sau khi xảy ra giao tranh dữ dội vào ngày 17/8 giữa lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ và nhóm người Kurd khiến 11 người thiệt mạng, gồm 4 dân thường, 4 tay súng người Kurd và 3 dân quân.
Hiện nay, trên chiến trường, chính phủ Syria đang kiểm soát phần lớn ở các thành phố Qamishli và Hasakeh. Trong khi đó, Lực lượng Tự vệ Nhân dân người Kurd (YPG) chiếm nhiều khu vực Đông Bắc và Bắc Syria dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên cùng chống lại tổ chức khủng bố IS, song căng thẳng giữa lực lượng chính phủ và YPG tại Hasakeh đôi khi bùng phát thành các vụ giao tranh dữ dội.
Nỗi sợ người Kurd của Syria
Thực tế hiện nay người Kurd đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS tại Trung Đông. Cả Nga, Mỹ đều ra sức ủng hộ và tích cực phối hợp với đội quân này để triển khai các kế hoạch quân sự tại Syria.
Thậm chí, Nhà Trắng còn sẵn sàng bỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ để khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối của mình với người Kurd.
Nhà Trắng cũng khẳng định, lực lượng người Kurd là một trong những nhân tố quan trọng trong cuộc chiến tại Syria.
“Ngay cả bạn bè tốt nhất của nhau cũng không phải đồng tình với nhau trong mọi chuyện. Các chiến binh người Kurd đã là một trong những lực lượng hoạt động thành công nhất trong việc tiêu diệt Daesh (tên gọi khác của IS) ở Syria”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói.
Trong khi đó, điện Kremlin cũng bất chấp phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và phe đối lập Syria để thuyết phục Mỹ đưa lực lượng người Kurd trở thành một thành phần của vòng đàm phán hòa bình tại Geneva, Thụy Sĩ về Syria.
Tuy nhiên cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ, tiềm ẩn sâu bên trong, chính quyền tổng thống Assad vẫn coi người Kurd là một mối đe dọa và luôn tìm cách đề phòng. Quyết định oanh kích vào khu vực của lực lượng này tại thành phố Hasakeh dường như là tín hiệu đầu tiên cho thấy điều này.
Thực tế, 25 triệu người Kurd sống ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq cùng cộng đồng người Kurd sống rải rác ở các nước châu Âu thuộc nhóm dân tộc lớn nhất thế giới nhưng cho đến nay vẫn không có nhà nước riêng.
Người Kurd ở Syria cũng chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu đó. Năm 2011, khi bùng nổ cuộc nội chiến, người Kurd tuyên bố sẽ không đứng về bất kỳ bên nào trong cuộc chiến này. Lực lượng dân quân người Kurd được thành lập từ thời điểm này để bảo vệ người dân của họ khỏi các mối đe dọa từ hai bên tham chiến - phe ủng hộ Chính phủ Syria và phe nổi dậy.
Vốn lâu nay phải chịu sự đàn áp dưới thời cha con Tổng thống Bashar al-Assad, cộng đồng người Kurd ở Syria đã coi cuộc nội chiến ở nước này là một cơ hội để giành quyền tự trị, giống như các đồng bào của họ ở Iraq.
Trong những tháng cuối năm 2013, cộng đồng người Kurd và các phiến quân Hồi giáo Arập giao tranh không ngừng để giành quyền kiểm soát khu vực đông bắc Syria.
Đến tháng 11/2013, các chiến binh người Kurd thắng thế và tại một hội nghị tổ chức ở thành phố Qamishlo ngày 12/11, một ủy ban của người Kurd tuyên bố đã đến lúc thành lập một cơ quan hành chính để điều hành khu vực này. Tuyên bố của hội nghị nêu rõ: người Kurd sẽ thành lập một chính quyền dân chủ lâm thời mang tính đa nguyên, đồng thời kêu gọi các cường quốc và các nước láng giềng ủng hộ chính quyền mới này.
Đặc biệt, thời gian gần đây, ý định về việc tách ra khỏi Syria để thành lập một chính quyền riêng ngày càng được người Kurd thể hiện rõ.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào tháng 3 năm nay, lực lượng người Kurd kiểm soát khu vực miền bắc Syria cho biết chuẩn bị tuyên bố thành lập chính thể liên bang, một động thái được xem có thể làm phức tạp hóa cuộc đàm phán hòa bình Syria đang diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.
Barzan Iso, một nhà báo người Kurd cho biết: ''Hội nghị mới diễn ra ở Rmelan với khoảng 200 đại diện của các dân tộc thiếu số như Kurd, Ả-Rập, Assyrian, Turkmen, Armenia, Chechen... Ngoài ra còn có đại diện của Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) và những đơn vị nữ chiến binh khác. Mục đích của cuộc họp này là tuyên bố một chính thể liên bang cho khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria’’.
Mặc dù không đối đầu trực tiếp với chính phủ Damacus, tuy nhiên, việc tự liên bang hóa chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng tình từ Tổng thống Bashar Assad.
Trong một động thái đáp trả vào hôm 13/3 vừa qua, trưởng đoàn đám phán của Syria ở Geneva, ông Bashar Jaafari còn khẳng định rằng, Damascus bác bỏ các cuộc đàm phán về một liên bang Syria và không chấp nhận bất kỳ hình thức chia rẽ đất nước nào hết.
Trong bối cảnh vòng đàm phán hòa bình tại Geneva, Thụy Sĩ đang ngày càng bế tắc và sự lớn mạnh cả về thế - lực của người Kurd tại Syria, chính quyền Assad lại càng có thêm lý do để lo ngại. Việc vừa phối hợp không kích IS, vừa tìm cách kiềm chế lực lượng người Kurd đang là bài toán khó giải với Tổng thống Assad và quân đội nước này.
Theo Hoàng Sơn (Tổng hợp)
Đất Việt