1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nội các Israel họp khẩn trước chiến thắng của Hamas

Trước ngày bầu cử quốc hội Palestine, giới chức Israel nhận định rằng Hamas chỉ có thể chiếm một bộ phận thiểu số trong chính phủ mới của Palestine. Chính vì thế, chiến thắng vang dội của Hamas khiến họ thực sự bối rối.

Chiến thắng ngoạn mục của Phong trào Hồi giáo Hamas trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine hôm qua đã gây chấn động trên khắp Israel trước thềm cuộc bầu cử tháng 3 và có thể khiến họ quay sang ủng hộ những chính trị gia phản đối việc nhường đất cho người Palestine.

 

Kết quả chính thức của cuộc bầu cử quốc hội Palestine được công bố vào 19 giờ địa phương (0 giờ Hà Nội) hôm qua. Nhưng trước đó, cả lãnh đạo của đảng Fatah cầm quyền và Hamas đều khẳng định Hamas đã chiếm được đa số ghế trong quốc hội trong lần tham gia bầu cử đầu tiên.

 

Quyền thủ tướng Israel, Ehud Olmert, đã triệu tập nội các và các cố vấn an ninh sau khi kết quả bầu cử được công bố để thảo luận tình hình. Các đảng Likud và Công đảng cũng đã nhóm họp. Nhìn chung, hầu hết các chính trị gia, giới phân tích và học giả Israel đều tỏ ra lo ngại trước việc Hamas nắm giữ quyền lực.

 

Các thoả thuận hoà bình Trung Đông trong những năm 90 của thế kỷ trước quy định rõ rằng không một nhóm khủng bố nào được tham gia vào bầu cử ở Palestine, nhưng Israel không thể lôi kéo được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với việc ngăn chặn các nhóm được coi là khủng bố tham gia các cuộc bầu cử dân chủ.

 

Nhà lập pháp cánh hữu Yuval Steinitz thuộc đảng Likud cho rằng kết quả bầu cử là một thất bại lớn của Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas.

 

"Chúng ta đã để cho cuộc bầu cử diễn ra với sự tham gia của một nhóm khủng bố luôn kêu gọi tiêu diệt chúng ta", Steinitz nói.

 

Các nhà lãnh đạo trên thế giới, lo ngại trước viễn cảnh về một chính phủ Palestine do Hamas đứng đầu, đã ngay lập tức gây sức ép buộc lãnh đạo của nhóm hồi giáo vũ trang công nhận nhà nước Israel và cam kết từ bỏ bạo lực.

 

Tuy nhiên, các chính trị gia Israel tỏ ra nghi ngờ trước giải pháp của cộng đồng quốc tế.

 

Thủ tướng Palestine Ahmed Korei và một số thành viên trong quốc hội đã từ chức hôm qua, ngay sau khi Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas tuyên bố chiến thắng, giành 70 trong số 132 ghế trong quốc hội. 

"Sau khi Hamas được bầu, liệu cộng đồng quốc tế có thể đàm phán với họ không?", cựu ngoại trưởng Silvan Shalom nói. "Thế giới sẽ chỉ có thể nói với họ rằng họ đã được bầu lên trong một cuộc bầu cử dân chủ. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta ngăn chặn họ tham gia bầu cử ngay từ đầu thì điều này có thể đã không xảy ra".

 

Ephraim Sneh, nhà lập pháp thuộc Công đảng cho rằng thắng lợi của Hamas có một phần lỗi của Israel vì đã không chịu nhượng bộ với tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Điều này có thể làm tăng uy tín của ông nói riêng và của đảng Fatah nói chung đối với người dân Palestine.

 

Mặc dù Hamas không đe doạ đến sự tồn tại của nhà nước Israel, nhưng "đó là một mối hoạ đối với cuộc sống thường nhật của người dân Israel khi mà ngay trước cửa chúng ta là một nhà nước khủng bố", ông Sneh nói.

 

Sự thay đổi đột ngột trong chính quyền Palestine có thể cũng sẽ làm thay đổi cục diện của cuộc bầu cử tại Israel vào tháng 3 tới theo hướng có lợi cho các chính trị gia theo đường lối cứng rắn và chiến thắng của Hamas sẽ là chủ đề chính trong cuộc bầu cử này. Giới phân tích dự đoán rằng thắng lợi của Hamas sẽ gây bất lợi cho các đảng theo đường lối trung tả và có thể khiến cử tri Israel quay sang ủng hộ Likud, đảng phản đối việc rút quân của Israel khỏi dải Gaza hồi năm ngoái.

 

Nhưng gánh chịu thiệt hại nhiều nhất sẽ là Kadima, đảng trung dung do Ariel Sharon thành lập vào tháng 11 năm ngoái sau khi dời bỏ đảng Likud. Hiện Kadima vẫn dẫn đầu trong cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, ngay cả sau khi ông Sharon bị hôn mê do đột quỵ.

 

Lãnh đạo đảng Likud, cựu thủ tướng Benjamin Netanyahu, cảnh báo rằng chiến thắng của Hamas có thể biến chính quyền Palestine trở thành chính thể Hồi giáo cực đoan.

 

"Hamas sẽ vẫn là Hamas. Chúng ta không thể đạt được thoả thuận gì với họ vì mục đích của họ là tiêu diệt Israel", ông Netanyahu tuyên bố.

 

Phần lớn người Israel tỏ ra nghi ngờ về khả năng Hamas sẽ thay đổi đường lối, nhưng nhiều người cho rằng chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa rồi có thể khiến họ trở nên thực tế hơn.

 

"Hamas hiểu rằng nếu muốn thảo luận về một giải pháp dẫn tới việc thiết lập hai nhà nước cho hai dân tộc thì điều quan trọng mà họ cần làm là thừa nhận nhà nước Israel và ngừng các hoạt động khủng bố", ông Ran Cohen, nhà lập pháp cánh tả, nói.

 

Theo Việt Linh

Vnexpress/AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm