1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nơi quyết định sinh mệnh chính trị của ông Lee Myung-Bak

(Dân trí) -Sau vụ thịt bò Mỹ, vụ Bình Nhưỡng bác bỏ đàm phán liên Triều và vụ người Hàn Quốc bị bắn ở núi Kumgang, đảo Dokdo chính là nơi quyết định sinh mệnh chính trị của Tổng thống Hàn Quốc.

Thời cơ hay thử thách kế tiếp?

 

Tranh cãi bùng phát vào một ngày trung tuần tháng Bảy, khi Chính phủ Nhật Bản lại nhắc lại tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo. Giới phân tích một lần nữa được được dịp cảnh báo uy tín của Tổng thống Lee Myung Pak sẽ bị xói mòn nghiêm trọng, nếu ông không giải quyết thỏa đáng vấn đề đảo Dokdo.

 

Dokdo theo tiếng Hàn (có nghĩa là Độc đảo) hay Takeshima theo tiếng Nhật (có nghĩ là Trúc đảo) chỉ cách đảo Ulleungdo của Hàn Quốc 90 km và cách đảo Oki của Nhật Bản tới 160 km.

 

Dokdo bao gồm hơn 300 hòn đảo nhỏ do núi lửa tạo nên, nằm ở biển Nhật Bản, có tiềm năng lớn về hải sản, khoáng sản và có thể cả dầu khí. Nằm trên tuyến lưu thông từ biển Nhật Bản ra Thái Bình Dương, quần đảo Dokdo có tầm quan trọng chiến lược đối với cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Đối với Seoul, chủ quyền của Hàn Quốc đối với Dokdo là không thể tranh cãi. Còn Nhật Bản thường viện dẫn  bằng chứng về chủ quyền là thời kỳ quân đội Nhật hoàng chiếm đóng quần đảo này từ 1905 đến 1945.

 

Trên thực tế, Hàn Quốc quản lý 100% các hòn đảo này trong khi Nhật Bản không hề nắm giữ một tấc đất nào tại đây. Chính vì vậy, Hàn Quốc không thể chấp nhận đàm phán về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Dokdo, nơi Nhật Bản vẫn muốn thuộc về lãnh thổ của mình. 

 

Trong phản ứng đầu tiên, Seoul tuyên bố hoãn vô thời hạn việc nối lại vòng đàm phán song phương về Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương mà phía Nhật Bản đã đề nghị khởi động lại nhân chuyến thăm Nhật Bản mới nhất của ông Lee Myung Pak. Cùng lúc, căng thẳng giữa hai nước Hàn-Nhật về vấn đề đảo Dokdo đã trở nên cao trào và các dự án giao lưu giữa các chính quyền địa phương hai nước đã được lên kế hoạch trong suốt kỳ nghỉ hè này cũng bị ngừng lại theo.Tình hữu nghị của các chính quyền địa phương giữa hai nước, vốn có giao lưu kết nghĩa anh em từ lâu, cũng bị ảnh hưởng do việc hoãn lại các dự án giao lưu.

 

Cái rủi có cái may?

 

"Rủi" thì đã rõ, nhưng một số nhà quan sát không loại trừ khả năng là thái độ cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổng thống Hàn Quốc sẽ giúp ông phục hồi được phần nào lòng tin của người dân xứ này. Điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là việc xử lý vấn đề này của Tổng thống Lee Myung-Bak sẽ tác động mạnh đến chính phủ của ông. Theo các cuộc thăm dò dư luận, điểm tín nhiệm của Chính phủ Hàn Quốc đang ở mức rất thấp.

 

Vừa tuần trước, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Fukuda đã hứa với Tổng thống Lee Myung-Bak là sẽ có kế hoạch giải quyết vấn đề này để cải thiện mối quan hệ hữu nghị song phương vốn dễ bị "tổn thương" do việc quân đội Nhật Hoàng đã chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong vòng 35 năm và gây ra nhiều tội ác đối với thường dân. Nhưng đang phải đối phó với nhiều khó khăn chồng chất ở trong nước vì vụ nhập khẩu thịt bò, bị mất mặt do sự khước từ hòa đàm của Bắc Triều Tiên, Tổng thống Lee Myung Pak đã tỏ ra tức giận trước "yêu sách" của phía Tokyo.

 

Đầu tiên, ông Lee Myung Bak đã thẳng thừng loại bỏ khả năng thoả hiệp ngoại giao với Nhật Bản trong vụ tranh cãi đang trở nên xấu đi. Tiếp sau đó, ngoài việc triệu đại sứ về nước và triệu đại sứ Nhật Bản tại Soul lên để phản đối, ông Lee Myung Bak đã ra lệnh tăng cường tuần tra quanh khu quần đảo Dokdo để xua đuổi tầu Nhật Bản. Chính phủ và đảng cầm quyền Đại Dân tộc cũng đã nhất trí áp dụng một loạt biện pháp để bảo vệ chủ quyền đối với đảo Dokdo, trong đó có việc thành lập một trung tâm nghiên cứu biển, tăng cường sự tiếp cận của người dân Hàn Quốc và xây dựng một khách sạn tại đây.

 

Những quyết định "kiên quyết đối phó" với động thái của Nhật Bản cho thấy chính phủ Hàn Quốc coi trọng vấn đề chủ quyền lãnh thổ hơn là quan hệ với Nhật Bản. Seoul muốn khẳng định Dokdo là một phần lãnh thổ của Hàn Quốc chứ không phải chỉ đơn thuần là những hòn đá trên đại dương. Đây là bước tiếp theo trong chính sách "kiểm soát có hiệu quả" đối với đảo Dokdo vốn đang được thực hiện với giả thiết có khả năng xảy ra xung đột giữa hai nước.

 

Trong bối cảnh này, quan hệ song phương Nhật-Hàn sẽ khó có thể được cải thiện trong tương lai gần, và "may-rủi" đối với ông Lee Myung Bak cũng chưa thể thẩm định ở thời điểm hiện tại.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp tư liệu nước ngoài