1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nội bộ NATO bất đồng về triển khai hệ thống lá chắn tên lửa châu Âu

Theo quan chức Pháp, nếu đây là hệ thống lá chắn tên lửa của NATO, khối này phải chịu trách nhiệm về tất cả những hoạt động của hệ thống.

Pháp hôm qua (18/5) bày tỏ sự do dự về việc thông qua hệ thống tên lửa phòng thủ châu Âu do Mỹ xây dựng cho NATO, lo ngại hệ thống này sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ chứ không phải của Liên minh.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng, việc NATO trì hoãn kiểm soát hoạt động hệ thống này là dấu hiệu mất đoàn kết và suy yếu của khối trước những cảnh báo của Nga gần đây.

Trực thăng bay lượn quanh căn cứ Deveselu, nơi đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania. (Ảnh: EPA)
Trực thăng bay lượn quanh căn cứ Deveselu, nơi đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania. (Ảnh: EPA)

Trong thời gian gần đây, NATO dẫn đầu là Mỹ đã thực hiện những bước đi làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ với Nga, khi kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania và động thổ xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan.

Sau khi hoàn thành kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, các lá chắn bao gồm cả tàu chiến và radar trên khắp trên châu Âu sẽ được bàn giao cho NATO vào tháng 7 tới đây. Nếu hệ thống này được chuyển giao cho NATO vào tháng 7 tới, các quan chức Mỹ hy vọng hệ thống sẽ vận hành đầy đủ vào năm 2023.

Nga ngay lập tức lên án kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống "lá chắn tên lửa" ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga, cho rằng đây là mối đe dọa trực tiếp nước Nga, đồng thời cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục xem xét các hành động khiêu khích của Mỹ và các đồng minh liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa. Điều này là mối đe dọa trực tiếp đối với ổn định, an ninh khu vực và quốc tế. Chúng tôi coi việc triển khai hệ thống này vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước hạt nhân. Nga nhắc lại nhiều lần về mối nguy hiểm của những diễn biến liên quan đến hệ thống phòng thủ trong khu vực. Chúng tôi đang xem xét và đưa ra các biện pháp đáp trả”.

Không chỉ vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Nga, một thành viên quan trọng của NATO là Pháp hôm qua (18/5) bày tỏ do dự về việc thông qua chuyển giao hệ thống này tới NATO từ Mỹ. Các quan chức Pháp cho biết, lý do họ do dự không liên quan đến sự phản đối quyết liệt của Nga gần đây, mà muốn chắc chắn rằng hệ thống này phải nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của NATO chứ không phải Mỹ.

Theo quan chức Pháp, nếu đây là hệ thống của NATO, khối liên minh quân sự này sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những hoạt động của hệ thống.

Trước sự do dự của Pháp, Mỹ và các đồng minh hy vọng có thể thuyết phục Paris sớm thay đổi lập trường trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới, đồng thời cảnh báo, bất cứ sự trì hoãn nào trong việc vận hành hệ thống này thể hiện sự yếu kém của NATO trước Nga.

Chỉ vài ngày sau khi Mỹ và NATO tăng cường chương trình phòng thủ tên lửa ở châu Âu, Nga cũng phản ứng lại bằng việc tuyên bố đang phát triển các tên lửa đạn đạo (ICBM) cực mạnh có khả năng "xuyên thủng" hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất của Mỹ hiện nay, tăng cường bảo vệ khu vực sườn phía tây và nam với việc xây dựng 3 sư đoàn mới.

Phó Thủ tướng Nga phụ trách ngành công nghiệp quân sự Dmitry Rogozin tuyên bố, Nga sẽ sử dụng tất cả các công nghệ, cho phép “trung hòa” bất cứ các mối đe dọa nào nhằm vào nước Nga. Với những tuyên bố hành động quyết liệt của các bên khiến dư luận lo ngại về nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ, kéo theo những hệ lụy nguy hiểm cho khu vực cũng như thế giới./.

Theo Phạm Hà/VOV-Trung tâm Tin (Tổng hợp)