Nỗi lòng của bà mẹ Việt sinh con trong hoạn nạn ở Nga
(Dân trí) - Sang Nga làm thợ may từ năm 2008, phải mất mấy năm, trôi dạt từ xưởng may này đến xưởng may khác, Loan mới trả được hết số nợ từ lúc đi. Đúng ngày 31/7 vừa qua, cô bị bắt cùng mấy trăm người Việt vì nhập cư trái phép, trong lúc bụng mang dạ chửa và ngày sinh cận kề.
Sáng 14/8, nhận được tin báo đặc biệt từ các anh chị trong Ban chấp hành (BCH) của Hội đồng hương Nghệ An tại Mátxcơva, tôi lập tức lên đường đi đến “khu chợ km 41”, tên gọi quen thuộc của bà con người VN tại Mát khi nói về “TTTM Slaviansky Mir” nằm ngay km 41 thuộc đường vành đai (MKAD) của thủ đô Mátxcơva nhằm tìm hiểu thực hư của sự việc.
Vừa bước vào căn phòng chỉ có chừng không đầy hai chục mét vuông nằm bên mé trái ở ngay cửa ra vào của khu chợ xây dựng (nơi chủ yếu là bán hàng xây dựng nhưng có dành một số căn phòng làm chỗ ở, nên bà con ta cứ gọi là “ốp” (kí túc xá) chúng tôi đã cảm thấy cái không khí ngột ngạt khó thở. Vậy mà hai người phụ nữ và một bé trai mới sinh gần 1 tháng đang nằm trên giường vẫn chịu được thì quả là không biết phải nói thế nào. Chúng tôi mở hé cánh cửa ra cho thoáng nhưng lại sợ bé khó chịu vì gió máy. Rất may là cánh cửa từ ngoài cổng vào kín nên không sao.
Qua mấy năm làm thợ may, trôi dạt từ xưởng này đến xưởng khác, lúc “trắng” lúc “đen”, cô đã trả hết số tiền nợ ban đầu.
Nhưng vận rủi cứ ập vào người cô. Trong khoảng thời gian làm việc cho ông bà chủ Nguyễn Văn Q. và Trịnh Thị H. tính từ tháng 4/2012 đến đầu tháng 8/2013 thì cô bị bắt vào ngày 31/7/2013 tại khu vực xưởng may “Amu” và bị đưa vào trại tạm giam ở đường Irlyshsky proezd-2, cùng với hàng mấy trăm người nhập cư trái phép.
Điều làm cô khẩn thiết mong chờ nhất hiện nay là được ông bà chủ Nguyễn Văn Q. và Trịnh Thị H. thanh toán cho cô số tiền mà họ còn nợ cô trong thời gian 8 tháng làm việc tại xưởng may của họ là: 70.000 rúp (khoảng 2.200 USD) để mẹ con cô có cái sinh nhai sau ngày trở về quê hương bản quán.
Với giọng nghẹn ngào cô kể là cô đã phải gửi con còn bé cho người khác trông nom để đi đòi nợ ở vợ chồng Q. và H. nhưng cô vẫn chỉ nhận được những lời hứa. Không biết bao giờ thì họ mới thanh toán cho cô. Hiện nay, Hội Đồng hương Nghệ An cũng đang tích cực vận động ông bà Q. và H. dù có khó khăn thế nào thì cũng nên tạo điều kiện cho cô Nguyễn thị Loan và hi vọng là sẽ có hồi âm.
Một điều khác đáng buồn thay, theo lời cô nói, khi người bạn trai vô tâm, quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An, đã bỏ về Việt Nam trong khi cô đang mang bầu cháu bé đã được 2 tháng.
Chiều 14/8, ông Đặng Trường Sơn, ủy viên BCH Hội đã trao món tiền 10.000 rúp (tương đương 300 USD) của ông bà Thanh - Mạnh (ở quầy D.148, chợ Liu tức là TTTM Mátxcơva) cùng một số áo quần trẻ sơ sinh, ủng hộ cho mẹ con cô Nguyễn Thị Loan. Đó là nghĩa cử, là tình người nơi xa xứ, thật đáng trân trọng.
Hiện nay Hội Đồng hương Nghệ An đang kêu gọi mọi người vì tình thương yêu “lá lành đùm lá rách” cưu mang giúp đỡ mẹ con cô Loan. Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cũng đang lo thủ tục giấy tờ cho mẹ con cô Loan. Về phía Hội Đồng hương Nghệ An, dự kiến trích quỹ (khoảng 2.000 USD) gửi tặng mẹ con chị Loan trong thời gian ở chờ cháu bé cứng cáp cũng như trở về Việt Nam.
Trước sự giúp đỡ chân thành của bà con và các cơ quan chức năng, cô Nguyễn Thị Loan nghẹn ngào cảm ơn Hội đồng hương Nghệ An, bà con km 41 đã cưu mang giúp đỡ mẹ con cô những ngày qua.
Khi chúng tôi trao đổi những băn khoăn về sức khỏe của hai mẹ con cô Loan về nơi ở chưa được thuận lợi lắm trong điều kiện khó khăn như thế này, anh An Văn Chính, đại diện cho Ban Quản trị chợ “Hùng Yến” ở km 41, cũng tỏ ý lo ngại: “Nói thật với các anh, Ban quản trị chúng tôi bây giờ cũng không biết thu xếp cho mẹ con cô ấy ở đâu được. Trong điều kiện phòng ốc quá thiếu thốn, còn nơi ở tạm này thì lại không phải là dành cho người ở, đến người khỏe mạnh còn bỏ đi huống hồ là mẹ con cô ấy. Nhưng có lẽ chúng tôi sẽ cố gắng tìm chỗ thích hợp”.