1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nobel Hòa bình vẫn xa tầm với của lãnh đạo Mỹ - Triều

(Dân trí) - Mặc dù Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cùng nhau ký kết một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử, song giới chuyên gia cho rằng cơ hội nhận giải Nobel Hòa bình của hai nhà lãnh đạo vẫn xa vời.

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore (Ảnh: ST)
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore (Ảnh: ST)

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra trên đảo Sentosa của Singapore ngày 12/6, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký một tuyên bố chung gồm 4 điểm với nội dung chính là tái khẳng định cam kết của Bình Nhưỡng trong việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.

Với kết quả thành công của hội nghị, một số nhà bình luận và chính trị gia, trong đó có các nghị sĩ Na Uy, đã đề xuất trao giải thưởng Nobel hòa bình cho Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì những nỗ lực của họ cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ cũng gửi thư tới Ủy ban trao giải Nobel để chính thức đề cử giải Nobel hòa bình cho Tổng thống Trump. Các nghị sĩ này muốn ghi nhận “nỗ lực không mệt mỏi” của Tổng thống Trump “trong việc mang lại hòa bình cho thế giới”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giải thưởng danh giá này vẫn nằm ngoài tầm với của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Theo nhận định của các chuyên gia, cả thời điểm xét tặng giải thưởng cũng như phẩm chất của hai nhà lãnh đạo đều chưa phù hợp để đưa hai ông tới bục nhận giải.

Tổng thống Trump từng khiến giới ngoại giao quốc tế sốc khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị hoài nghi về vấn đề nhân quyền, theo AFP.

Ngoài ra, nhiều người vẫn hoài nghi về hiệu quả thực sự của tiến trình phi hạt nhân hóa theo cam kết của Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh vừa qua. Giải giáp vũ khí hạt nhân cho đến nay vẫn là một tiến trình kéo dài, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Vẫn còn quá sớm. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận (Mỹ - Triều) dẫn đến việc giải giáp thực sự vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thì sẽ rất khó để không trao giải thưởng cho họ. Đây là tình huống kỳ quặc, nhưng đã từng xảy ra trước đây, khi có những người từng mắc sai lầm nhưng vẫn được nhận giải Nobel Hòa bình”, Asle Sveen, nhà sử học chuyên nghiên cứu về giải thưởng Nobel, nói về triển vọng trao giải Nobel Hòa bình cho hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.

Sự hoài nghi

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ký tuyên bố chung tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ký tuyên bố chung tại Singapore (Ảnh: Reuters)

Từ trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, một số nhân vật nổi tiếng như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đều đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Trump. Họ cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ xứng đáng với giải thưởng này.

Tuy nhiên, sau khi việc trao giải cho ông Barack Obama, người vừa mới đắc cử tổng thống Mỹ, hồi năm 2008 bị chỉ trích là quá vội vàng, Ủy ban Nobel không muốn lặp lại những sai lầm này.

Trước đó, vào năm 2000, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung vì những nỗ lực của ông trong việc hóa giải căng thẳng với Triều Tiên. Tuy nhiên theo Henrik Urdal, lãnh đạo Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo, giải thưởng của Tổng thống Kim sau đó bị nghi ngờ có động cơ đằng sau và có thể là “một chiến dịch quan hệ công chúng”.

“Tôi nghĩ họ có thể đang chờ đợi một vài kết quả khả quan trước khi trao giải thưởng”, ông Urdal cho biết.

Dan Smith, lãnh đạo viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để quyết định trao giải Nobel hòa bình cho Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Tuyên bố (Mỹ - Triều) mới chỉ là bước đầu tiên, còn hành trình sau đó vẫn rất dài và phức tạp. Những hành động khác của Tổng thống Trump, trong đó đáng nói nhất là việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, vốn rất quan trọng cho an ninh toàn cầu, và việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn rất quan trọng cho sự ổn định của khu vực Trung Đông, không mang lại hiệu quả tích cực cho nền hòa bình”, chuyên gia Smith nhận định.

Nếu tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thực sự hiệu quả, Ủy ban Nobel có thể sẽ rơi vào tình thế khó xử nếu muốn trao giải cho hai nhân vật chính do những vấn đề gây tranh cãi mà họ từng gây ra trong quá khứ. Theo ông Urdal, nhiều người vẫn được trao giải Nobel hòa bình dù quá khứ gặp một số vấn đề như vậy. Vấn đề đặt ra bây giờ là cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều chưa nỗ lực đủ để được trao giải thưởng danh giá này.

Theo Tiến sĩ Geir Lundestad, thư ký của Ủy ban Nobel từ năm 1990-2014, “Nobel không phải là giải thưởng dành cho các vị thánh”. Mặc dù ca ngợi hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, nhưng ông Lundestad vẫn hoài nghi về việc trao giải cho hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ở thời điểm hiện tại.

“Điều gây khó khăn nhất cho cơ hội nhận giải của Tổng thống Trump là việc ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi lựa chọn con đường hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, ông Trump lại châm ngòi xung đột tại Trung Đông và đặt cả khu vực này vào tình thế nguy hiểm", ông Urdal nói.

Theo Tiến sĩ Peter Wallensteen, giáo sư quan hệ quốc tế Thụy Điển, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới là người xứng đáng nhất lúc này cho giải Nobel Hòa bình.

"Thực ra ông Moon mới là người xứng đáng nhất, nhưng điều này giống như một cú huých chống lại ông Trump", giáo sư Wallensteen nhận định.

Thành Đạt

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm