1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nội bộ Mỹ chia rẽ vì các động thái của Tổng thống Putin tại Syria

(Dân trí) - Động thái quân sự mới đây nhất của Nga ở Syria khiến chính phủ Mỹ chia rẽ sâu sắc vì nghi ngờ rằng liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có thực sự ủng hộ sáng kiến do Liên hợp quốc đứng đầu nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria hay điện Kremlin đang dùng các cuộc đàm phán làm bình phong cho ý đồ hỗ trợ quân sự mới cho Tổng thống Syria Bashar Assad.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc gặp hồi tháng 10/2015 (Ảnh: AFP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc gặp hồi tháng 10/2015 (Ảnh: AFP)

Reuters dẫn lời một số quan chức chính phủ Mỹ cho biết Nga đang tiến hành di chuyển vị trí đặt pháo tới gần thành phố Aleppo của Syria. Dù trên thực tế Nga đã rút một số máy bay ra khỏi lãnh thổ Syria từ hồi tháng 3 nhưng Moscow lại tăng cường lực lượng ở Syria bằng các máy bay trực thăng chiến đấu công nghệ cao và tiếp tục tiến hành các cuộc không kích, các quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Việc Nga có những động thái cho thấy sự hậu thuẫn quân sự mạnh mẽ của nước này đối với Tổng thống Syria đã buộc một số quan chức Mỹ phải lên tiếng cảnh báo rằng nếu Mỹ không phản ứng lại những động thái này của Nga thì rất có thể Washington bị mang tiếng nhút nhát trong mắt Moscow. Từ đó, Nga sẽ gia tăng thách thức với Mỹ cũng như các đồng minh quân sự của Mỹ thông qua những hoạt động hải quân và không quân.

Các quan chức Mỹ cũng nhận định rằng việc Mỹ không đáp trả lại Nga sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ của Washington với Ả rập Xê út cũng như các quốc gia vùng Vịnh khác, những nước đang tìm cách lật đổ Tổng thống Assad. Ngoài ra, quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ bị tác động vì Ankara cũng đang có mặt ở Syria, nã pháo tiêu diệt các phần tử khủng bố IS tại đây.

Một số quan chức Mỹ cho rằng Mỹ cần tăng cường ủng hộ các phe cánh nỏi dậy ở Syria bằng cách cung cấp tên lửa chống tăng và súng phóng lựu.

Tuy nhiên, một số quan chức khác, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, đã bác bỏ bất kỳ ý kiến nào cho rằng Mỹ nên tăng cường sự can dự của nước này ở Syria.

Tổng thống Obama từ lâu đã tỏ ra không muốn Mỹ lún sâu vào cuộc nội chiến ở Syria. Tháng 10 năm ngoái, ông Obama từng nói rằng Washington không muốn bị kéo vào một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” với Moscow. Chính phủ của ông tập trung nhiều hơn vào việc đối phó với Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, hiện đang kiểm soát khu vực đông bắc Syria.

Phương Tây vẫn loay hoay “đọc vị” Tổng thống Putin

Nhà Trắng từ chối đưa ra thông tin về cuộc tranh cãi nội bộ xung quanh cuộc chiến ở Syria hay ý đồ thực sự của Tổng thống Putin. Mỹ và các nước phương Tây vẫn loay hoay “đọc vị” Tổng thống Putin từ sau khi Nga bất ngờ triển khai quân ở Syria để ủng hộ Tổng thống Assad hồi tháng 9 năm ngoái.

Việc Tổng thống Putin thông báo rút một phần quân khỏi lãnh thổ Syria từ hồi tháng 3, song vẫn tiếp tục có những động thái quân sự mới sau đó khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây luôn phải “đoán già đoán non” ý đồ thực sự của ông.

Những tranh cãi trong nội bộ chính phủ Mỹ về việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào đối với các động thái quân sự của Nga ở Syria cho thấy Washington vẫn đang nghi ngờ rằng Tổng thống Putin chưa thực sự toàn tâm toàn ý ủng hộ tiến trình hòa bình của Liên hợp quốc để giải quyết xung đột ở Syria.

Các quan chức và các chuyên gia Mỹ vẫn đang đặt câu hỏi tại sao Tổng thống Putin không thể, hoặc không sẵn sàng, gây áp lực để Tổng thống Assad có thái độ nhượng bộ hơn trên bàn đàm phán.

Một nhóm các quan chức tình báo và quân sự Mỹ nghi ngờ liệu ông Putin thực sự có thành ý ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu.

Các quan chức này lập luận rằng Tổng thống Assad đã phá tan những nỗ lực của Liên hợp quốc khi cản trở tiến trình đàm phán hòa bình ở Geneva, lờ đi thỏa thuận ngừng bắn, kích động phiến quân và biến thỏa thuận ngừng bắn thành “mớ giấy vụn”. Kết quả là Tổng thống Putin không còn cách nào khác ngoài việc tăng cường các hoạt động quân sự, đưa thêm khí tài quân sự đến Syria để hỗ trợ phe đối lập của ông Assad.

Trong khi đó, một nhóm các quan chức và chuyên gia khác của Mỹ lại cho rằng Tổng thống Putin chưa bao giờ có thành ý theo đuổi các biện pháp ngoại giao và Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry "ngây thơ" khi tin vào lời tuyên bố sẽ ủng hộ sáng kiến hòa bình tại Syria của Liên hợp quốc của Tổng thống Putin.

Nhóm trên lập luận rằng, Tổng thống Putin vẫn ủng hộ Tổng thống Assad nắm quyền ở Syria và đảm bảo rằng Nga sẽ vẫn giữ được một cảng hải quân ở bờ biển Địa Trung Hải và một sân bay ở phía bắc Syria. Đây là 2 căn cứ quân sự lớn của Nga bên ngoài Liên Xô cũ.

Trong khi các quan chức Mỹ vẫn đang đưa ra những nhận định trái chiều về việc liệu Nga có đưa thêm pháo tới Syria hay không, chính quyền Tổng thống Obama hôm 21/4 đã công khai bày tỏ quan ngại về các báo cáo cho rằng Nga đang vận chuyển thêm các khí tài quân sự tới Syria.

Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc từ chối đưa ra suy đoán về động thái này của Nga. “Tôi không biết ý đồ thực sự của họ (Nga) là gì. Những gì tôi biết bây giờ là chúng tôi đang thấy lực lượng quân đội chính phủ, với sự hỗ trợ của Nga, bắt đầu tập trung quân và tập trung lực lượng chiến đấu xung quanh thành phố Aleppo”, Đại tá Lục quân Mỹ Steve Warren, người phát ngôn liên minh do Mỹ đứng đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Baghdad, tuyên bố hôm 20/4 vừa qua. “Đó là những gì hiện nay chúng tôi quan tâm và để mắt tới”, ông kết luận.

Thành Đạt